Nghiên cứu - Trao đổi

Ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới

Ngày Đăng: 5/6/2021 20:14 Lượt xem: 533

          Nước mất, nhà tan, dân nô lệ là nỗi dằn vặt lớn nhất trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân hoặc là dựa trên hệ tư tưởng phong kiến, tư sản, tiểu tư sản hoặc dựa trên lập trường của giai cấp nông dân cũng đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Sự thất bại của các phong trào yêu nước đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Từ đó, Nguyễn Tất Thành, quyết ra đi tìm đường cứu nước, thực sự là một quyết định lịch sử, nung nấu thực hiện khát vọng đem lại quyền tự do cho đồng bào, cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dânLịch sử đã khẳng định, sau nhiều năm tháng hoạt động, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã khảo sát, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm thế giới, ra sức rèn luyện phong trào công nhân quốc tế, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm được con đường cứu nước đúng đắn. Từ một người đi tìm đường cứu nước trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc, tạo bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới.
          Đối với phong trào cách mạng trong nước, Nguyễn Ái quốc đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX
          Bước ngoặt này gắn liền với sự kiện Nguyễn Tất Thành từ giã nước Anh trở lại nước Pháp. Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Nguyễn Tất Thành đã thực sự bước vào cuộc chiến đấu, tham gia vào hoạt động, vào tổ chức hòa mình vào phong trào đấu tranh quần chúng rộng lớn. Người tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật rất đa dạng; tham gia vào nhiều tổ chức khác nhau, đặc biệt là gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quí của đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái; tiếp xúc với đủ các tầng lớp xã hội Pháp để tìm hiểu, học hỏi, tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp, vạch trần những trò bịp bợm, giả dối của thực dân Pháp dưới chiêu bài khai hóa văn minh cho những người Pháp có khuynh hướng dân chủ và tiến bộ; đưa ra bản Yêu sách 8 điểm của dân tộc Việt Nam trước Hội nghị Véc-xây. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Và từ đây, Nguyễn Ái Quốc thực sự bắt đầu sứ mệnh của người chiến sĩ tiên phong của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp mà chính Ác-nu, viên mật thám Pháp, đã phải thốt lên dự cảm:“Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”[1].
          Với một linh cảm đặc biệt do những năm tháng hoạt động liên tục đem lại, Yêu sách không thể là con đường đánh đổ được chủ nghĩa thực dân và giải phóng được dân tộc. Con đường đó chỉ có thể là cách mạng theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga. Tất cả những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc từng trăn trở, tìm kiếm bao lâu nay đã được giải đáp trong bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin viết vào tháng 6/1920 và được công bố trên Báo Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp ngày 16-17/7/1920. Sau này, nhớ lại thời điểm lịch sửấy, Người viết:“Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2].
          Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua gần 10 năm lao động, học tập, đấu tranh với một nghị lực phi thường và một bản lĩnh sáng tạo, khoa học. Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm thấy chính là con đường cách mạng theo học thuyết cách mạng của Lênin. Từ bản Luận cương của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước quyết tâm đi theo con đường của Lê-nin vĩ đại. Từ đây, lịch sử cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng. Con đường của Lênin mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận được coi như “kim chỉ nam” soi sáng con đường của cách mạng Việt Nam.
          Sau khi tìm được con đường cứu nước, Bác trở về nước lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc, đúng như ước nguyện khi ra đi. Người luôn trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận, nguyên lý, quy luật cách mạng chung, trong đó có quy luật thành lập Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào việc xây dựng, thành lập chính đảng đặc thù ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài việc sáng lập, rèn luyện Đảng ta, trong những chặng đường tiếp theo, Người luôn giải quyết tốt các mối quan hệ chính trị, như: Giữa sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản với việc lựa chọn con đường, mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng và phương thức tiến hành cách mạng ở Việt Nam; giữa sự nghiệp cách mạng chung của thế giới với sự nghiệp cách mạng riêng của Việt Nam… Bác đặc biệt chú trọng việc củng cố và xây dựng sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động nhân dân đấu tranh giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đưa nhân dân lao động từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từng bước xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công.
          Thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong 15 năm đấu tranh giành chính quyền, trong 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế là minh chứng hùng hồn nhất để khẳng định sự lựa chọn con đường cách mạng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự lựa chọn duy nhất đúng, phù hợp với đòi hỏi và nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới.
           Với ý nghĩa đó, ngày 05/6/1911, không chỉ là là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm con đư­ờng cứu n­ước cứu, cứu dân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng b­ước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dư­ới sự dẫn dắt của Ng­ười. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa - văn minh nhân loại và nắm bắt đ­ược xu thế phát triển của loài ng­ười trong thời đại mới, thông qua con đ­ường cách mạng mà Ng­ười đã lựa chọn. Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp đ­ưa tới những thắng lợi vĩ đại trong lịch sử cho cách mạng Việt Nam.
           Đối với phong trào cách mạng quốc tế, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có tầm ảnh hưởng to lớn đến cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì nền độc lập, tự do của con người và các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
          Vào cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bộc lộ bản chất hiếu chiến, xâm lược thuộc địa và áp đặt ách thống trị thực dân ở khắp các nước Á, Phi, Mỹ Latin. Thế giới bị chia cắt với một bên là các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển và một bên là các nước thuộc địa và phụ thuộc, có nền kinh tế lạc hậu. Đến đầu thế kỷ XX, cuộc xung đột, tranh giành quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), khiến các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt. Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước đế quốc, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng lên mạnh mẽ, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Afganistan, Indonesia… và cách mạng phương Đông là một bước ngoặt thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Vấn đề đặt ra cho các nước thuộc địa và phụ thuộc là cần phải tập hợp lực lượng, lựa chọn phương thức tiến hành cách mạng như thế nào để giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Với việc tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã có sự đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.
            Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho Tổ quốc với tấm lòng của một người Việt Nam yêu nước. Con đường cứu nước mà Người đã đi qua trong 30 năm (1911 - 1941) là một cuộc hành trình huyền thoại, thể hiện bản lĩnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vĩ nhân của thời đại chúng ta, có vai trò, đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại. Với tầm nhìn thời đại, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự lựa chọn và hành động của Nguyễn Ái Quốc phù hợp với trào lưu tiến hóa của lịch sử, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, đã kéo theo cả một lớp người Việt Nam yêu nước chân chính đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó chủ nghĩa Mác – Lênin bắt đầu thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam từ đây có một phương hướng mới. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là tấm gương sáng ngời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người cho dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. 
           Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nguyện vững bước theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc, năm châu như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
 
[1]Hồng Hà, Thời thanh niên của Bác Hồ, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr81
[2]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, tr127
 
Thạc sĩ Phạm Thị Hoa
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8281695

Đang Online : 2704