Nghiên cứu - Trao đổi

Đồng chí Hồ Tùng Mậu – tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng

Ngày Đăng: 15/6/2024 6:18 Lượt xem: 273

Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896, trong gia đình giàu truyền thống khoa cử và yêu nước, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Từ đầu năm 1920, Hồ Tùng Mậu đã thoát ly gia đình, lựa chọn con đường cách mạng. Là một nhà hoạt động cách mạng, đồng chí là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cách mạng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người tham gia thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (2/1930). Là người học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hình thành cho mình những phẩm chất cách mạng tốt đẹp, với ý chí cách mạng mãnh liệt, kiên cường, một con người đậm chất nhân văn, am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa, là tấm gương trong sáng về đạo đức cách mạng.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu - tấm gương sáng về đạo đức cách mạng nhân, nghĩa, trí, dũng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo những tiêu chí đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.
Hồ Tùng Mậu sinh ra khi con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc theo khuynh hướng phong kiến đã chấm dứt với sự thất bại của phong trào Cần Vương. Khi phong trào giải phóng dân tộc theo con đường tư sản với các gương mặt tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng tỏ ra bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử, các phong trào cứu nước Duy Tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục... dần đi vào bế tắc thì Hồ Tùng Mậu lựa chọn cho mình hướng đi mới.
Sự chuyển biến về chất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Tùng Mậu bắt đầu từ cuộc hội ngộ lịch sử giữa nhóm Tâm Tâm xã với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là bước ngoặt lịch sử, bước chuyển nhận thức, tư tưởng trong cuộc đời của Hồ Tùng Mậu. Và từ đây, không còn phải đắn đo, lưỡng lự trong sự lựa chọn con đường cứu nước mà dứt khoát theo ngọn cờ Nguyễn Ái Quốc, chiến đấu vì sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
Phẩm chất đạo đức cách mạng của Hồ Tùng Mậu thể hiện rõ ý chí kiên cường trong những năm đồng chí bị tù đày. Noi gương khí phách hiên ngang của các bậc cha ông, suốt những năm tháng trong các nhà tù của Quốc dân Đảng Trung Quốc, của thực dân Pháp ở Sài Gòn, Hà Nội, nhà lao Vinh, ngục Kon Tum...đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn vững vàng khí phách của người chiến sĩ cộng sản. Không chỉ giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng như “viết” báo, tiểu thuyết (thực chất là báo miệng và tiểu thuyết miệng), dạy ngoại ngữ cho các đồng chí trong tù, Hồ Tùng Mậu còn góp nhiều ý kiến quý báu cho anh em trong các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù hà khắc.
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công (1945), Hồ Tùng Mậu được giao nhiều trách nhiệm quan trọng. Với tác phong giản dị, khiêm tốn, gần gũi mọi người, Hồ Tùng Mậu được nhân dân hết lòng tin tưởng, được tất cả cán bộ viên chức trong Ủy ban kháng chiến liên khu cũng như các tỉnh hết sức yêu thương và quý mến. Trên cương vị Chủ tịch Liên khu, Hồ Tùng Mậu ý thức rất rõ vị trí công tác của mình, luôn nêu gương về thực hành dân chủ, đoàn kết nội bộ, thực hiện Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh chống thói quan liêu, thiếu dân chủ, có nhiều sáng tạo trong xây dựng chính quyền địa phương, đặc biệt là trọng dân, tin dân, hỏi dân, đi sâu, đi sát cơ sở.


Bác Hồ và đồng chí Hồ Tùng Mậu (Ảnh tư liệu)
 
Từ khi được giao trọng trách làm Tổng thanh tra Chính phủ, Hồ Tùng Mậu có dịp may mắn được làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Hồ Tùng Mậu học được ở Bác Hồ phẩm chất đạo đức cách mạng, phong cách làm việc cùng tinh thần trách nhiệm cao. Với tinh thần đắc lực, tận tụy phục vụ nhân dân, Hồ Tùng Mậu không ngại khó khăn, gian khổ đi khắp nơi, kiểm tra công tác chính quyền ở nhiều tỉnh, huyện. Phong cách làm việc của Hồ Tùng Mậu là gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân. Hồ Tùng Mậu nêu cao tinh thần làm việc dân chủ, tập thể, khoa học, khách quan, minh bạch, đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình thực tiễn, không theo kiểu quan liêu, mệnh lệnh. Qua những đợt kiểm tra, trên cơ sở nắm vững tình hình, đều có khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh, Hồ Tùng Mậu kiên quyết thi hành kỷ luật những cán bộ thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - phẩm chất đạo đức này của Hồ Tùng Mậu có thể minh chứng qua việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông làm Tổng thanh tra Chính phủ đầu tiên. Hồ Tùng Mậu được chọn là vì ông vừa có đạo đức, vừa có tài, có đủ năng lực phân định đúng - sai trong việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ trong các cơ quan công quyền, các cá nhân có chức, quyền nắm giữ quyền lực và tài sản của dân. Ông luôn lấy chữ vì dân làm đầu, ghét thói đặc quyền đặc lợi, không bao giờ lợi dụng quyền hạn, chức vụ công tác để mưu cầu lợi ích riêng cho gia đình và cá nhân.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu còn là một người nhân ái, khoan dung, độ lượng. Phẩm chất này vừa là những đức tính bẩm sinh từ nhỏ vừa được nâng dần lên cùng nhận thức và bề dày hoạt động thực tiễn. Từ tình thương đồng bào, ông đã vươn lên đến tình thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý. Từ thương và tin người, ông luôn tìm cách phát huy sức mạnh con người trong khối đại đoàn kết nhằm giải phóng con người... Trong gia đình, đồng chí Hồ Tùng Mậu dành sự yêu thương, quan tâm chu đáo, có nhiều lần đồng chí nén đau thương trong lòng để đứng vững, đi theo con đường đã chọn. Với quê hương, đồng chí gần gũi, sẻ chia đầy trách nhiệm, với cấp dưới, đồng sự, đồng chí bao giờ cũng sâu sát, ân cần. Tất cả, ở đồng chí Hồ Tùng Mậu toát lên đạo lý sống ngàn đời của dân tộc ta: “Yêu nước, thương nòi, nhân ái với con người”, vẻ đẹp trong nhân cách con người đồng chí làm sáng lên và lan tỏa các gía trị văn hóa của Đảng ta.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II (2/1951), đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị đầu tiên. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác tại Liên khu IV, đồng chí đã bị máy bay địch phát hiện, đuổi bắn và hy sinh.
Tấm gương đạo đức của đồng chí Hồ Tùng Mậu - tài sản quý giá cho các thế hệ kế tục, học hỏi, gìn giữ và trân trọng
Tấm gương đạo đức của đồng chí Hồ Tùng Mậu với các biểu hiện, các chuẩn mực đạo đức cụ thể được xem là một mô hình đạo đức thực tiễn mà xã hội chúng ta đang hướng tới xây dựng; thống nhất với quan điểm xây dựng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là tấm gương về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, cùng tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm chính và tình yêu thương đối với gia đình, cán bộ, nhân dân của đồng chí Hồ Tùng Mậu được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kính trọng và noi theo. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và nhân dân, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý. Đồng chí Hồ Tùng Mậu cũng là một trong 14 vị tiền bối cách mạng được Đảng ta trân trọng tưởng nhớ tại khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Từ cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Hồ Tùng Mậu sẽ luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay phải nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; kiên trì học tập, nâng cao trình độ nhận thức, tích cực hoạt động thực tiễn. Trước bối cảnh và những yêu cầu mới đang đặt ra, cần phải luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, quá trình hơn 30 năm hoạt động cách mạng gian khổ của đồng chí Hồ Tùng Mậu chính là bài học quý, góp phần đẩy mạnh việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hôm nay.
Kỉ niệm 128 năm ngày sinh đồng chí Hồ Tùng Mậu (15/6/1896-15/6/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên nhân dân ôn lại sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng các đồng chí cách mạng tiền bối, lão thành cách mạng của Đảng. Những con người ấy, tấm gương ấy đã và đang trở thành tài sản vô cùng quý giá cho các thế hệ sau kế tục, gìn giữ, trân trọng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ Tùng Mậu - Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2016

 
Ths. Triệu Thị Bạch Vân
Khoa Lý luận cơ sở

Các tin liên quan:

Thông báo

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc bán thanh lý tài sản công và công cụ dụng cụ của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang năm 2024

Thông báo về việc tổ chức Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đề nghị xét nâng bậc lương trước thời hạn năm 2024

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và Thực tiễn năm 2024

Thông báo danh sách viên chức đủ điều kiện nâng bậc lương trước thời hạn tháng 12 năm 2023

Thông báo Tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng năm 2024

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi sau phá dỡ nhà khách, kho

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản vật liệu thu hồi

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiễn số 2 năm 2023

Thông báo viết bài Thông tin lý luận và thực tiến số 1 năm 2023

Báo cáo công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý III; phương hướng nhiệm vụ quý IV năm 2022

Hướng dẫn trình bày bài viết thu hoạch nghiên cứu thực tế các lớp Trung cấp lý luận chính tri

Hướng dẫn khen thưởng học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8668825

Đang Online : 1109