Nghiên cứu - Trao đổi

"Anh Hai Mạnh" - Chu Huy Mân, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và nhân dân Việt Nam

Ngày Đăng: 16/3/2023 10:3 Lượt xem: 159

         “Anh Hai Mạnh” là cái tên trìu mến mà đồng chí, đồng đội và bao người dân Việt Nam vẫn hay gọi đồng chí Chu Huy Mân với tất cả sự trân trọng để luôn nhớ về người chiến sĩ cộng sản kiên cường mạnh cả về chính trị lẫn quân sự, một tài năng văn võ song toàn, có tầm nhìn chiến lược nhìn xa trông rộng và có những đóng góp đáng trân quý đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà.
 
          Đồng chí Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), nơi vốn được mệnh danh là mảnh đất hiếu học với nhiều nhân tài, giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.
          Lớn lên trong thời điểm đất nước lầm than, người dân sống trong tủi nhục, đòn roi của chế độ thực dân phong kiến hà khắc, được lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng dẫn đường, đồng chí Chu Văn Điều đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam khi chỉ mới 16 tuổi. Năm 1929, hưởng ứng cao trào cách mạng 1930 – 1931, đồng chí đã tham gia cuộc mít tinh lớn của xã và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi chỉ mới 17 tuổi vào năm 1930. Đến tháng 5 năm 1935, đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân – bí danh đã theo đồng chí trọn đời với ý nghĩa: Huy là trong sáng, còn Mân là ngọc, Huy Mân có nghĩa là “ngọc sáng”.  Trong thời gian hoạt động cách mạng, không ít lần đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao như Vinh (Nghệ Tĩnh), rồi bị đưa đi giam giữ ở Đắk Glei, Đắc Tô (Kon Tum). Dù bị tra tấn dã man với nhiều thủ đoạn mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng cũng không làm lung lay lý tưởng cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung mà còn tiếp thêm nghị lực chiến đấu, bền gan vững chí, quyết tâm biến nhà tù thành trường học cách mạng, “không khuất phục” kẻ địch.
          Đến năm 1943, đồng chí vượt ngục, dũng cảm tiếp tục hoạt động cách mạng và được Đảng và Nhà nước ta giữ nhiều chức vụ, vị trí quan trọng như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Chủ tịch Ban Quân khu C (gồm 4 tỉnh Trung Bộ); Chính trị viên Mặt trận Đường 9; Phó Chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 316; Đoàn trưởng Đoàn 100 (đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào); Chính ủy Quân khu 4; Chính ủy Quân khu Tây Bắc; Tổng Cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Liên hiệp Lào của Thủ tướng Xuvana Phuma; Chính ủy Quân khu 5; Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5; Chính ủy chiến dịch Đà Nẵng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước…
Dù ở thời chiến hay thời bình, với 93 tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết sức lực, tài năng, ý chí, cuộc đời của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của quân đội và đã có những đóng góp vô cùng vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đó là:
Góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị và Quân sự.
          Đây là một trong những phát kiến sáng tạo, nổi bật, độc đáo của chiến tranh cách mạng Việt Nam và của quân dân Khu 5, trong đó có sự đóng góp không hề nhỏ của đồng chí Chu Huy Mân với việc sử dụng hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận) và Quân sự (ba thứ quân). Cụ thể, vận dụng quan điểm của Đảng ta và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân vào thực tiễn chiến trường, với nhãn quan chính trị sắc sảo cùng tài năng quân sự thiên bẩm, nhạy bén với thời cuộc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đưa ra những dự đoán và nhanh chóng phát hiện các vấn đề phát sinh trên thực tiễn chiến trường để xác định cách đánh phù hợp. Vận dụng nghệ thuật quân sự chiến dịch tổng hợp, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng “hai chân, ba mũi” giáp công trên cả ba vùng chiến lược. Đồng thời, đồng chí luôn sát sao, bám sát chiến trường để kịp thời hướng dẫn, chỉ thị cho các đơn vị và địa phương tăng cường phối hợp chiến đấu, góp phần tạo nên các chiến công vang dội của quân và dân ta. Tài thao lược của đồng chí đã gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm nhụt chí xâm lược của các thế lực thù địch như: Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931; cuộc Tổng khởi nghĩa tại tỉnh Quảng Nam tháng 8/1945; Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947; Chiến dịch Biên Giới 1950; Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954…
          Tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “Vành đai diệt Mỹ” – Quân khu 5 trở thành nỗi khiếp đảm của Mỹ ngụy.
          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với sự gan dạ, dũng cảm xông pha trận mạc, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật nguy hiểm của địch. Khu 5 được nhân dân cả nước biết đến là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, mang dấu ấn lịch sử như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Đồng thời, Khu 5 cũng là chiến trường nơi đồng chí Chu Huy Mân đã trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của quân và dân Việt Nam; trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)... cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
          Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và Nhân dân ở chiến trường, thời kỳ ở Quân khu 5, đồng chí Chu Huy Mân đã đưa ra sáng kiến: Khi Bộ đội hành quân trên đường vào Nam, đến đóng quân ở đâu đều phải tổ chức trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản để có cái mà nuôi quân và giúp dân, giảm bớt khó khăn thiếu thốn về lương thực. Qua đó, cho thấy tình cảm và tấm lòng cao đẹp quan tâm tới đời sống đồng đội và nhân dân của đồng chí Chu Huy Mân.
          Có thể nhận định rằng những đề xuất mang tính đột phá chiến lược của đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên trong lãnh đạo xây dựng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân quyết tâm đánh giặc cứu nước là những phát kiến độc đáo, bài học xương máu còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
          Hỗ trợ cố vấn, huấn luyện, xây dựng tài liệu giáo dục chính trị cho quân đội Pathét Lào.
          Không chỉ là nhà chính trị, quân sự tài ba với tài thao lược xuất sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân còn là một vị tướng có nhiều cống hiến có giá trị cho sự nghiệp quốc tế cao cả của Đảng. Thực hiện lời dạy “giúp bạn là tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí được Đảng ta cử sang giúp cách mạng Lào hai lần vào thời gian 1954 – 1957 và 1960 – 1961. Tại đây, với cương vị Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 100 chuyên gia quân sự Lào, Tổng cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Lào, bằng kinh nghiệm dạn dày chiến đấu và lãnh chỉ đạo cùng tư duy, lập luận sắc bén về chính trị, quân sự, đồng chí Chu Huy Mân đã có công lớn trong việc xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Pathét Lào, củng cố Chính phủ liên hiệp Lào và giúp nước bạn tổ chức những trận đánh lớn, được nhân dân Lào tin tưởng, yêu mến và kính trọng gọi là “Tướng Thao Chăn”, góp phần quan trọng trong việc duy trì và đưa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.
          Cả cuộc đời dành trọn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đôi bàn chân người lính Chu Huy Mân đã đi qua bao nẻo đường từ phong trào cách mạng ở quê hương Nghệ An, ở Quảng Nam, các tỉnh Trung Bộ, khu Việt Bắc, khu Tây Bắc, khu 5 và chiến trường Lào... cho đến khi giữ những cương vị trọng trách cao của Đảng và Nhà nước, quân đội, trải qua bao thăng trầm lịch sử của nước nhà, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn cống hiến hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, là tấm gương tiêu biểu bộ đội cụ Hồ về đạo đức cách mạng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo. Học tập tinh thần cách mạng và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Chu Huy Mân không hề lùi bước, nản lòng trước mọi khó khăn, mỗi cán bộ, Đảng viên cần rèn luyện tác phong và phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, tỉ mỷ; luôn bám sát vào thực tiễn để đề xuất ý tưởng sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 
Nguyễn Thị Huyền Quyên
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật
 
         Tài liệu tham khảo: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân (17/3/1913 - 17/3/2023).
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8008308

Đang Online : 1196