Nghiên cứu - Trao đổi

Tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngày Đăng: 17/8/2017 16:43 Lượt xem: 353

          Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một Đảng mác xít mới 15 tuổi đã lãnh đạo thành công một cuộc cách mạng đập tan xiềng xích của chính quyền thực dân, phong kiến đã tồn tại trên đất nước ta gần một thế kỷ, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ lên thành người làm chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: Kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
          Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin về vấn đề giải phóng dân tộc vào trong điều kiện cụ thể của đất nước ta lúc bấy giờ. Cách mạng thành công đã đáp ứng được nguyện vọng tự ngàn đời của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo cách mạng tập trung vào nhiệm vụ giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
          Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xuất phát từ việc Đảng ta đã xác định phương pháp và đường lối cách mạng đúng đắn, linh hoạt, đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đồng thời chủ trương đoàn kết rộng rãi lực lượng toàn dân tộc, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) và các tổ chức cứu quốc để tập hợp lực lượng cách mạng, không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Cùng với việc đoàn kết các lực lượng để tạo nên sức mạnh to lớn chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa là việc ra các quyết sách, chỉ thị quan trọng như: tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, giảm tô, giảm tức; tịch thu ruộng đất của đế quốc, việt gian phản quốc… chính là thể hiện quan điểm dựa vào dân, "lấy dân làm gốc" của Đảng.
          Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám chỉ rõ: "Cuộc cách mạng Đông dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang"1 và xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa vũ trang này phải từ khởi nghĩa từng phần, khởi nghĩa địa phương, đi tới khởi nghĩa toàn quốc, phát triển thành cao trào để Tổng khởi nghĩa. Cùng với việc xây dựng lực lượng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Đảng ta rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng, để Đảng thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, "đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng"2 đã gấp rút đào tạo cán bộ, đẩy mạnh phong trào chính trị của quần chúng và xây dựng các tổ chức chính trị rộng khắp, làm cơ sở cho tổng khởi nghĩa thắng lợi.
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, các văn kiện chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang được ra đời, như "Chính  sách mới của Đảng", "Chiến tranh Thái bình dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông dương"… trong đó chỉ rõ việc xây dựng lực lượng vũ trang phải gắn với xây dựng, phát triển các căn cứ địa, khu giải phóng. Thực hiện sự chỉ đạo đó, tháng 6 năm 1945, khu căn cứ cách mạng quan trọng được thành lập, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Trong đó, Tân Trào - một vùng đất của tỉnh Tuyên Quang được chọn làm trung tâm, Thủ đô của Khu giải phóng. Việc chọn Tuyên Quang là căn cứ cách mạng, Thủ đô của Khu giải phóng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, Đảng ta lựa chọn Tuyên Quang làm căn cứ cách mạng là do Tuyên Quang có địa hình đồi núi hiểm trở, có những dãy núi cao bao bọc các thung lũng, hang động, có thể bảo đảm an toàn cho cơ quan "đầu não" chỉ đạo cách mạng. Đồng thời, các điều kiện về đất đai, khí hậu có thể bảo đảm cung cấp hậu cần cho cơ quan Trung ương và lực lượng vũ trang đề phòng bị cắt đứt nguồn tiếp tế. Hơn nữa, Tuyên Quang vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, đoàn kết một lòng theo cách mạng, là nơi có phong trào cách mạng sôi nổi và cơ sở chính trị được xây dựng sớm, khá vững chắc. Chính tại Tân trào, Tuyên Quang đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13/8/1945) và Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16/8/1945) ban hành nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng, đặc biệt là quyết định Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám. Tân Trào hiện đã trở thành Khu Di tích quốc gia đặc biệt, là nơi từng ghi dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
          Việc nắm bắt, tạo dựng thời cơ cách mạng là một trong những điều kiện thành công của cách mạng Tháng Tám. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị: "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", trong đó xác định rõ kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt của nhân dân Đông dương, xác định những việc cần làm khi thời cơ chín muồi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khát vọng độc lập tự do cháy bỏng và sự đoàn kết một lòng, hơn 20 triệu đồng bào cả nước đã làm nên Cuộc Tổng khởi nghĩa oanh liệt, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.
          Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn và sâu sắc. Đối với dân tộc Việt Nam, cách mạng Tháng Tám đã đưa nhân dân ta tự thân phận nô lệ đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, vị thế của dân tộc Việt Nam đối với thế giới được xác lập và nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội. Trên bình diện quốc tế, Cách mạng Tháng Tám đã thúc đẩy và cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.
          Kỷ niệm bảy mươi hai năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mồng 2 tháng 9 là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc, củng cố hành trang vững chắc để cùng nhau xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
                                                                           Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                                                                                         Phó Hiệu trưởng
 

Tài liệu tham khảo:
- (1), (2): VK Đảng toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội, 2000, tập 7, tr 129, 136
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Phùng Quang Thanh, Tạp chí Cộng sản số 874 (8/2015)

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289580

Đang Online : 3195