Nghiên cứu - Trao đổi

Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 7/4/2021 8:2 Lượt xem: 662

          Du lịch là ngành công nghiệp không khói đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong phát triển du lịch, việc quảng bá hình ảnh có ý nghĩa hết sức quan trọng để thu hút khách và nâng cao sự cạnh tranh. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tuyên Quang sẽ trở thành ngành kinh tế có vai trò quan trọng của tỉnh, để từng bước thực hiện mục tiêu này Tuyên Quang xác định ưu tiên cho phát triển du lịch thông minh qua việc ứng dụng công nghệ thông tin thời kỳ 4.0.
          Tỉnh Tuyên Quang là địa bàn cư trú của 22 dân tộc với bản sắc văn hóa riêng biệt, độc đáo được thể hiện thông qua lễ hội diễn ra thường niên như: Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Nhảy lửa, Lễ hội Đền Thượng, Đền Hạ, Đền Ỷ La, Lễ hội Thành Tuyên.... đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh. Cách thức tổ chức lễ hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, các mô hình biểu diễu đặc sắc, thời gian diễn ra lễ hội kéo dài và được gắn kết với sự kiện văn hóa cấp tỉnh cùng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn để tạo sân chơi du khách.
          Những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đang tiếp tục được đầu tư, phát triển và ngày càng đồng bộ, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc Tuyên Quang được hình thành. Để hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và đem lại hiệu quả thiết thực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án Phát triển du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tăng cường công tác quảng bá, nâng cao hiệu quả của du lịch thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp quan trọng. Thực hiện giải pháp này, hoạt động truyền thông, quảng bá về du lịch đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Phát trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đại Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương, trên nhiều website du lịch, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube), tổ chức sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Tuyên Quang, các sự kiện xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế…
          Xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh trong phát triển du lịch đang được thực hiện với việc xây dựng và hoàn thiện các “ứng dụng thông minh” trên thiết bị di động phục vụ khách du lịch. Các ứng dụng được hỗ trợ Tiếng Việt và Tiếng Anh mang đến cho người sử dụng nhiều tiện ích trong quá trình tìm hiểu, khám phá các điểm tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống, ẩm thực địa phương, thông tin về hệ thống nhà hàng khách sạn, công ty lữ hành, tour du lịch, chính sách thu hút đầu tư dự án du lịch trên địa bàn tỉnh…
          Nhằm lan tỏa về tài nguyên, tiềm năng du lịch trên địa bàn toàn tỉnh, Tuyên Quang quan tâm đầu tư xây dựng các website quảng bá du lịch theo hướng thân thiện, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn, dễ tương tác với du khách. Ứng dụng kỹ thuật nhằm tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để nhiều người biết đến các trang thông tin, fanpage, mạng xã hội… bên cạnh đó là việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cùng các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh.
          Tuy nhiên, theo đánh giá của một số du khách, việc tìm hiểu thông tin về du lịch Tuyên Quang qua mạng Internet vẫn chưa đầy đủ, chưa phong phú, đa dạng, kho tư liệu còn ít, thông tin trùng lặp, chưa cập nhật kịp thời so với tiềm năng du lịch thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa phổ biến, việc quảng bá của một số doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh còn mang tính đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp, thông tin chưa đầy đủ, chắp vá, thiếu cập nhật nên phần nào ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và sự phát triển chung của hoạt động du lịch.
          Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả thiết thực, xác định rõ đối tượng truyền thông, nhằm thu hút khách du lịch từ các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới tiềm năng, tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cả về số lượng, chất lượng trong thời gian tới tỉnh cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
         Thứ nhất, tiếp tục ứng dụng công nghệ, thông tin để quảng bá du lịch thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động của các website dulichtuyenquang.vn; dulichtaybac.vn; các chuyên trang, chuyên mục về du lịch văn hóa trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, báo Tuyên Quang… áp dụng công nghệ số làm cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh, trong đó giới thiệu, kết nối các dịch vụ để tạo thành chuỗi sản phẩm, du khách có thể sắp xếp, lên kế hoạch cho chuyến đi hoàn chỉnh để có sự chuẩn bị và trải nghiệm tốt nhất.
          Sử dụng có hiệu quả các trang mạng xã hội như fanpage, youtube, facebook nhằm đẩy mạnh kết nối thông tin với du khách và doanh nghiệp. Quảng bá đa phương tiện nhằm thu hút du khách đến thăm quan du lịch thông qua hình thức phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, tạp chí xây dựng chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền, quảng bá du lịch Tuyên Quang trên các ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình… Tham gia, tổ chức giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các sự kiện văn hóa, chính trị trong và ngoài nước, chủ động sản xuất, phát hành các video clip quảng bá chất lượng cao phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
          Thứ hai, ứng dụng công nghệ để kết nối các dịch vụ phục vụ khách du lịch như thanh toán điện tử trực tuyến trên các thiết bị di động thông minh, tiến tới công nghệ số hóa các điểm đến quan trọng của tỉnh như di tích, du lịch tâm linh, bảo tàng… tiếp tục xây dựng các ứng dụng để du khách có thể tìm hiểu thông tin về các điểm đến thông qua hình ảnh 3D chân thực kèm thuyết minh bằng lời của hướng dẫn viên với các ngôn ngữ phổ biến. Các ứng dụng thông minh phải được cài đặt dễ dàng, nhanh chóng để du khách, người dân tải về sử dụng thuận tiện khi tra cứu thông tin, đặt phòng trực tuyến và các dịch vụ khác.
          Thứ ba, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội, di tích, di vật, cổ vật, công trình kiến trúc nghệ thuật, nghệ thuật trình diễn dân gian và các bản sắc văn hóa truyền thống đang bị mai một, hoặc biến mất trong cộng đồng. Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cùng phát triển hạ tầng mạng Internet, wifi, xã hội hóa việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng và cập nhật phần mềm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá xúc tiến du lịch.
 
Cử nhân Nguyễn Thị Khánh Anh
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật


Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo chính trị ĐHĐB Đảng Bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII
2. Báo cáo chương trình công tác tháng 12 năm 2020 (Sở văn hoá, thể thao & du lịch phòng nghiệp vụ du lịch).
 
 
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8281949

Đang Online : 50