Nghiên cứu - Trao đổi

Quốc dân Đại hội Tân Trào với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại!

Ngày Đăng: 16/8/2017 7:58 Lượt xem: 394

          Bước sang năm 1945, tình hình cách mạng thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc. Tháng 5/1945 phát xít Đức thất bại trên chiến trường châu Âu, tháng 8/1945 phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, thời cơ ngàn năm có một để giành chính quyền đã xuất hiện. Trước tình hình cấp bách đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 - 15/8/1945, tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang. Hội nghị đã đánh giá tình hình và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân đồng minh tiến vào Đông Dương. Hội nghị đề ra nguyên tắc, phương châm hành động khởi nghĩa, quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại trong thời kỳ đầu sau khi giành được chính quyền. Ngay trong ngày 13/8/1945 Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc gồm 5 ủy viên, do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Vào lúc 11 giờ đêm ngày 13/8/1945 Ủy ban khởi nghĩa ra “Quân lệnh số 1”, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.
          Chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, cùng với Hội nghị toàn quốc của Đảng, Quốc dân Đại hội Tân trào đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi cho cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc.
          Thứ nhất, Quốc dân Đại hội Tân Trào mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước đầu tiên của nước Việt Nam mới. Đại hội có sự tham gia của hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào.
          Đại hội đã bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đây là chính quyền đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc.
          Đại hội đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Quốc kỳ, Quốc ca. Đây là những quyết sách quan trọng liên quan đến nghi thức quốc gia và những vấn đề đối nội, đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi giành độc lập. Như Lênin từ khẳng định “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn”, vì vậy vấn đề lớn của một cuộc cách mạng không những là giành chính quyền, mà còn giữ chính quyền. Những chủ trương của Quốc dân Đại hội Tân Trào là sự chuẩn bị quan trọng giúp chính quyền đứng vững trước những thử thách khó khăn và tổ chức điều hành tốt các hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước sau khi giành độc lập.
          Thứ hai, Đại hội đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao nhất của cả dân tộc là đứng lên khởi nghĩa, giành độc lập cho dân tộc. Quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền được Quốc dân Đại hội Tân Trào thông qua đã góp phần gắn kết ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa  thắng lợi trong cả nước. Trong thời điểm lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[1].
          Đánh giá về Quốc dân Đại hội Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập "Việt Nam quốc dân đại biểu Đại hội", cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập. Đó là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay. Đó là một điều khiến cho đồng bào ta phấn khởi và riêng tôi hết sức vui mừng"[2]. Với ý nghĩa lịch sử đó Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, đã phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, đánh đổ chế độ phát xít, tay sai, giành độc lập dân tộc và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thời kỳ độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội./.
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu
 
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 554.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 553.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289587

Đang Online : 3202