Nghiên cứu - Trao đổi

Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang và những quyết sách quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Ngày Đăng: 7/5/2024 9:34 Lượt xem: 28

            Ðại hội đại biểu lần thứ II của Ðảng diễn ra tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt 766.349 đảng viên trong toàn Đảng.Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đã để lại dấu ấn đậm nét với những quyết sách quan trọng: Đảng ra hoạt động công khai, với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam; tổ chức Đảng cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia, thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam - Cương lĩnh thứ ba của Đảng.Đại hội đã tổng kết một bước lý luận cách mạng Việt Nam, xác định đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo của Đại hội II và Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
          1. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng và những quyết sách quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
          Sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông (1950), để tiếp tục giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, phát triển thế tiến công, những yêu cầu mới, đặc biệt về xây dựng lực lượng và vấn đề tác chiến được đặt ra đối với cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được tiến hành tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951... Đây là Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất được tổ chức ở ngoài Thủ đô Hà Nội. Sứ mệnh hậu phương an toàn khu đối với Đảng bộ và nhân dân Chiêm Hoá là một trọng trách, đồng thời là niềm vinh dự lớn cho phong trào cách mạng của huyện.
          Nằm ở phía Nam của huyện Chiêm Hoá, xã Vinh Quang (nay là Kim Bình), có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Từ đây có thể cơ động đi Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, đi Na Hang, lên Hà Giang, xuống Tuyên Quang về xuôi hoặc đi tắt qua đư­ờng rừng sang căn cứ địa Tân Trào, qua đèo De sang Thái Nguyên... Địa bàn xã được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, trùng điệp tạo thành những bức tường thành vững chắc. Nhân dân các dân tộc địa phương vốn có truyền thống cách mạng, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ... Đây là những yếu tố quan trọng, đảm bảo bí mật để nơi đây được chọn làm nơi diễn ra sự kiện trọng đại của Đại hội.
           Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội, 300 cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cùng chung sức xây dựng khu Đại hội ở đồi Nà Loáng, thôn Phú An (nay là thôn Bó Củng). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng. Người căn dặn các đồng chí trong Ban tổ chức xây dựng: “Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”[2]. Chỉ trong vòng 4 tháng, công việc xây dựng đã hoàn thành, với gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá có kiến trúc giản tiện và trang nhã.
          Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã làm tốt công tác bảo vệ, tích cực hoạt động xây dựng  phong trào phòng gian bảo mật theo khẩu hiệu  “Ba không”, đảm bảo cho các hoạt động của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Thủ đô kháng chiến được bí mật, an toàn tuyệt đối. Ty Thông tin Tuyên truyền Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp nhân dân hiểu sâu sắc, tự hào về vai trò lịch sử của tỉnh, giáo dục nhân dân về tinh thần cảnh giác, bảo vệ và phòng gian, tích cực tham gia chiến đấu và tăng gia sản xuất, bảo vệ quê hương. Đồng bào đã tự nguyện, hăng hái tham gia hàng vạn ngày công để vận chuyển nguyên, vật liệu, làm đường, đào hầm, tham gia xây dựng nhà cửa, đóng bàn ghế, làm giao thông liên lạc, canh gác xung quanh khu vực Đại hội, đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần tích cực trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng.Tấm lòng thuỷ chung son sắt với cách mạng của nhân dân cùng địa thế chiến lược của rừng núi, Tuyên Quang trở thành bức tường thành vững chắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội.
          Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và đồng bào cả nước gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những nỗ lực của nhân dân địa phương trong việc xây dựng, bảo vệ an toàn cho thành công của Đại hội[3].  Sự chuẩn bị chu đáo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vinh Quang (Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã đóng vai trò quyết định đến thành công của Đại hội.
          Trong chương trình nghị sự của Đaị hội, trên cơ sở chỉ rõ xã hội Việt Nam có tính chất dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến; mâu thuẫn giữa đế quốc xâm lược và dân tộc Việt Nam là chính, Đại hội xác định những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam là: đánh đuổi đế quốc xâm lược, trừ diệt các lực lượng phản quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến, kiến thiết một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Bản báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (Luận cương cách mạng Việt Nam)[4] , do đồng chí Trường - Chinh trình bày tại Đại hội chỉ rõ: “Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ khăng khít với nhau. Song lúc này, phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đó là trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại. Nhiệm vụ dân chủ cũng phải làm, nhưng chỉ có thể làm trong phạm vi không có hại mà lại có lợi cho việc tập trung lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc”[5]. Trong Báo cáo Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Đảng là “đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến chủ nghĩa xã hội”. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi.Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”[6].
          Về tính chất cách mạng Việt Nam, Đại hội cho rằng, cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng điển hình ở một nước nông nghiệp, là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đặc điểm của cách mạng là làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không cần phải qua một cuộc bùng nổ cách mạng, một cuộc nội chiến và thiết lập dân chủ chuyên chính dưới hình thức cộng hòa dân chủ nhân dân, chứ không thiết lập công nông chuyên chính dưới hình thức Xô viết công nông binh. Tính chất của cách mạng Việt Nam là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đó là: tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải bắt đầu từ một cuộc bùng nổ cách mạng như cách mạng Nga năm 1917; không thiết lập công nông chuyên chính dưới hình thức Xô viết công nông binh, mà là chuyên chính dân chủ nhân dân dưới hình thức dân chủ cộng hòa.
          Về con đường tiến lên của cách mạng, Đại hội nhấn mạnh, con đường đó bắt đầu từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến qua dân chủ nhân dân, đến xã hội xã hội chủ nghĩa. Quá trình đó được tiến hành nhiều bước quá độ, nhiều trình độ quá độ khác nhau, trải qua ba giai đoạn: 1) Giai đoạn tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân. 2) Giai đoạn xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. 3) Giai đoạn hoàn thành nhiệm vụ dân chủ nhân dân, đầy đủ điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trình bày báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (Luận cương cách mạng Việt Nam)[7], Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định, con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là “từ xã hội có tính chất thuộc địa, nửa phong kiến qua dân chủ nhân dân, đến xã hội xã hội chủ nghĩa”.
             Đại hội thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, xác định những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Chính cương nêu rõ hai nhiệm vụ chính trong những nhiệm vụ mới của Đảng là: Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Chính cương đã đề ra những chính sách và biện pháp: Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang về mọi mặt, củng cố và phát triển mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy tinh thần yêu nước và đẩy mạnh thi đua ái quốc; triệt để giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân và Việt gian chia cho dân cày nghèo; bảo vệ nền kinh tế tài chính, đấu tranh kinh tế với địch, thực hiện công bằng, hợp lý về thuế khóa; tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến của Campuchia và Lào, tiến tới thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng.
            Chính cương nêu ra 15 chính sách lớn của Đảng để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và kiến thiết quốc gia. Chính cương chỉ rõ: Vì nhân dân ta phải chống lại bọn xâm lược mạnh hơn mình nên cuộc chiến tranh của ta phải lâu dài. Dân tộc Việt Nam phải đấu tranh gian khổ nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn. Đảng phải tập trung lực lượng lãnh đạo chiến tranh; mọi chính sách khác như văn hoá giáo dục, chính sách tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách mặt trận… đều phải hướng vào mục tiêu chung là “đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi” .
             Trong quan hệ quốc tế, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam xác định: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hoà bình và dân chủ trên thế giới. Trong khi giành tự do, độc lập cho mình, dân tộc Việt Nam bảo vệ hoà bình thế giới và làm cho chế độ dân chủ phát triển ở Đông Nam Á. Nhờ những thắng lợi của phe dân chủ trên thế giới, đặc biệt là sự thành công vĩ đại của nhân dân Trung Quốc, và do sự cố gắng của toàn thể dân tộc, cách mạng Việt Nam nhất định sẽ thành công”[8].
             Về vấn đề Đảng, Đại hội quyết nghị Đảng mang tên là Đảng Lao động Việt Nam. Mục đích là: “1- Tăng cường quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. 2- Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến trường kỳ. 3- Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân và gây thêm điều kiện để củng cố Đảng về các mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức”[9]. Đối với Lào và Campuchia, sẽ tổ chức ở mỗi nước một Đảng cách mạng riêng. Những người cộng sản Việt Nam có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ những người cộng sản và nhân dân Lào, Campuchia.
Đại hội chỉ rõ, muốn làm tròn nhiệm vụ, cần phải có một đảng hoạt động công khai, tổ chức phải phù hợp với tình hình thế giới và trong nước để lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thắng lợi. Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, với mục đích trước mắt là đoàn kết lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện nền dân chủ mới, chuẩn bị điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng, triệt để. Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam để củng cố thêm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố công nông liên minh, gắn bó giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân lao động khác, thống nhất các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc lấy tên Đảng Lao động Việt Nam có lợi cho đoàn kết toàn dân đánh bại quân xâm lược, thống nhất mặt trận phản đế của ba dân tộc Việt, Miên, Lào chống đế quốc Pháp - Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.
               Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng thống nhất quan điểm: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một.  Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Đây là  sự phát triển nhận thức lý luận về chính đảng cộng sản ở Việt Nam, một chính đảng mang bản chất của giai cấp tiên phong, theo hệ thống lý luận tiên tiến của thời đại, nhưng tập hợp được tất cả tinh hoa trí tuệ của các giai tầng trong quốc gia dân tộc để đồng lòng thực hiện mục tiêu trước mắt là kháng chiến thành công, để tiến tới mục tiêu lâu dài lên chủ nghĩa xã hội. Đề cập đến tên Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động, cho nên phải là Đảng của dân tộc Việt Nam.
              Đại hội thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tư duy đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người dạy chúng ta mỗi khi tình hình đổi mới, điều kiện mới của cuộc vận động cách mạng đã đẻ ra, thì phải lập tức xét lại chủ trương, chính sách và phương pháp vận động, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm chiến lược và chiến thuật, không nên bám lấy những khuôn khổ cũ kỹ”[10]. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam là sự ghi nhận của toàn Đảng đối với công lao to lớn của Người.
             2. Tầm vóc và giá trị lý luận, thực tiễn của Đại hội II đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói riêng và tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung
            Tầm vóc và ý nghĩa của Đại hội II thể hiện ở sự kết hợp giữa trí tuệ của đội tiền phong lãnh đạo với thực tiễn, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản, thiết thực của sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Những nội dung mà Đại hội xác định: “… phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc”[11]. “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại can thiệp Mỹ”…, “Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn”[12], đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
            Thực hiện đường lối Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, từ năm 1951 đến năm 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, với việc đánh bại các chiến lược quân sự của kẻ thù, đặc biệt là chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Với thắng lợi này, “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”[13].
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam là văn kiện có giá trị cao về tổng kết thực tiễn và lý luận cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển cách mạng Việt Nam.Những chủ trương về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội II của Đảng không chỉ có ý nghĩa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong kháng chiến, mà còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong bối cảnh hiện nay. Đại hội II của Đảng chỉ rõ: “Muốn xây dựng, củng cố và phát triển Đảng…, phải phát triển phê bình và tự phê bình”[14]. Đây là vấn đề có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, vì trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam kể từ Đại hội II đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, vấn đề tự phê bình và phê bình luôn được Đảng xác định là vấn đề quan trọng, quyết định đến việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cùng với phê bình và tự phê bình, để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, Đại hội II nhấn mạnh phải “Đề cao công tác lý luận trong Đảng”[15]. Trong khi “Đề cao công tác lý luận của Đảng”, phải “… tổng kết kinh nghiệm để luôn luôn bồi bổ cho chính sách của Đảng và định ra những chính sách cụ thể của Đảng, đúc những kinh nghiệm lớn thành lý luận vận động cách mạng của Đảng ta”[16]. Đây là nội dung có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, vì mọi đường lối của Đảng luôn xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo kiểm nghiệm lý luận; nhờ đó, đủ sức soi đường, đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
             Đại hội đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về tổ chức của phong trào cộng sản ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở của Đảng Cộng sản Đông Dương nên tổ chức ở mỗi nước một Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình.Thực hiện chủ trương đó, sau Đại hội II, ba chính đảng tổ chức riêng ở mỗi nước, gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân Campuchia luôn củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt trong sự nghiệp chống xâm lược cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
               Ðại hội đại biểu lần thứ II của Ðảng diễn ra tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là sự kiện chính trị trọng đại trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Những quyết sách tại Đại hội đã góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bính ở miền Bắc. Kiên định với mục tiêu mà Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đã đề ra là: tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tập trung lãnh đạo quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới./.
 
  PGS, TS Nguyễn Danh Tiên[1]
 
 

[1] Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[2] Hồi ký của đồng chi Hoàng Như Tiếp - nguyên kiến trúc sư, trực tiếp xây dựng khu Đại hội II.
[3] Vật liệu: đều lấy ở chung quanh. Đã dùng trên 100 cây mí, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ. Làm đất: Đào đắp trên 3.000 thước khối để làm nền nhà, đường đi, hầm tránh máy bay.Nhân công đã dùng: 7.000 công chuyên môn và 1 vạn dân công.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 12, tr. 40.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 76.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật , Hà Nội, 2011, tập7,  tr.41.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 40.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 431.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 12, tr. 530.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.174.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.76.
[12] Xem thêm Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd,.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 12, tr.410.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.164.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.164.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.165.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8093974

Đang Online : 96