Nghiên cứu - Trao đổi

Huyện Na Hang khai thác tiềm năng thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ

Ngày Đăng: 26/3/2021 8:19 Lượt xem: 344

          Là huyện vùng cao ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, huyện Na Hang được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo như Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; hệ thống sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Na Hang; cánh đồng ruộng bậc thang Hồng Thái. Cùng với đó là những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của các đân tộc sinh sống trên địa bàn huyện như lễ hội Lồng Tông, lễ hội Giã cốm. Đây là những tiềm năng để Na Hang hướng đến phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân.
          Xác định việc  khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc là giải pháp để phát triển du lịch, dịch vụ của huyện, trong những năm qua huyện Na Hang đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong huyện thực hiện tốt Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân huyện thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/HU ngày 15/9/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch phát triển du lịch huyện Na Hang giai đoạn 2016 - 2020
          Song song với đó là bảo tồn, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hiện nay huyện đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đạc họa, hoàn thiện hồ sơ khoa học và chỉ dẫn đường đến 28 di tích trên địa bàn, thuộc quần thể di tích, danh thắng huyện Na Hang. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ “Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang” trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Thế giới trong thời gian tới.
          Vừa qua huyện chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin đại chúng; qua các trang mạng chính thống; phối hợp với Chương trình VTV1 và các  kênh VTV Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, chương trình VTC, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang... sản xuất 14 số quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của huyện, trong đó có các số “Báu vật người Dao”; “Có một Sa Pa thứ hai ở Tuyên Quang”; “Kỳ thú Hồ Na Hang”.  Phối hợp với VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện sản xuất phim “Hẹn nhau nơi đó” và MV ca nhạc “Nhà em ở Lưng đồi” do ca sỹ Đỗ Tố Hoa thể hiện.
          Huyện đã tập trung  nguồn lực nâng cấp hệ thống hạ tầng gắn với phát triển du lịch như: đẩy nhanh tiến độ dự án Hạ tầng du lịch thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; các dự án, các điểm du lịch trên địa bàn; hoàn thành thí điểm mô hình Chợ đêm, tuyến phố đi bộ tại thị trấn Na Hang … Đồng thời nâng cao kiến thức cho các hộ gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng (Homestay) tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; tập huấn về hướng dẫn viên du lịch (trong năm 2020 đã tập huấn cho 74 học viên); chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch trên địa bàn làm tốt công tác vệ sinh môi trường ...
          Kết quả thu hút khách du lịch đến với Na Hang 11 tháng năm 2020 đạt 95,474 lượt khách, đạt 69,18% kế hoạch năm (ước thực hiện năm 2020 102,575 lượt khách, đạt 74,26% kế hoạch năm); doanh thu xã hội 11 tháng từ du lịch đạt 68,901 tỷ đồng, đạt 58,39% (ước thực hiện năm 2020 đạt 74,936 tỷ đồng, đạt 63,51% kế hoạch). Ước tính thu hút lượt khách đến Na Hang năm 2020 đạt 60,64% so với năm 2019.[1]
          Bên cạnh kết quả đạt được  huyện Na Hang đang đứng trước một số khó khăn như cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ; số lượng dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch còn ít; việc khai thác Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình chưa phong phú …
          Trong những năm tới với phương châm khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương,  huyện đã xác định phải tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển du lịch, đảm bảo tập trung khai thác có hiệu quả Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình trên cơ sở tiến tới đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch Quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan lập hồ sơ “Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang”  trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới.
          Bên cạnh đó nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng hiện có của địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới, điển hình, có giá trị nổi bật thành các sản phẩm mang thương hiệu Du lịch Na Hang nhằm tạo sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch.
Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Thu hút, mời gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí...
          Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá (các lễ hội, phong tục tập quán, trang phục ...) của các dân tộc trên địa bàn huyện. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hoá với phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn như: Đền Pác Tạ, thác Mơ, các làng văn hóa du lịch. Tiếp tục phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan thiên nhiên.
            Với những giải pháp thích hợp nêu trên, trong những năm tới huyện Na Hang sẽ phát huy được hiệu quả trong khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

 
 Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

[1] Theo Báo cáo số 81 – BC/HU ngày 15 tháng 12 năm 2020 của huyện ủy Na Hang, về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8281959

Đang Online : 60