Nghiên cứu - Trao đổi

Phan Đăng Lưu – Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Ngày Đăng: 5/5/2022 8:7 Lượt xem: 891

           Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05 tháng 5 năm 1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành ), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ nhỏ, Phan Đăng Lưu nổi tiếng về sự hiếu học, thông minh, mẫn tiệp hơn người. Với tư chất đó đã giúp cậu học trò họ Phan sớm đến với tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Từ học chữ nho ở trường làng, học trường Pháp - Việt ở Vinh, học lên bậc trung học ở Huế, học trường Canh nông ở Tuyên Quang, về Vinh tham gia Hội Phục Việt, Phan Đăng Lưu luôn nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, để lại một hình ảnh cao đẹp của nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
 

Chân dung đồng chí Phan Đăng Lưu (nguồn: https://baonghean.vn/ )
 
          Đồng chí Phan Đăng Lưu đã hai lần bị thực dân Pháp bắt giam và dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man, với ý chí kiên định, lòng yêu nước đồng chí không chịu khuất phục trước mọi âm mưu của kẻ thù. Sau khi bị kết án và bị đi đày tại Nhà tù Buôn Ma Thuột vào năm 1930, tại đây Đồng chí được chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng và tham gia ban lãnh đạo nhà tù và tổ chức các cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại chế độ lao tù phản động; khéo léo tổ chức viết kiến nghị, viết báo đưa thông tin, tố cáo những chính sách tàn bạo của cai ngục ra công chúng và tạo thành dư luận mạnh mẽ lên án chế độ nhà tù. Giữa năm 1936, sau gần bảy năm bị giam cầm Đồng chí được ân xá trở về quê nhà Nghệ An một thời gian, rồi trở vào Huế để hoạt động. Tại Huế đồng chí đã kết nối các cán bộ Đảng đang hoạt động tại đây, bước đầu củng cố và hình thành Ban lãnh đạo của Đảng ở Trung Kỳ. Sau khi liên lạc được với Trung ương Đảng, Đồng chí được Trung ương chỉ định tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ. Đây là cống hiến đầu tiên của Đồng chí trong công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.
          Theo sự phân công của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu là người chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng: không gạt bỏ nghị trường mà lợi dụng nghị trường, không tẩy chay tuyển cử mà tham gia tuyển cử. Trong cuộc đấu tranh này, Đồng chí đã sử dụng linh hoạt diễn đàn đấu tranh công khai qua báo chí và văn học nghệ thuật. Kết quả là cuộc đấu tranh vào Viện Dân biểu Trung Kỳ thắng lợi rực rỡ đến mức tuyệt đối. Đây là thắng lợi thực sự to lớn, vang dội đầu tiên ở nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
          Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 9 năm 1937. Trên cương vị mới, đồng chí đã đóng góp tích cực vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo cuộc đấu tranh cải tổ Viện Dân biểu Trung Kỳ kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tháng 9 năm 1939, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương phân công phụ trách phong trào các tỉnh Nam Kỳ. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Đồng chí tham gia tích cực vào việc chuyển hướng chiến lược của Đảng. Cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, đưa phong trào cách mạng Nam Kỳ phát triển lên một bước mới.
          Trong nửa đầu năm 1940, trước sự tăng cường đàn áp, khủng bố của kẻ thù, các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần lượt bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn lại một mình đồng chí Phan Đăng Lưu chèo lái con thuyền cách mạng nước ta. Khó khăn, thử thách to lớn này đặt lên vai đồng chí những trọng trách mới, nhất là sau khi đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Nhiều chỉ thị của đồng chí, nhân danh Ban Chấp hành Trung ương được thi hành trong Đảng trên toàn quốc nhằm vận dụng thời cơ, xiết chặt kỷ luật, củng cố tổ chức đi vào hoạt động bí mật và vận dụng sáng tạo các phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp trên tinh thần đặt yêu cầu “dân tộc giải phóng” lên hàng đầu, đặc biệt là chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng.
          Tiếp đó phải kể đến thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy có vai trò to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu. Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất trên toàn quốc đã tiến hành khởi nghĩa riêng lẻ sẽ dẫn đến thất bại. Tình hình lúc đó đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thật sáng suốt, kịp thời của Bộ Chỉ huy tối cao của Đảng. Do đó, việc tái lập Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn quốc, chuẩn bị mọi mặt, chớp thời cơ đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi là sứ mệnh lịch sử cấp bách nhất, cao nhất lúc bấy giờ đặt lên vai đồng chí Phan Đăng Lưu. Thử thách và trách nhiệm càng nặng nề hơn trong tình huống không liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Có thể nói, việc thống nhất với Xứ ủy Bắc Kỳ tổ chức thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ bảy vào tháng 11 năm 1940 họp tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh là đóng góp quan trọng nhất của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam.
            Những quyết định in đậm vai trò, tri thức sắc sảo và cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, khắc họa sinh động chân dung một cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại cho lớp lớp các thế hệ sau này những bài học qúy giá: đó là bài học về lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần tự tôn dân tộc; về tinh thần gần dân, thân dân, biết dựa vào sức dân để làm cách mạng, về sự kiên trung một lòng sắt son theo Đảng, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
          Đã 81 năm kể từ khi đồng chí Phan Đăng Lưu ngã xuống, Đất nước ta đã hòa bình, độc lập, cuộc sống nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc. Trong những trang sử vàng của Việt Nam, đồng chí Phan Đăng Lưu luôn có một vị trí quan trọng, Ông là tấm gương sáng - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu, chúng ta - những thế hệ đi sau nguyện noi gương đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, phát huy tinh thần yêu nước, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
Thạc sĩ Lý Thị Hồng Nhung
Giảng viên tập sự khoa Lý luận cơ sở


 
Tài liệu tham khảo: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (05/5/1902-05/5/2022) (Kèm theo Hướng dẫn số 48-HD/BTGTW, ngày 13/4/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương).
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8278908

Đang Online : 768