Nghiên cứu - Trao đổi

50 năm một cộng đồng Asean đoàn kết và phát triển

Ngày Đăng: 29/8/2017 15:24 Lượt xem: 372

          Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 tại Băng-cốc, Thái Lan gồm năm nước: Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Singapo và Thái Lan. Ngày 8/1/1984, Brunây Đaruxalam được kết nạp vào ASEAN, nâng số thành viên của Hiệp hội lên thành sáu nước. Việt Nam gia nhập ASEAN ngày 28/7/1995 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tổ chức tại Brunây Đaruxalam, đưa tổng số thành viên của ASEAN lên thành bảy nước. Tháng 7/1997, Lào và Mianma trở thành thành viên thứ tám và thứ chín của Hiệp hội. Căm-pu-chia gia nhập ASEAN tháng 4/1999, hiện thực hóa ý tưởng thành lập một Hiệp hội bao gồm tất cả các quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 quốc gia (Timor-leste chưa ra nhập). ASEAN được thành lập với mục tiêu là tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá - xã hội giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới.
          Với mục tiêu tổng quát là xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài, do đó Cộng đồng ASEAN được hình thành.
          Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
          Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực ĐNA thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.
          Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.
          Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.
Hiện nay với quy mô dân số: 635 triệu dân. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): khoảng 3.000 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại hằng năm: hơn 1.000 tỷ USD, trong đó thương mại nội khối chiếm 1/4. Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dự đoán ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong năm 2025. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới với những thành tựu đáng tự hào.
          Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của đất nước. Tham gia hợp tác ASEAN với phương châm“tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Sau những bước khởi đầu chập chững tại một "sân chơi" mới. Trải qua 22 năm Việt Nam đã ngày càng trưởng thành và thể hiện vai trò thành viên quan trọng trong "đại gia đình" ASEAN. Gần một nửa chặng đường trong suốt chiều dài 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN đã ghi lại nhiều dấu ấn Việt Nam với những đóng góp tích cực, góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN, cùng ASEAN vượt qua những giai đoạn thăng trầm, qua đó góp phần không nhỏ vào những thành công ASEAN có được ngày nay.
           Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ (thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4, “Cách mạng 4.0”) đã đặt ra cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Với truyền thống 50 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội đã cho thấy sự đoàn kết của các quốc gia thành viên, sự năng động trong phát triển kinh tế, sự ổn định trong chính trị. Với vị trí địa chính trị chiến lược, một nền kinh tế mới năng động, một thị trường rộng lớn, sự đoàn kết thống nhất của Hiệp hội, sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các quốc gia thành viên, chắc chắn Cộng đồng ASEAN sẽ vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị của thế giới, có liên kết chặt chẽ, tự cường, giàu bản sắc, hướng tới nhân dân, có quan hệ đối ngoại rộng mở, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng, là động lực thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

 
Thạc sĩ Lê Minh Phương
Phòng Đào tạo

Tài liệu tham khảo:
 
1. “Quá trình hình thành và phát triển ASEAN” (http://asean.mofa.gov.vn/)

2. “Khái quát về Cộng đồng ASEAN” (http://asean.mofa.gov.vn/)

3. “Định hướng tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam trong giai đoạn tới” (http://asean.mofa.gov.vn/)

4. “22 năm làm thành viên, Việt Nam khẳng định vị thế trong ASEAN” (http://www.baomoi.com/)

 

 

 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289455

Đang Online : 3070