Nghiên cứu - Trao đổi

"Chính sách kinh tế mới" của Lênin và ý nghĩa của tác phẩm đối với việc xây dựng kinh tế hàng hóa ở Việt Nam hiện nay

Ngày Đăng: 15/9/2017 8:14 Lượt xem: 481

          Đại hội X của Đảng Bônsêvích Nga đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nước Nga Xôviết, bước chuyển từ Chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới. Đề cập phương pháp và phương thức  cụ thể trong việc thực hiện Chính sách kinh tế mới, Lênin chỉ rõ: Chính sách kinh tế mới là sự tiếp tục và phát triển kế hoạch xây dựng nền tảng kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được vạch ra vào mùa xuân năm 1978.
            Nội dung kinh tế chính trị cơ bản nhất của Chính sách kinh tế mới là:
           Một là, thay chế độ trung thu lương thực thừa bằng thuế lương thực, với tư cách là “đòn xeo”, là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết  nhất” để cải thiện đời sống của nông dân và nâng cao lực lượng sản xuất, đổi mới quan hệ sản xuất và ổn định chính trị - xã hội. Qua đó, kiến lập được liên minh công – nông vững chắc về kinh tế, chính trị và xã hội; sự liên minh giữa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Lênin nhiều lần khẳng định phải bắt đầu từ nông dân, nông nghiệp, trước hết là bắt đầu từ thuế lương thực: “Chỉ bằng con đường ấy chúng ta mới có thể cải thiện được đời sống của công nhân, tăng cường được liên mihn công nông, củng cố được chuyên chính vô sản. Người vô sản nào hoặc người đại diện nào của giai cấp vô sản muốn cải thiện đời sống của công nhân bằng những con đường khác, thì thực tế chỉ là những kẻ trợ lực cho bọn bạch vệ và bọn tư bản”. (V.I: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2005, t43, tr273)
           Hai là, cho phép tự do trao đổi hàng hóa, tự do buôn bán, kinh doanh với tư cách là “đòn xeo chủ yếu” của Chính sách kinh tế mới.  Nội dung này chiếm vị trí hàng đầu và là cái rất cần thiết để thiết lập sự liên minh kinh tế, chính trị vững chắc giữa giai cấp vô sản và giai cấp nông dân.
           Ba là, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức tô nhượng, hợp tác xã, đại lý tư nhân, cho tư nhân thuê cơ sở sản xuất… không chỉ là biện pháp quá độ đặc biệt, một khâu trung gian để quá độ “gián tiếp” lên chủ nghĩa xã hội. 
           Chính sách kinh tế mới không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với nước Nga mà còn đối với quốc tế. Nó đã vượt ra khỏi khuôn khổ nước Nga, trở thành bài học bổ ích cho những nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng phải vận dụng nó một cách mềm dẻo, kinh hoạt.
            Trong thời đại ngày nay, nội dung của Chính sách kinh tế mới vẫn có ý nghĩa to lớn đối với các nước đang phát triển, tính thời sự của nó thể hiện ở việc nhiều nước đang phát triển vẫn quan tâm đến kinh nghiệm của nước Nga trong những năm 1921 – 1939 để tìm con đường, biện pháp giải quyết những vấn đề kinh tế còn lạc hậu; học tập kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga và năng lực quản lý kinh tế của Chính quyền Xôviết trong những năm thực hiện Chính sách kinh tế mới; vấn đề phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước, sử dụng chuyên gia tư sản… Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế thị trường đang là đề tài hấp dẫn với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
            Đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, Chính sách kinh tế mới không chỉ có ý nghĩa phương pháp luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn và giá trị thời sự, thể hiện:
            Trước hết, nó là cơ sở lý luận về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu. Trên cơ sở lý luận về con đường gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức VI (1986), Đảng ta đã nhận định rõ những sai lầm nôn nóng, chủ quan, duy ý chí muốn  “tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”. Từ thực tiễn đó, tư tưởng của Lênin về Chính sách kinh tế mới không chỉ là mẫu mực về một giải pháp mang tính tình thế mà còn là đường lối mang tính chiến lược, là cơ sở lý luận về con đường quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội. Cụ thể là: giá trị và ý nghĩa to lớn của nó về xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Lý luận, kinh nghiệm về xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, thừa nhận sự tồn tại, vai trò của thành phần kinh tế tư nhân, chế độ hợp tác xã vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện cơ chế thị trường ở Việt Nam. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là quá trình lịch sử, là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, đòi hỏi chúng ta phải trải qua những bước “trung gian”, “quá độ” dài. Từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, đã cho chúng ta thấy rõ từ một nước nông nghiệp lạc hậu không thể “quá độ trực tiếp” lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới, song những tư tưởng cơ bản của Lênin về phát triển kinh tế vẫn là cơ sở lý luận về con đường quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội.
            Thứ hai là ý nghĩa thực tiễn là giá trị thời sự của tác phẩm. Chính sách kinh tế mới không những có ý nghĩa phương pháp luận, lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn và giá trị thời sự trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Những tư tưởng cơ bản của Lênin như phát triển kinh tế hàng hóa; coi trọng nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; sử dụng Chủ nghĩa tư bản Nhà nước để phát triển kinh tế đi kèm với thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế đang là vấn đề thời sự hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không sao chép y nguyên từng câu, từng chữ, mà vận dụng tinh thần, ý nghĩa, những bài học kinh nghiệm của nó. Trên cơ sở đó, tự mình suy nghĩ về đặc thù, những điều kiện trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể.
           Về Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” là quan điểm chính trị nhất quán được thực hiện từ Đại hội V của Đảng đến nay. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới Đảng đã đặt trọng tâm vào vấn nông dân và kinh tế nông nghiệp thông qua ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, trong đó tiêu biểu là Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư khóa IV (tháng 1-1981) về mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI (tháng 4-1988) về đổi mới quản lý nông nghiệp; Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989); chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phục vụ cho nhiệm vụ phát triển nông nghiệp; “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn …
           Về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Vấn đề này đã được nhận thức từ Đại hội VI của Đảng, và tiếp tục được khẳng định và bổ sung, hoàn thiện trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội với nhiều nội dung mới, như Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...
            Về kinh tế hàng hóa, Đảng ta thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ quá độ, chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế hàng hóa phải đi kèm với thay đổi cơ chế quản lý, Đảng tiếp tục khẳng định “thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, đồng thời nêu rõ, cơ chế vận hành nền kinh tế là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác”; đổi mới công tác kế hoạch; thực hiện hạch toán kinh doanh và giao quyền tự chủ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước; xử lý tốt mối quan hệ hàng – tiền, ổn định tiền tệ, khắc phục có hiệu quả lạm phát; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước...
            Vận dụng tư tưởng phương pháp luận, lý luận của Chính sách kinh tế mới ở  Việt Nam hiện nay cần:
            + Giải quyết đúng đắn, hợp lý mối quan hệ qua lại giữa nhà nước và nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nhỏ;
           + Tạo môi trường phát triển thuận lợi, đảm bảo tính độc lập, tự chủ của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước phải thực sự đóng vai trò chủ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân; tăng cường vai trò của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý kinh tế;
           + Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp nhằm củng cố liên minh kinh tế, chính trị giữa giai cấp nông dân và công nhân, tạo điều kiện nâng cao mức sống và chất lượng sống cho nhân dân lao động;
           + Từ bỏ quản lý kinh tế theo mệnh lệnh hành chính sang quản lý bằng kinh tế là chủ yếu, lấy hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường kinh doanh làm chủ đạo;
          + Sử dụng đúng đắn quy luật giá trị, quan hệ hàng hóa – tiền, tạo hành lang pháp lý cho tự do trao đổi hàng hóa, buôn bán và kinh doanh tư nhân có sự quản lý của nhà nước;
          + Đổi mới kinh tế động thời phải đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng với sự nghiệp đổi mới đất nước.
           
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Giảng viên khoa lý luận Mác-Lênin, t
ư tưởng Hồ Chí Minh
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289447

Đang Online : 3062