Nghiên cứu - Trao đổi

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Nhìn từ lý luận về lợi thế so sánh trong hoạt động thương mại

Ngày Đăng: 10/6/2021 10:34 Lượt xem: 499

          Từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước đầu đổi mới, khi tôi còn là sinh viên ngành kinh tế.Những bài học về lợi thế so sánh trong hoạt động thương mại đối với tôi khi đó vừa mới mẻ, vừa xa lạ. Chính sự mới mẻ ấy mà đến nay bài giảng đó vẫn in đậm trong tâm trí tôi, luôn văng vẳng đâu đó như bài học của ngày hôm qua.
       Lợi thế so sánh hay ưu thế so sánh là một nguyên tắc trong kinh tế học, theo đó mỗi quốc gia sẽ được lợi khi nó chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa mình có thể sản xuất với chi phí tương đối thấp (hay tương đối có hiệu quả hơn các nước khác); ngược lại, mỗi quốc gia sẽ được lợi nếu nó nhập khẩu những hàng hóa mà mình có thể sản xuất với chi phí tương đối cao (hay tương đối không hiệu quả bằng các nước khác). Nguyên tắc lợi thế so sánh cho rằng một nước có thể thu được lợi từ thương mại bất kể nó tuyệt đối có hiệu quả hơn hay tuyệt đối không hiệu quả bằng các nước khác trong việc sản xuất mọi hàng hóa. Nguyên tắc lợi thế so sánh là khái niệm trọng yếu trong nghiên cứu thương mại quốc tế. Ngay từ năm 1817, nhà kinh tế học người Anh David Ricardo đã nghiên cứu và chỉ ra rằng chuyên môn hóa quốc tế sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia và gọi kết quả này là quy luật lợi thế so sánh. Theo ông: mỗi nước có một lợi thế nhất định để sản xuất một số sản phẩm và kém lợi thế so sánh nhất định về sản xuất một số sản phẩm khác. Bằng việc chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà nước đó có lợi thế so sánh làm cho mức sản lượng và tiêu dùng trên thế giới sẽ tăng lên, kết quả là mỗi nước đều có lợi ích từ thương mại.
          Đến thế kỷ XX, nhà kinh tế học được giải thưởng Nobel năm 1970 Paul Samuelson đã viết: Mặc dù có những hạn chế, lý thuyết lợi thế so sánh vẫn là một trong những chân lý sâu sắc nhất của mọi môn kinh tế học. Các quốc gia không quan tâm đến lợi thế so sánh đều phải trả một cái giá rất đắt bằng mức sống và tăng trưởng kinh tế của chính mình.
          Như vậy, với lý luận này không chỉ áp dụng ở phạm vi một quốc gia mà với phạm vi cấp tỉnh, huyện hay xã đều có thể nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm mình có lợi thế so sánh hơn địa phương khác để tập trung nguồn lực vào sản xuất và tiêu thụ sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho địa phương mình và địa phương khác.
          Nhận thức đúng quy luật kinh tế thị trường, vận dụng vào hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế địa phương một cách phù hợp, thậm chí chính quyền còn có thể tác động, thúc đẩy làm cho quy luật đó diễn ra nhanh hơn theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường là rất cần thiết.
         Vận dụng lý luận về “lợi thế so sánh trong hoạt động thương mại” vào hoạch định chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Từ năm 2013 tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu tái cấu trúc ngành nông nghiệp từ lợi thế của địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chọn sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng cải cách hành chính, thu hút doanh nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp ngoài địa bàn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Nhờ đó, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có 169 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hộ sản xuất với 421 sản phẩm tham gia Chương trình; trong đó có 196 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao.
          Nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước, năm 2018 Chính phủ triển khai Chương trình OCOP - chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị (gọi tắt là chương trình mỗi xã một sản phẩm). Chương trình OCOP lấy phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện. Trong đó tập trung vào sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Với tiêu chí đánh giá từ một sao đến năm sao, chia theo các cấp độ: sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
          Theo báo cáo của Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, Sau gần 3 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, cả nước có 1.271 chủ thể đã đăng ký kinh doanh và tổ chức sản xuất theo Chương trình OCOP. Trong đó có 471 hợp tác xã (chiếm 38,6%), 390 doanh nghiệp (chiếm 30,7%), 365 cơ sở sản xuất (chiếm 28,7%), còn lại là các tổ hợp tác đã tổ chức sản xuất 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt ba sao trở lên (đạt 90,4% mục tiêu của chương trình giai đoạn 2018 - 2020), tập trung vào ba nhóm chủ yếu: thực phẩm 1.786 sản phẩm (chiếm 82,3%); nhóm đồ uống 163 sản phẩm (chiếm 7,5%); nhóm lưu niệm nội thất và trang trí 107 sản phẩm (chiếm 4,9%), còn lại là các sản phẩm khác. Số liệu nêu trên chothấy, hầu hết các sản phẩm đều có tiềm năng lớn để đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện khá thành công chương trình này như tỉnh Bắc Kạn, tuy thực hiện chương trình OCOP sau Quảng Ninh nhưng cũng là điểm sáng cho các địa phương trong cả nước học tập.
           Tuyên Quang là một tỉnh miền núi có truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên phong phú, là tỉnh có diện tích rừng lớn, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng; nguồn nhân lực dồi dào và kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thì việc chú trọng thực hiện chương trình OCOP gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết nhằm phát huy lợi thế so sánh của các sản phẩm trong tỉnh, huyện, xã để tăng trưởng kinh tế của địa phương.
          Ngay khi có chủ trương của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã tổ chức hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá. Các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực của địa phương mình để tham gia chu trình OCOP; đồng thời hướng dẫn các chủ thể tổ chức sản xuất tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm.
          Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 79 sản phẩm phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đạt 106,8% kế hoạch (trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 62 sản phẩm đạt hạng 3 sao) của 51 chủ thể (gồm: 05 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã, 04 tổ hợp tác và 04 hộ gia đình) trên địa bàn 42 xã, phường, thị trấn của 07 huyện, thành phố. 07/07 huyện, thành phố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng được ít nhất 01 sản phẩm chủ lực cấp huyện để tham gia chương trình OCOP, cụ thể: huyện Lâm Bình có sản phẩm thịt dê núi Thổ Bình; huyện Na Hang có sản phẩm chè Shan Tuyết và cá Lăng; huyện Chiêm Hoá có sản phẩm lạc Chiêm Hoá và bánh gai Chiêm Hoá; huyện Hàm Yên có sản phẩm Cam sành Hàm Yên; huyện Sơn Dương có sản phẩm chè xanh Trung Long và chè xanh Tâm Trà, huyện Yên Sơn có sản phẩm chè xanh Ngọc Thuý và Bưởi Xuân Vân; thành phố Tuyên Quang có sản phẩm mật ong hương rừng. Từ đó, Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh đứng thứ 5 so với các tỉnh miền núi phía Bắc về số sản phẩm đạt OCOP được gắn từ 3 sao trở lên.
          Có thể nói, sau gần ba năm thực hiện, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình này cũng đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế vùng nông thôn ngày càng phát triển.
 
Tài liệu tham khảo:
- http://nhandan.vn: Hiệu quả từ Chương trình OCOP ở các tỉnh miền Bắc
- http://hoinongdantuyenquang.org.vn: Tuyên Quang chỉ sau 2 năm đã có 79 sản phẩm OCOP, xếp thứ 5 các tỉnh miền núi phía Bắc.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật


 

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8702161

Đang Online : 3