Nghiên cứu - Trao đổi

Vận dụng quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng vào giảng dạy Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày Đăng: 30/11/2017 9:44 Lượt xem: 1228

           Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm (2016 - 2020) “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại1. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện mục tiêu là “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và “phát triển kinh tế tri thức2
          Quan điểm trên đây của Đảng cho thấy:
          Một là, Đảng ta khẳng định tính nhất quán, xuyên suốt của việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.
          Tư tưởng công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa đã được xác định từ Hội nghị Trung ương 7 khóa VII của Đảng. Đến Đại hội IX, Đảng ta đã bổ sung “ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức3. Từ đây, quan điểm chỉ đạo này đã được quán triệt xuyên suốt qua các kỳ đại hội của Đảng, đến Đại hội XII được phát triển trên cơ sở tính nhất quán, xuyên suốt quan điểm này. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là phương thức xây dựng đất nước công nghiệp hóa trong điều kiện mới của cách mạng khoa học, công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa kinh tế đang gia tăng mạnh mẽ.
          Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu4. Nội dung này cũng là sự cụ thể hóa việc thực hiện định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đề ra từ Đại hội XI: “ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường5      
          Hai là: nội dung mới bổ sung trong quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
          - Yêu cầu xác định tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại
          Mục tiêu “đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được xác định từ Đại hội VIII cho đến nay. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn tới, Đại hội XII yêu cầu “xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại6 . Đây là yêu cầu cần thiết, có ý nghĩa quan trọng và là điểm mới trong nhận thức lý luận của Đảng ta về vấn đề này. Yêu cầu này cho thấy cần phải xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá giai đoạn hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phản ánh rõ nét trình độ phát triển của đất nước ở giai đoạn trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
          - Xác định bước đi của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
          Đại hội XII xác định “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa6. Từ đây xác định trong 5 năm tới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta vẫn đang ở bước thứ hai, cần tiếp tục được đẩy mạnh. Nội dung này là điểm mới, nó có ý nghĩa chỉ đạo tiến trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh dàn trải.
          - Điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong giai đoạn tới
          Đại hội XII xác định, trong giai đoạn tới tập trung vào các ngành, lĩnh vực chủ yếu gồm công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế nông thôn, các ngành dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế vùng và liên vùng, phát triển đô thị. Tư tưởng chung để phát triển các ngành, lĩnh vực này là phải có tầm nhìn trung, dài hạn, có lộ trình cho từng giai đoạn phát triển. Chú ý theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng tri thức và khoa học, công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh để tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu. Như trong công nghiệp, tư tưởng cơ bản là phát triển công nghệ nhiều tầng, nhiều quy mô, trình độ nhưng Đại hội XII yêu cầu phải cấu trúc lại hệ thống sản xuất của nền kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm. Phát triển có chọn lọc một số ngành chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp xanh. Nông nghiệp nông thôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới. Dịch vụ phải được đẩy mạnh theo hướng hiện đại, có tốc độ gia tăng cao hơn các khu vực khác, hướng phát triển dịch vụ vào các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao. Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biền đảo.
          Vận dụng vào giảng dạy bài “ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam”
          Vận dụng nội dung trên vào giảng dạy bài “ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam ” cần phải lưu ý một số điểm sau:
          Quán triệt và phổ biến nội dung văn kiện Đại hội XII của Đảng vào bài giảng
          Người giảng viên cần phải nghiên cứu Văn kiện Đại hội XII của Đảng một cách nghiêm túc, trách nhiệm để nắm rõ lý luận và thực tiễn nội dung và tinh thần của Đại hội về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Từ đó trong quá trình giảng dạy có sự liên hệ lý luận thực tiễn chính xác, sát với điều kiện thực tế đất nước. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần có sự phân biệt, so sánh nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong văn kiện Đại hội Đảng giữa các kỳ Đại hội để từ đó làm sáng tỏ sự xuyên suốt và tính thống nhất của vấn đề, bổ sung cập nhật những nội dung không còn phù hợp.
          Làm rõ hơn con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn ở Việt Nam
          Việc rút ngắn không chỉ có nghĩa về mặt thời gian để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, mà còn cần phải nhận thức đó là rút ngắn khoảng cách nhằm khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới. Để thúc đẩy quá trình này, trong thời gian tới, cần phải làm rõ thực chất của con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam. Việc rút ngắn ở Việt Nam cũng phải được xác định rõ là thực hiện bằng mô hình nào trong những năm tới để có phương hướng và giải pháp tập trung nguồn lực, thúc đẩy động lực phát triển.
          Vấn đề nguồn lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
          Nhân lực và khoa học, công nghệ là nguồn lực đặc biệt, có vai trò quyết định tốc độ và chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình giảng dạy yêu cầu cần phải làm rõ quan điểm của Đảng về nguồn lực, các giải pháp phát triển, thu hút và sử dụng các nguồn lực trên, tránh việc sử dụng lãng phí và không hiệu quả nguồn lực.
          Đại hội XII chỉ ra “ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
          Đây là một đặc điểm quan trọng trong việc thực hiện nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở giai đoạn hiện nay. Trong quá trình giảng dạy cần làm rõ chủ thể thực hiện, nguồn vốn, lựa chọn khoa học công nghệ, cơ chế vận hành và vai trò của Nhà nước trong tiến trình thực hiện.
 
Thạc sĩ Đỗ Việt Hà
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
          Tài liệu tham khảo:
          1 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.89
          2 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.77).
          3 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, tr.91-92
          4 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.90
          5 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.75
          6 Đảng Cộng sản Việt Nam: văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.89

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8288261

Đang Online : 1875