Nghiên cứu - Trao đổi

Nghề giúp việc gia đình ở Việt Nam từ lý luận đến thực tiễn

Ngày Đăng: 11/9/2017 7:57 Lượt xem: 363

       Chủ nghĩa Mác ra đời vào giữa thế kỷ XIX đã đặt nền tảng vững chắc cho lý thuyết nữ quyền bằng việc đưa ra cơ sở khoa học về sự bất bình đẳng nam - nữ và từ đó chỉ ra nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới. Điều quan trong hơn nữa là chủ nghĩa Mác còn đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam - nữ như một trong những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Để thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ, chủ nghĩa Mác chỉ ra rằng: một mặt, phải phát triển lực lượng sản xuất tạo điều kiện để phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào phân công lao động xã hội; mặt khác, trong phạm vi gia đình sự phân công lao động xã hội cũng phải thay đổi căn bản theo hướng giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ trong công việc gia đình, giải phóng họ ra khỏi công việc bếp núc, nội trợ. Để làm được điều đó phải thực hiện “xã hội hoá” một số chức năng của gia đình như chức năng tổ chức đời sống của gia đình.
          Trên cơ sở lấy nguyên lý chủ nghĩa Mác- Lênnin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp bình đẳng giới trong đó có giải pháp “xã hội hóa” một số chức năng của gia đình, cụ thể: Ở Việt Nam, lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động năm 1994, vấn đề lao động giúp việc gia đình đã được ghi nhận tại Điều 2, Điều 28, Điều 139 và trong hệ thống các ngành kinh tế của Việt Nam theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam có quy định ngành hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ gia đình. Việc thừa nhận lao động giúp việc gia đình là một nghề trong các văn bản này đã tạo nền tảng quan trọng để Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cụ thể về Lao động giúp việc gia đình từ Điều 179 đến Điều 183 và được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định 27/2014/NĐ-CP ngày 17/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình và Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27/2014/NĐ-CP. Theo đó, nghề Lao động giúp việc gia đình là nghề đảm nhiệm công việc khác trong gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại như nấu ăn cho các thành viên trong hộ gia đình mà không phải bán hàng ăn; trồng rau, hoa quả, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ sinh hoạt của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải để bán, trao đổi hàng hóa; lau dọn nhà ở, sân vườn, bảo vệ nhà cửa, tài sản của hộ gia đình mà không phải là nhà xưởng, cửa hàng, văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh; lái xe đưa đón các thành viên trong hộ gia đình hoặc vận chuyển các đồ đạc, tài sản của hộ gia đình mà không phải đưa đón thành viên trong hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh; kèm cặp thành viên trong hộ gia đình học văn hóa; giặt quần áo, chăn màn của các thành viên trong hộ gia đình mà không phải kinh doanh giặt là hoặc không phải giặt quần áo bảo hộ lao động của những người được thuê mướn sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình; công việc khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của hộ gia đình, các thành viên trong hộ gia đình và không trực tiếp hoặc góp phần tạo ra thu nhập cho hộ hoặc cá nhân trong hộ gia đình.
          Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lý về lao động giúp việc gia đình, cũng như từng bước đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề ổn định trong thị trường lao động. Sự ghi nhận này là cơ hội để những người giúp việc gia đình cũng như gia đình sử dụng loại hình lao động này được pháp luật bảo vệ.
          Ngày nay, nhu cầu đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam đang gia tăng và loại hình lao động này mang đặc trưng giới rõ ràng (phổ biến là lao động nữ). Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động, năm 2010, số lượng lao động GVGĐ tại Việt Nam được ước tính có hơn 200.000 người, thì dự báo đến năm 2020 con số này có thể lên đến 350.000 người. Nghề giúp việc gia đình ngày càng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng thì thu nhập từ nghề giúp việc gia đình cao hơn 2 lần làm nghề nông nghiệp, kết quả nghiên cứu cho thấy ý nghĩa to lớn của lao động giúp việc gia đình với gia đình họ trong nỗ lực thoát nghèo và tạo điều kiện cho con cái được học hành.Về giá trị kinh tế của lao động giúp việc gia đình đối với sự phát triển kinh tế xã hội đã tạo cơ hội việc làm cho một bộ phận người lao động không có cơ hội, khả năng tìm được việc làm ổn định. Đồng thời cũng đang được lựa chọn thay thế cho một số dịch vụ gia đình. Ngoài ra, lao động giúp việc gia đình còn góp phần cho sự phát triển của địa phương - nơi xuất thân của người lao động...
           Tuy nhiên, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động giúp việc gia đình vẫn còn những hạn chế như hầu hết người lao động không có hợp đồng, không tham gia bảo hiểm xã hội và đa phần không có bảo hiểm y tế. Tình trạng phải làm việc không đúng với thỏa thuận ban đầu, thời gian làm việc kéo dài … Bản thân những người giúp việc cũng thiếu tính chuyên nghiệp, nghỉ việc thất thường…
Vì vậy, để phát triển nghề giúp việc gia đình và bảo vệ quyền của lao động, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đối với nghề giúp việc gia đình nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm nâng cao vị thế, vai trò của loại hình lao động này trong tiến trình phát triển xã hội.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân Vận  

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289440

Đang Online : 3055