Nghiên cứu - Trao đổi

Tuyên Quang huy động các nguồn lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Ngày Đăng: 27/6/2023 9:30 Lượt xem: 136

          Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên 5.800 km2. Dân số trên 75 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 56% dân số toàn tỉnh. Theo số liệu thống kê tỉnh Tuyên Quang có trên 22 dân tộc. Mỗi dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua bao thế hệ thể hiện qua trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán (tang ma, cưới xin, vào nhà mới...), cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng, làng bản; tri thức dân gian đặc biệt là các loại hình nghệ thuật, dân ca, dân vũ độc đáo nổi bật, như: Hát Then (dân tộc Tày), hát Sình Ca (dân tộc Cao Lan), hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Páo Dung (dân tộc Dao) hát Cỏ Lảu (lảy cỏ), hát Giao duyên; hát Sli, hát Soong hao, hát Sli Giang (dân tộc Nùng); các lễ hội dân gian truyền thống tổ chức vào dịp đầu năm mới như: Lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa, Cầu May (dân tộc Tày), lễ hội Đình (dân tộc Cao Lan); các nghi lễ truyền thống như: Lễ cấp sắc, lễ Tết Nhảy (dân tộc Dao), lễ Cầu Khoăn, Cúng Cốm (dân tộc Tày); lễ Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn),... Có thể nói, di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa luôn được bảo lưu trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong “dòng chảy” của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam. 
          Trong những năm qua, bằng những nỗ lực của mình, tỉnh Tuyên Quang đã huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; thực hiện nhiều chính sách văn hoá đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những thành tựu nhất định. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; nguồn ngân sách tỉnh, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình, đề án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi thay đáng kể. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên; đời sống văn hoá cơ sở đã có bước phát triển, ở vùng sâu, vùng xa, đời sống văn hoá tuy còn thấp so với đô thị và đồng bằng, nhưng đã có những cải thiện rõ rệt; công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc. 
         Nhiều dự án về sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hoá,… được quan tâm triển khai thực hiện, tiêu biểu, như: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể, lựa chọn những di sản tiêu biểu lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; một số di sản văn hoá của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh, năm 2019, hồ sơ di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số thông qua việc thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số, như: Nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn, Cao Lan, Mông, Sán Dìu…; chú trọng duy trì tổ chức và phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Lồng Tông, lễ hội Cầu May (dân tộc Tày); lễ hội đình Như Xuyên, đình Giếng Tanh, đình Động Sơn (dân tộc Cao Lan); lễ hội đình Đầm Mây (dân tộc Dao); lễ hội Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn),… Năm 2020 triển khai tổng kiểm kê lễ hội trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 46 lễ hội, trong đó lễ hội truyền thống: 42; lễ hội văn hóa: 04; thực hiện một số đề tài khoa học: Nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Làng văn hóa Giếng Tanh gắn với phát triển  du lịch bền vững tỉnh Tuyên Quang; đến năm 2022 có 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; ...
          Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được tăng cường; công tác đào tạo đội ngũ những người làm công tác văn hoá ở cơ sở được chú trọng; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hoạt động giao lưu văn hóa mang tính vùng miền được chú trọng, từ năm 2019 đến nay, Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức thành công nhiều Ngày hội, Liên hoan văn hóa cấp khu vực và toàn quốc cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động tại tỉnh qua đó thu hút ngày càng đồng khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan; riêng năm 2022Tuyên Quang đã đón gần 2,3 triệu lượt khách du lịch, đạt 104% kế hoạch. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được giao lưu, học hỏi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc, đồng thời góp phần lan tỏa nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tiếp tục được khơi dậy, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng.
          Thực tế tại tỉnh Tuyên Quang, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng thu hút được sự quan tâm, ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là Nhân dân. Hầu hết các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được thành lập và duy trì hoạt động độc lập bằng chính nguồn lực và khả năng của mình mà không dựa vào sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Một số lễ hội dân gian cũng được chính quyền và nhân dân địa phương chủ động khôi phục và tổ chức hằng năm. Các nghề thủ công truyền thống như: nghề thêu may trang phục truyền thống, nghề đan lát sản phẩm gia đình,… cũng được đồng bào bảo tồn, phát huy. Một số nghệ nhân tự nguyện tham gia truyền dạy các làn điệu dân ca của dân tộc mình cho thế hệ trẻ tại các trường học, các câu lạc bộ tại thôn bản, tổ dân phố; tập hợp, thành lập đội văn nghệ, mạnh dạn kết hợp các nghi lễ truyền thống, sân khấu hóa thành các tiết mục văn nghệ, thực hành biểu diễn trong các dịp lễ tại địa phương.
          Để phát huy kết quả đã đạt được và làm tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, theo tôi cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy tối đa các nguồn lực, đặc biệt cần phát huy vai trò chủ thể văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó nhiều giá trị văn hóa được tôn vinh trở thành những di sản văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của dân tộc, từ đó người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thông của dân tộc mình. Cùng với đó cần đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế du lịch để đáp ứng nhu cầu tham gia, thưởng thức các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và du khách. Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mở rộng giao lưu, học hỏi, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân các dân tộc, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.


 
Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thuý
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
 
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8277700

Đang Online : 242