Nghiên cứu - Trao đổi

Vị thế Tuyên Quang: Nhìn từ chiến thắng Việt Bắc - Thu đông 1947

Ngày Đăng: 24/10/2017 15:9 Lượt xem: 380

Cách đây 70 năm, thực dân Pháp tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” với tham vọng giành thế chủ động. dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp. Chiến thắng Việt Bắc - Thu đông 1947 có sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Tuyên Quang. Phát huy truyền thống cách mạng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các thời kỳ đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, lãnh đạo đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các khâu đột phá, các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, xây dựng tỉnh nhà phát triển.

 

 


Cựu chiến binh và nhân dân xã Trung Môn (Yên Sơn) thăm Bia chiến thắng Km 7 - nơi Tự vệ Tuyên Quang đặt địa
lôi phục kích tiêu diệt giặc Pháp năm 1947.

Góp công làm nên chiến thắng

Trước âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, để giữ vững nền độc lập vừa giành được, không còn con đường nào khác, toàn dân phải đứng lên trường kỳ kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng là phải góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, cơ quan Trung ương và các cơ sở kháng chiến đóng trên địa bàn tỉnh.

Với vị trí chiến lược và có phong trào cách mạng phát triển mạnh, các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn được chọn làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương. Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng kêu gọi đồng bào các dân tộc trong tỉnh chuẩn bị mọi mặt xây dựng lực lượng, đảm bảo an toàn, bảo mật, trừ gian, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Đồng thời chỉ đạo các huyện tích cực xây dựng và phát triển lực lượng du kích. 

Trong hàng trăm trận tác chiến, có nhiều trận đã đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Tuyên Quang, trong đó trận Bình Ca (12-10-1947) tại địa bàn xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), bộ đội đã bắn chìm tàu giặc đầu tiên trên sông Lô; trận địa lôi Km 7, xã Trung Môn (Yên Sơn) tiêu diệt hơn 100 tên địch; trận Khe Lau trên sông Lô, thuộc xã Thắng Quân (Yên Sơn), bộ đội bắn cháy 2 tàu chiến và 1 ca nô, tiêu diệt hơn 200 tên địch. Trong chiến dịch, toàn tỉnh đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công phục vụ chiến đấu; quân, dân đánh 48 trận (30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực) góp phần tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy, hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mão, Viện Sử học Việt Nam nhận định, khi nói đến sự đóng góp của Tuyên Quang với Chiến dịch Việt Bắc - Thu  đông 1947, không thể không đề cập đến việc bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan đầu não kháng chiến.

Tuyên Quang đã không tiếc sức người, tài sản để vận chuyển, bảo quản tài liệu, máy móc, hàng hóa và xây dựng kho tàng, nhà ở cho các cơ quan Trung ương. Nhân dân đã tự nguyện nhường nhà cho cán bộ kháng chiến ở. Nhờ công sức của nhân dân, những tuyến đường giao thông quan trọng được nối liền, thông suốt trong vùng An toàn khu. Nhân dân Tuyên Quang luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn chống phá cách mạng của những phần tử chống đối để bảo vệ an toàn, bí mật cho lãnh tụ và cơ quan Trung ương.
 


Đoàn viên, thanh niên thành phố Tuyên Quang tìm hiểu về chiến thắng Việt Bắc - Thu đông 1947 tại Bảo tàng tỉnh.   

Vững tin xây dựng quê hương phát triển

Những bài học đúc kết được từ thế trận chiến tranh nhân dân trong Chiến dịch Việt Bắc -  Thu đông 1947 đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đó là thực tiễn sâu sắc đã được chắt lọc, vận dụng trong xây dựng thế trận lòng dân thời kỳ mới. Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (năm 1951) đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các thời kỳ luôn kế thừa và phát huy những thành tựu của nhiệm kỳ trước, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo và với quyết tâm chính trị cao đã từng bước xây dựng tỉnh phát triển.

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khai thác tiềm năng và nguồn lực  thực hiện các mục tiêu chủ yếu, đưa tỉnh thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt đến năm 2020, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đại hội đã đề ra 3 khâu đột phá: Đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch.



Thành phố Tuyên Quang hôm nay.   

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, ngấm vào đời sống xã hội. Nổi bật là Nghị quyết số 15 - NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 16 - NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025. 

Cùng với phát huy nội lực, tỉnh luôn coi trọng việc thu hút đầu tư từ bên ngoài. Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2014,  tỉnh đã nâng cao chỉ số PCI, từ thứ hạng 63 lên 50, tăng 13 bậc. Đến năm 2015, nâng lên bậc thứ 48. Đến năm 2016, tỉnh vươn lên xếp thứ 45/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố xếp thứ hạng khá. Tỉnh đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án theo định hướng phát triển kinh tế như: Tập đoàn Dabaco đầu tư dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Công ty cổ phần Woodsland đầu tư Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang; Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại Vincom Tuyên Quang và Dự án Vinpearl Tuyên Quang; Tập đoàn Mường Thanh xây dựng Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang với tiêu chuẩn 4 sao… Cùng với đó, Tập đoàn FLC đã khảo sát môi trường đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh...

Với nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ước vọng về sự đổi thay, phát triển của Tuyên Quang, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến đã và đang từng bước thành hiện thực.
Nguồn: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/vi-the-tuyen-quang-nhin-tu-chien-thang-viet-bac-thu-dong-1947!-90436.html

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8288352

Đang Online : 1966