Nghiên cứu - Trao đổi

Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga đến tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Ngày Đăng: 4/10/2017 10:43 Lượt xem: 353

          Cách đây tròn 100 năm, ngày 7-11-1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập nên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.
          Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên CNXH, chỉ ra sức sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân trong sự nghiệp kiến tạo một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam cũng chính từ bản Luận cương của V.I.Lê-nin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa”. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người nêu rõ sự ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng An Nam là: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”[1]. Từ thành công của cách mạng tháng Mười Nga đã ảnh hưởng đến đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh trong đó có tư tưởng của Người về công tác Dân vận.
          Theo Người, trước hết “cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”[2]- Nghĩa là muốn cách mạng thành công trước hết phải có đảng lãnh đạo dân chúng nhân dân làm cách mạng. Từ kinh nghiệm đó Người đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đủ các điều kiện để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lê-nin đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Người xác định công tác dân vận là trách nhiệm của đảng. Bác viết: “vậy nên sức mạnh cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”[3] để “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”[4]
        Hai là, muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, đó chính là nhân dân, trong đó công nông làm gốc cách mạng. Để tập hợp được lực lượng Đảng phải thành lập ra tổ chức để thực hiện nhiệm vụ này mà theo Người đó chính là Mặt trận Tổ quốc. Năm 1957 nhân kỷ niệm 40 năm ngày Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, theo đề nghị của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Cách mạng tháng 10 Nga và sự nghiệp giải phóng phương đông”, trong đó người viết: “Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội  mong  muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa”[5] và thực tế đã chứng minh ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương chưa đầy 10 tháng, ngày 18/ 11/ 1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về thành lập "Hội phản đế đồng minh"- đây là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, Đảng đã ra nhiều nghị quyết thành lập các tổ chức của nhân dân để đoàn kết, tập hợp nhân dân thành lực lượng cách mạng như Hội phụ nữ phản đế, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, Nông hội đỏ...- thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng các tổ chức đoàn thể này đã tập hợp, đoàn kết lực lượng để làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công lập ra nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
        Ba là, cách mạng muốn thành công phải đoàn kết chặt chẽ với lực lượng cách mạng thế giới. “Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho chúng ta đoàn kết chặt chẽ lực lượng của vô sản quốc tế, của các dân tộc bị áp bức và của tất cả các lực lượng yêu chuộng toàn hòa bình thế giới để cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh”[6].
        Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần vào củng cố cho sự nghiệp đoàn kết quốc tế cao đẹp ấy. Bằng lời nói và việc làm cụ thể, Hồ Chí Minh đã luôn nêu cao tấm gương tuyệt vời về tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Người luôn coi thắng lợi của các đảng anh em và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em là thắng lợi của chính đất nước mình. Hồ Chí Minh còn luôn xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, muốn cho cách mạng thành công thì phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo Người, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam phát huy tốt hai mặt này, sẽ làm cho lực nhỏ hóa lớn, lực yếu hóa mạnh, sẽ tạo ra thế bao vây rộng khắp áp đảo kẻ thù. Người còn chỉ rõ, để phát huy sức mạnh thời đại, Việt Nam cần phải tiến hành tốt nhiều nội dung, biện pháp, trong đó cần đặc biệt chú ý xây dựng tình đoàn kết và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân tiến bộ thế giới.
         Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Theo Người, được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới thì công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi vẻ vang.
        Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tính chất đúng đắn của đường lối mà cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917 đã vạch ra rằng cuộc cách mạng dân tộc muốn thắng lợi thì phải: Dựa vào mặt trận dân tộc rộng rãi chống chủ nghĩa đế quốc; được sự giúp đỡ của nhân dân và giai cấp vô sản các nước; Do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Những bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác dân vận - nhiệm vụ chiến lược trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN trong suốt 87 năm qua đã, sẽ và tiếp tục được Đảng ta, nhân dân ta làm sáng tỏ thêm để trở thành một chân lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
Trưởng khoa Dân vận
 
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t2, tr 280;
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t2, tr 280;
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t2, tr 267;
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t2, tr 267; 
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t8, tr 568;
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, H.2004, t8, tr 572;
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289448

Đang Online : 3063