Nghiên cứu - Trao đổi

Mô hình hợp tác xã kiểu mới với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Tuyên Quang

Ngày Đăng: 28/8/2017 9:15 Lượt xem: 418

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới phát triển Hợp tác xã, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, ngày 11/4/1946 Bác có lời kêu gọi Gửi nông gia Việt Nam: "Đồng bào nông gia! Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã"1
          Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã2.
          Hợp tác xã kiểu mới là hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Mục tiêu của mô hình hợp tác xã kiểu mới là cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào cho xã viên và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá và chất lượng tốt nhất; không vì lợi nhuận của hợp tác xã mà nhằm cung cấp các dịch vụ kịp thời, thuận tiện với chi phí đầu vào thấp, giá bán cao nhất; hợp tác xã vẫn phải kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm thu đủ bù chi, có lãi để bảo toàn vốn nhằm duy trì hoạt động và phát triển.
          Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích 5.870 km2, đơn vị hành chính gồm có 6 huyện và 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn (7 phường, 129 xã, 5 thị trấn) với 2096 thôn bản, trong đó có 57 xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Là tỉnh miền núi, kinh tế còn chậm phát triển, trong cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (năm 2016: Công nghiệp và xây dựng 37,6%; dịch vụ 37,9%; nông, lâm nghiệp thủy sản 24,5%). Lao động của tỉnh Tuyên Quang hiện chủ yếu là làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp (cơ cấu chiếm 59,3%). Dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh là 673.710 người, trong đó hộ gia đình nông thôn là 167.057 hộ. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn chiếm 85,15%.
          Những năm qua, tỉnh đã có nhiều cố gắng phát triển hình thức kinh tế tập thể, trong đó phát triển hợp tác xã là một ưu tiên nhằm đem lại nhiều nhất lợi ích kinh tế, xã hội cho người lao động. Kết quả cụ thể đạt được:
          Đến 30/6/2017, tổng số HTX ở các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh là 305 HTX.  Số HTX đã đăng ký lại, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 là 152 HTX.
         Tại lĩnh vực nông lâm nghiệp, hiện có 174 HTX, trong đó HTX nông lâm nghiệp 171 HTX, HTX chăn nuôi và đánh bắt thủy sản 03 HTX. Hoạt động của các HTX này chủ yếu làm dịch vụ cung cấp dịch vụ thủy lợi,; khoa học kỹ thuật; bảo vệ thực vật và thú y; cung ứng vật tư nông nghiêp; tiêu thụ sản phẩm có; tín dụng nội bộ có; nước sạch nông thôn; chăn nuôi và thủy sản.
        Tỉnh Tuyên Quang bước đầu triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và sức lan tỏa, với những kết quả đạt được:
          Bước đầu đạt mục tiêu về tuyên truyền, thực hiện thay đổi phương thức, tập quán sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, manh mún, bị động trên thị trường sang phương thức liên kết, hợp tác chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; củng cố và xây dựng các HTX hoạt động đúng bản chất, nguyên tắc theo quy định của luật HTX năm 2012.
          Hiện tại tỉnh đã phát triển được 3 HTX kiểu mới hoạt động với chuỗi giá trị sản phẩm đó là: HTX nông nghiệp Thắng Lợi phát triển về chuỗi dong giềng, HTX nông nghiệp Yên Nguyên gắn liền với chuỗi sản phẩm trồng cây ớt, HTX chè Tân Thái 168 gắn với chuỗi cây chè.
          Đối với cây dong giềng, phát triển chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong khâu sản xuất, mở rộng quy mô, tạo liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân với HTX; phát huy sự hỗ trợ của nhà nước trong các khâu sản xuất, tiêu thụ, thu gom, chế biến sản phẩm, thu hút ngày càng nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.
          Đối với cây ớt xây dựng chuỗi giá trị thông qua mối liên kết giữa những hộ gia đình sản xuất ớt với HTX và doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổng diện tích trên 25 ha.
          Đối với cây chè xây dựng chuỗi giá trị thông qua mối liên kết giữa HTX với các hộ gia đình sản xuất chè (đó là thành viên HTX) từ các khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bênh, kỹ thuật thu hái sản phẩm, đều được sự hướng dẫn của HTX, HTX đứng lên thu mua, sau đó chế biến và thụ sản phẩm chè cho thành viên tạo thành chuỗi sản phẩm chè sạch có thương hiệu và uy tín trên thị trường, đặc biệt là thị trường miền Trung và miền Nam.
          Để triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và sức lan tỏa như trên tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có nhiều hỗ trợ, thúc đẩy cho HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả, như: dự án hỗ trợ nông nghiệp nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ HTX nông nghiệp Thắng Lợi bằng máy chế biến miến dong, hỗ trợ về vay vốn; HTX chè Tân Thái 168 được hỗ trợ vay vốn 120 với lãi suất ưu đãi; các cơ quan khuyến nông tại tỉnh hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho các HTX...
          Kết quả đạt được, về kinh tế: bước đầu các HTX đã có thu nhập tốt cho các thành viên và hộ gia đình, thu nhập người lao động đã được tăng lên, bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Về chính trị, xã hội: tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động trẻ tại các vùng nông thôn góp phần ổn định chính trị tại địa phương, giúp thu hẹp dần khoảng cách về văn hóa tại các vùng miền.
          Về tồn tại, hạn chế: HTX kiểu mới gắn với chuỗi sản phẩm chưa phát triển rộng rãi, số HTX được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi chưa nhiều; việc liên doanh liên kết của các HTX với người dân và doanh nghiệp chưa phổ biến; hiệu quả hoạt động của nhiều HTX nông nghiệp chưa cao, việc liên doanh, liên kết gặp khó khăn trong việc xây dựng chuỗi sản phẩm.
          Nguyên nhân, là tỉnh miền núi trình độ học vấn của nông dân còn thấp; trình độ, năng lực của một số cán bộ chủ chốt HTX còn hạn chế, chưa sáng tạo, linh hoạt trong cơ chế thị trường hiện nay.
          Từ hạn chế, tồn tại, thực tế tình hình cụ thể, để xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô và sức lan tỏa trong thời gian tới tại tỉnh Tuyên Quang cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
          Thứ nhất, tỉnh cần triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng để Cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân hiểu rõ nội dung cơ bản Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Kết luận 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 20/6/2013; Kế hoạch số 67/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật HTX năm 2012.
          Thứ hai, Cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo, phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ cho các HTX hoạt động. Cụ thể, về mặt cơ chế chính sách, tỉnh cần chỉ đạo tích cực để các cơ quan chức năng: Tích cực hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm nông nghiệp có uy tín tại các HTX sản xuất ra; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ vào cây trồng, vật nuôi và khâu bảo quản, chế biến chuỗi sản phẩm tại các HTX; tỉnh cần có thêm cơ chế ưu đãi về vốn vay cùng với đó là các thủ tục vay thuận lợi, thông thoáng giúp HTX dễ tiếp cận; hằng năm, cần tổ chức mở các lớp đào tạo cho lãnh đạo, thành viên HTX về Maketing, công tác tài chính, việc liên doanh liên kết trong kinh doanh chuỗi sản phẩm.
          Thứ ba, về phương thức triển khai, tỉnh cần triển khai xây dựng tại địa bàn các huyện một số mô hình HTX kiểu mới hiệu quả để nông dân tận mắt chứng kiến từ đó làm theo nhân ra diện rộng.
          Thứ tư, hàng năm tập huấn cho cán bộ, thành viên HTX về công tác nghiệp vụ và công tác thị trường. Tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại tỉnh và các tỉnh bạn.
          Thứ năm, củng cố tổ chức đối với Liên minh HTX tỉnh để tổ chức này thực sự là cầu nối, thiết thực góp sức giúp các HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh được nhân rộng, hoạt động hiệu quả theo Luật HTX năm 2012, tạo ra động lực đột phá phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân của tỉnh hiện nay.
   
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa
                                  Phó Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
---------------------------------------------------
          TÀI LIỆU THAM KHẢO:
          1. Báo Nông nghiệp Việt Nam xuân 2001: Hồ Chí Minh, bài “Gửi nông gia Việt Nam” in trên Báo “Tấc đất”, số ra ngày 7 tháng 12 năm 1945.
          2. Luật Hợp tác xã năm 2012. (Luật số 23/2012/QH13)
          3. Báo cáo số 33/BC- LMHTX, ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang, Sơ kết một năm triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289577

Đang Online : 3192