Nghiên cứu - Trao đổi

Nguyễn Đức Cảnh – Lãnh tụ của giai cấp công nhân Việt Nam

Ngày Đăng: 29/7/2021 14:35 Lượt xem: 952

           Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02 tháng 02 năm 1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thuỵ An (nay là thị trấn Diên Điềm, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước. Mặc dù hy sinh khi còn rất trẻ nhưng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – lãnh tụ Công Hội Đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động hiện nay đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta.
 

Chân dung đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Nguồn: https://laodong.vn)
 
          Lúc nhỏ, Nguyễn Đức Cảnh học tại trường làng, vốn thông minh và chăm chỉ năm 15 tuổi Nguyễn Đức Cảnh đỗ vào trường thành chung Nam Định (lúc bấy giờ cả xứ Bắc Kỳ chỉ có bốn trường thành chung). Trong thời gian học tại đây, Nguyễn Đức Cảnh đã được tiếp xúc với nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài được đưa về nước, đặc biệt là báo Người cùng khổ (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính những điều đó đã khơi dậy ý thức dân tộc và thúc đẩy Nguyễn Đức Cảnh tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng.
          Năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh rời khỏi trường thành chung Nam Định do tham gia phong trào yêu nước vận động bãi khoá đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Cuối năm đó, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội và dạy học tại trường Tư thục Công Ích. Mang trong mình lòng yêu nước thương nòi cùng với kiến thức khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Đức Cảnh trong quá trình dạy học luôn giáo dục học trò phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhất là phải giúp đỡ những người nghèo.
          Năm 1927, phong trào cách mạng ở Hà Nội bước sang một giai đoạn mới. Giữa lúc phong trào đấu tranh chống Pháp đòi độc lập, tự do, dân chủ của các tầng lớp nhân dân thành thị đang phát triển thì nhà xuất bản Nam Đồng thư xã được Phạm Tuấn Tài thành lập với nhiệm vụ xuất bản những cuốn sách nêu gương những nhà yêu nước và những tác phẩm cổ động cho cách mạng như Con đường cứu quốc, Dân tộc chủ nghĩa... Nơi đây trở thành một câu lạc bộ thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên, trí thức yêu nước tham gia trong đó có Nguyễn Đức Cảnh. Để nắm bắt được hơi thở và cuộc sống của công nhân, Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm công nhân xưởng in Lê Văn Tân. Khi trực tiếp thấy cảnh bóc lột, đánh đập dã man công nhân của bọn cai, đồng chí đã tham gia vào những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho công nhân. Nhờ những tư tưởng cách mạng mới soi đường, đặc biệt chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã làm cho Nguyễn Đức Cảnh nhận thức được quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc, từ đó đồng chí đã xin gia nhập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam.
          Để có thực tiễn gắn với lý luận, Nguyễn Đức Cảnh xin về công tác tại vùng công nghiệp ở Hải Phòng, ngay sau đó đồng chí được bổ sung vào Tỉnh bộ Thanh niên và cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, trực tiếp phụ trách tỉnh bộ Hải Phòng. Trong Đại hội đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất của Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ mới và được giao nhiệm vụ phụ trách vận động công nhân toàn kỳ. Chính hoạt động năng nổ của Hội Thanh niên và Nguyễn Đức Cảnh, phong trào “Vô sản hoá” phát triển mạnh khắp Bắc kỳ, nhờ đó chủ nghĩa Mác – Lênin ngày càng thấm sâu vào phong trào công nhân, giúp cho giai cấp công nhân sớm giác ngộ về vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, rút ngắn quá trình đấu tranh từ tự phát lên tự giác. 
          Từ giữa năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân cả nước ngày càng lớn mạnh, sự giác ngộ giai cấp của quần chúng, hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được nâng cao, xu hướng cộng sản ngày càng rõ rệt. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng và được giao nhiệm vụ phụ trách vận động công nhân kiêm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Hòn Gai. Dưới sự lãnh đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng, các tổ chức quần chúng cách mạng như: Công Hội Đỏ, Nông hội Đỏ… lần lượt ra đời. Ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu công nhân các tỉnh ở Bắc Kỳ. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay), ra báo Lao động làm cơ quan tuyên truyền và ra tạp chí Công hội Đỏ làm cơ quan lý luận, đồng thời bầu ra Ban chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Uỷ viên Trung ương lâm thời phụ trách.
          Cuối năm 1929, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn cũng ra đời. Như vậy, chỉ trong vòng nửa năm ba tổ chức cộng sản lần lượt ra đời không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Nguyễn Đức Cảnh cũng nhận thấy sự cần thiết lúc này là phải có một chính đảng thống nhất lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chính vì vậy trong Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đồng chí đã thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua chính cương, sách lược, điều lệ tóm tắt của Đảng và điều lệ tóm tắt của các đoàn thể quần chúng.
          Sau khi về nước, Nguyễn Đức Cảnh và một số đồng chí triệu tập cuộc họp tại số nhà 42, phố Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cử ra Ban chấp hành lâm thời. Tháng 5/1930, đồng chí được Trung ương cử làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Ngay sau đó đồng chí đã chỉ đạo thành lập Thành uỷ Hà Nội vào tháng 6/1930. Trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, Nguyễn Đức Cảnh đã nghiên cứu nắm bắt và chỉ đạo Thành uỷ đẩy mạnh phong trào đấu tranh vạch trần tội ác của thực dân Pháp, các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra sôi nổi khắp các phố phường, thúc đẩy phong trào yêu nước và phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ.
          Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Đức Cảnh gánh trên vai trọng trách nặng nề là phụ trách Đảng và phụ trách Tổng công hội, trực tiếp chỉ đạo tờ báo Công hội Đỏ ở vùng mỏ Hải Phòng và Đông Bắc. Phong trào công nhân lúc bấy giờ đã có một người lãnh đạo đầy nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, có lý luận và thực tiễn chỉ đạo nên nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh cũng có những đóng góp đáng kể vào việc hoàn thiện luận cương chính trị của Đảng tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo khi đã cung cấp nhiều tư liệu thực tiễn, đặc biệt là kinh nghiệm của phong trào “vô sản hoá”.
          Cuối tháng 10/1930, Trung ương Đảng quyết định điều Nguyễn Đức Cảnh đang chỉ đạo tại Hải Phòng, Hòn Gai về công tác tại Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo Xô Viết – Nghệ Tĩnh và được bầu vào Ban thường vụ Xứ uỷ, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động. Trong thời gian tại đây, Nguyễn Đức Cảnh đã đi nhiều nơi, biên soạn nhiều tài liệu cho công việc tuyên huấn. Đặc biệt Nguyễn Đức Cảnh đã chỉ đạo và thành lập nhiều tờ báo cách mạng ở Nghệ - Tĩnh, chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 10/1930 đến tháng 02/1931) Nghệ Tĩnh đã có khoảng 30 tờ báo cách mạng, tiêu biểu như: Người lao khổ, Lao khổ, Chuông vô sản… Có thể nói những ngày sống và chiến đấu trên đất Nghệ Tĩnh để lãnh đạo phong trào Nguyễn Đức Cảnh đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Xứ uỷ Trung Kỳ và các cấp Đảng bộ Nghệ An về hình ảnh một người lãnh đạo, người đồng chí, đồng đội mang trong mình lý tưởng, lòng nhiệt thành cách mạng, không quản ngày đêm lăn lộn với phong trào để chống lại mọi âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của kẻ địch, bảo vệ thành quả cách mạng.
          Cuối tháng 4/1931, Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt tại Hải Phòng. Trải qua những đòn tâm lý chiến hiểm độc, những trận đòn tra tấn dã man nhưng người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy vẫn giữ vững khí tiết cộng sản và bị thực dân Pháp tuyên án tử hình. Ý chí chiến đấu vì dân, vì nước của Nguyễn Đức Cảnh thể hiện ở câu trả lời Chánh án phiên toà Busê khi hỏi đồng chí có xin Tổng thống Pháp ân xá không: “Đánh đuổi quân cướp nước giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam đâu phải là có tội. Đã không có tội ta cần gì ân xá”. Sáng ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh bị thực dân Pháp thi hành bản án bất minh lại bờ sông Lấp, Hải Phòng, khi đồng chí mới 24 tuổi.
          Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, về sự giác ngộ sâu sắc chủ nghĩa Cộng sản, về tinh thần học tập và rèn luyện không mệt mỏi cả lý luận và thực tiễn; đồng chí đã trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam mãi mãi biết ơn người lãnh tụ đầu tiên của mình và nguyện noi gương đồng chí không ngừng phấn đấu để xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh hướng tới mục tiêu chung của đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tài liệu tham khảo: 
Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, nhà văn Lê Bính sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản lao động, 2017.

 
Thạc sĩ Vũ Thị Hồng Điệp
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8004425

Đang Online : 1991