Nghiên cứu - Trao đổi

Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân - nhìn từ câu chuyện ngành mía đường Việt Nam

Ngày Đăng: 7/5/2021 10:27 Lượt xem: 454

         Nhớ lại câu chuyện cây mía của nông dân trong niên vụ sản xuất 2019-2020, khi mà giá đường nhập khẩu thấp hơn giá đường sản xuất trong nước. Doanh nghiệp khó tiêu thụ đường thành phẩm làm cho lượng đường tồn kho lớn, nhiều nhà máy đường chậm thu mua hoặc thu mua với giá rất thấp so với giá hợp đồng đã ký, chậm thanh toán tiền mua mía cho nông dân… trước tình hình đó, nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía mà chuyển sang trồng các loại cây khác, vì vậy diện tích mía nguyên liệu giảm sâu (chỉ tính riêng vùng nguyên liệu của công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thời điểm đó đã giảm xuống còn 4.540 ha so với gần 11.000 ha những năm 2015, 2016). 
          Đến niên vụ sản xuất 2020-2021, khi nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu làm cho giá đường trong nước tăng lên, nhà máy đường hoạt động có lãi trở lại. Cùng với đó các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá mua mía của nông dân tăng lên để chia sẻ lợi ích. Tuy nhiên, khó khăn của ngành mía đường chưa hết. Do diện tích mía đã giảm ở niên vụ sản xuất trước trong khi nhu cầu mía nguyên liệu tăng lên dẫn đến hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp mía đường, giữa doanh nghiệp với thương lái đang diễn ra, người trồng mía thu hoạch diện tích mía đã hợp đồng liên kết với nhà máy để bán cho thương lái (theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, đến 3/2021 đã có ít nhất 52 ha mía nguyên liệu - diện tích công ty đã ký liên kết với người dân, bị người dân đốn chặt để bán cho tiểu thương trong niên vụ 2020-2021).
          Từ câu chuyện mua - bán nguyên liệu mía đường giữa doanh nghiệp và nông dân trong hai niên vụ trên cho thấy: việc ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến nông sản và nông dân tính hiệu lực, tính liên kết thấp, thường bị phá vỡ bởi yếu tố lợi ích trước mắt, ngắn hạn của mỗi bên tham gia. Đây là câu chuyện không hiếm gặp trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam những năm qua, khi các chủ thể kinh tế muốn tối ưu hóa lợi ích của mình mà pháp vỡ hợp đồng, sẵn sàng làm tổn hại lợi ích của đối tác.
          Để giải bài toán này, chúng ta phải tìm ra mẫu số chung giữa doanh nghiệp và nông dân - đó là lợi ích ổn định, lâu dài, bền vững cho các bên liên quan, đó là sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại. Trong đó, nông dân phải gạt bỏ đi lợi ích trước mắt để thực hiện nghiêm túc cam kết với doanh nghiệp mới có thể khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, câu chuyện “giải cứu nông sản”…. Còn về phía doanh nghiệp khi thực hiện nghiêm cam kết với nông dân sẽ ổn định vùng nguyên liệu, chủ động nguyên liệu để duy trì, phát triển sản xuất tránh tình trạng tranh mua, tranh bán khi thiếu nguyên liệu hoặc ép giá đối với nông dân khi thừa nguyên liệu.
          Muốn rút ngắn sự khác biệt về lợi ích của doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt  khi cung - cầu hàng hóa trên thị trường có biến động theo hướng bất lợi cho một trong hai bên liên quan, rất cần vai trò của nhà nước với tư cách là người kiến tạo, là chất xúc tác để dung hòa lợi ích, gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp. 
          Quay trở lại câu chuyện mua - bán nguyên liệu mía đường hai niên vụ gần đây cho thấy, sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực 1-1-2018, thuế suất nhập khẩu mặt hàng đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%, ngành mía đường Việt Nam đã xảy ra nghịch lý: sản lượng đường trong nước dư thừa, nhưng lại nhập siêu. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường trong nước, ngày 9-2-2021, Bộ Công thương đã ký ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan với mức 48,88% cho đường tinh và 33,88% cho đường thô. Nhờ vai trò kiến tạo của Chính phủ mà niên vụ sản xuất 2020-2021 ngành mía đường trong nước đã nhiều khởi sắc.
          Nhằm giúp đỡ nông dân khi giá nguyên liệu mía xuống thấp, người nông dân bỏ cây mía trồng cây khác hoặc không đầu tư chăm sóc vườn mía… chính quyền một số địa phương đã có cơ chế,chính sách giúp nông dân ổn định vùng nguyên liệu mía. Ví như tỉnh Tuyên Quang năm 2020 đã có chính sách tăng mức vay vốn cho người trồng mía. Theo đó, người dân sẽ được vay 40 triệu đồng/ha hỗ trợ lãi suất 100% để trồng mới hoặc trồng lại mía. Đồng thời rà soát lại diện tích trồng mía để làm căn cứ điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh…
          Tuy nhiên, sự can thiệp của chính phủ hoặc chính quyền địa phương thường chậm hơn với biến động của thị trường dẫn đến hệ lụy diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng, diện tích mía của cả nước đến nay chỉ còn dưới 160.000 ha. Tổng số nhà máy đường từ 41 nhà máy, đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng, nguyên liệu thiếu trầm trọng nên chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Sản lượng đường sản xuất trong nước đến nay chỉ còn dưới 1 triệu tấn. Để phục hồi ngành mía đường Việt Nam sẽ còn rất nhiều gian truân trở ngại đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính phủ, các cấp, các ngành, hiệp hội mía đường Việt Nam, đặc biệt vẫn cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu mía chất lượng, bền vững; đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
         Bài học từ câu chuyện ngành mía đường Việt Nam cho thấy, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân cần có sự nỗ lực vào cuộc của nhiều chủ thể. Trong đó, từng chủ thể cần làm tròn trách nhiệm của mình. Đối với nông dân, phải nâng cao nhận thức trong việc liên kết, không chạy theo lợi ích trước mắt, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn giống, thâm canh, áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến chăm sóc và thu hoạch; Đối với doanh nghiệp cần xây dựng chính sách đầu tư, thu mua hấp dẫn, dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích, áp dụng triệt để các giải pháp để minh bạch hóa chính sách, tăng cường đầu tư vào khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch nông sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông sản, tích cực tìm các giải pháp để hạ chi phí sản xuất; Đối với chính quyền địa phương: tăng cường công tác tuyên truyền để người dân yên tâm duy trì và phát triển vùng nguyên liệụ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tích cực xây dựng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã (HTX), nhóm hợp tác; nâng cao chất lượng mối liên kết giữa nông dân - HTX - Nhà máy; phối hợp thực hiện tốt các chính sách đầu tư, khuyến khích, sự can thiệp kịp thời, đúng đắncủa Chính phủ, chính quyền địa phương… là một trong hướng đi để phát triển nền nông nghiệp bền vững của Việt Nam./.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
 

Tin mới nhất:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8702433

Đang Online : 9