Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang: thực trạng và giải pháp

Ngày Đăng: 1/12/2017 9:22 Lượt xem: 393

          Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hay PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Chỉ số này được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 cho 42 tỉnh, thành. Từ lần thứ hai, năm 2006 trở đi đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đều được đưa vào xếp hạng, đồng thời các chỉ số thành phần cũng được tăng cường thêm.
          Hiện nay, PCI là một kênh quan trọng để các doanh nghiệp xem xét về địa điểm đầu tư, thể hiện đánh giá của các doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh cấp tỉnh, phần lớn các tỉnh, thành phố đều xem PCI là cơ sở quan trọng để ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình hành động (của Tỉnh uỷ, UBND) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh chất lượng điều hành kinh tế.
          Do được đánh giá một cách khách quan và công bằng, nên từ khi ra đời đến nay, chỉ số PCI đã được các địa phương và doanh nghiệp coi trọng, 42 tỉnh, thành phố đã coi PCI là kênh quan trọng trong việc định hướng hoạt động và thu hút đầu tư tư nhân và coi việc cải thiện thứ tự trong bảng xếp hạng PCI là mục tiêu hoạt động quan trọng của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Việc đánh giá PCI giúp các địa phương tự đánh giá và tạo nên những bước đột phá để thúc đẩy sự cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Đối với chính quyền các tỉnh, thành phố, PCI là sự phản ánh về năng lực điều hành của chính quyền và là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Đối với các doanh nghiệp, PCI là sự phản ánh của các doanh nghiệp tư nhân về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy, là một trong những căn cứ quan trọng khi quyết định đầu tư vào địa phương.
           Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích 5.870 km2, đơn vị hành chính gồm có 6 huyện và 1 thành phố với 141 xã, phường, thị trấn (7 phường, 129 xã, 5 thị trấn) với dân số 766.872 người (tính đến tháng 12 năm 2016). Về tổng quan kinh tế Tuyên Quang còn chậm phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, cụ thể năm 2016 nhóm ngành nông, lâm nghiệp thủy sản vẫn chiếm 24,5% GDP toàn tỉnh, sử dụng 59,3% lao động. Từ lần đầu được xếp hạng năm 2006, chỉ số PCI của Tỉnh tuy không ngừng được cải thiện nhưng điểm số và xếp hạng vẫn ở mức tương đối thấp, thiếu ổn định.

 
NĂM 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016
ĐIỂM 47.21 52.13 52.09 57.92 57.90 53.67 47.81 48.98 55.20 56.81 57.43
XẾP HẠNG 60 52 37 35 34 56 62 63 50 48 45
 Bảng: Điểm số và xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2006 – 2016
(Nguồn http://www.pcivietnam.org/bang-xep-hang?f2=0&index=0&year=2016)

         
          Lần đầu tiên được đánh giá năm 2006, chỉ số PCI của Tuyên Quang xếp thứ 60, trong nhóm thấp, thì liên tiếp các năm 2008, 2009, 2010, Tuyên Quang đã vươn lên xếp thứ 34 cả nước. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2010, Tuyên Quang đứng thứ 9 trong số 27 tỉnh thành xếp loại khá trong cả nước. Đặc biệt là chỉ tiêu về Tính minh bạch đạt 6,86 điểm, xếp thứ 02 cả nước (bằng Đà Nẵng, chỉ thấp hơn Lào Cai, hai tỉnh lần lượt xếp 2 hạng đầu về PCI năm 2010).
          Tuy nhiên, từ năm 2011, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tuyên Quang đã giảm nhanh chóng, xuống hạng 56, 62 và vị trí 63 trong số 63 tỉnh thành được xếp hạng trong giai đoạn 2011 – 2013. Trong đó, năm 2011 chỉ tiêu về Tính minh bạch chỉ còn 5,53 điểm, chỉ tiêu Hỗ trợ doanh nghiệp chỉ còn 3,3 điểm. Năm 2012, thứ hạng của Tuyên Quang vẫn chưa được cải thiện, chỉ tiêu về Hỗ trợ doanh nghiệp Tính minh bạch tiếp tục giảm. Đến năm 2013, một số chỉ tiêu về Tính năng động, Hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức còn nhiều hạn chế, chỉ số PCI của Tuyên Quang xếp thứ 63/63 tỉnh thành.
          Đến tháng 9 năm 2013, Tuyên Quang có 50 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên Tuyên Quang vẫn được đánh giá là tỉnh có triển vọng trong kinh doanh, với 495/900 doanh nhiệp làm ăn có lãi, chiếm 55%, chỉ có 01% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Kết quả này khá cao so với mức bình quân 30% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trên phạm vi cả nước. Trong giai đoạn 2014 – 2015, có 17% doanh nghiệp có kế hoạch tăng quy mô sản xuất kinh doanh, chỉ có 6% doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh và 2% doanh nghiệp có kế hoạch đóng cửa.
          Nhận thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI, năm 2013, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI và kiện toàn Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 362-QĐ/UBND ngày 14/4/2017 do đồng Chí Trần Ngọc Thực Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và các đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban ngành có liên quan làm Ủy viên Ban Chỉ đạo. Tỉnh cũng ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo hoạt động này như: Kế hoạch số 36-KH/UBND ngày 27/04/2015 về Kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2015-2016;  Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch hành động số 18/KH-UBND ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị Quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ.
          Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện hàng loạt những chương trình  Cà phê doanh nhân để lãnh đạo tỉnh và sở ngành cùng lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp; thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Tuyên Quang nhằm tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tổ chức Hội nghị kết nối 8 Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, vào 27/2/2017, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh năm 2017 nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
          Nhờ những nỗ lực đó, Tuyên Quang đã cải thiện đáng kể vị trí của mình trên bảng xếp hạng PCI. Năm 2014, Tuyên Quang tăng 13 bậc, lên hạng 50/63, trong đó chỉ tiêu Gia nhập thị trường đạt số điểm cao nhất với 7,36 điểm, các chỉ tiêu Tính minh bạch, Thiết chế  pháp lý, Đào tạo lao động được cải thiện đáng kể. Năm 2016, Tuyên Quang đã tăng 3 bậc so với năm 2015, xếp hạng khá trong bảng xếp hạng. Trong đó, các chỉ tiêu về Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động không ngừng được cải thiện. Môi trường kinh doanh của tỉnh được đánh giá là khá “hấp dẫn” các nhà đầu tư, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh.
           Trong năm 2016, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cho các ngân hàng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, một số kết quả cụ thể đã triển khai thực hiện trong năm 2016: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 20 doanh nghiệp với số dư nợ là 16,280 tỷ đồng; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho 41 doanh nghiệp với số dư nợ là 3,193 tỷ đồng. Tại Hội nghị kết nối các Ngân hàng trên địa bàn đã ký cam kết cấp hạn mức tín dụng cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp với tổng số tiền là 326,4 tỷ đồng. Năm 2016, toàn tỉnh có 124 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là trên 501 tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt trên 4 tỷ đồng. Trong năm có 63 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động; 28 doanh nghiệp giải thể, tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp trên là trên 281 tỷ đồng. (Báo cáo “Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và 12 tháng năm 2016 tỉnh Tuyên Quang” ngày 22/12/2016 của Cục Thống kê Tuyên Quang)
          Tuy nhiên, Bảng xếp hạnh Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải là chỉ số tuyệt đối để đánh giá môi trường kinh doanh. Để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh điều cần thiết là phải phát hiện những điểm còn hạn chế để tiếp tục cải cách việc điều hành môi trường kinh doanh của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như:
          Thứ nhất, tập trung một đầu mối các doanh nghiệp vào một đơn vị tổ chức hội doanh nghiệp chung của tỉnh;
          Thứ hai, có kế hoạch mục tiêu tập trung cải thiện môi trường kinh doanh;
          Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính;
          Thứ tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước;
          Thứ năm, có quy chế phối hợp thống nhất, chặt chẽ hơn nữa, giải quyết các thủ tục hành chính nhà nước;
         Thứ sáu, có sự tham gia, phối hợp giữa doanh nghiệp và hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.
 
Thạc sĩ Trần Phương Linh
Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8288298

Đang Online : 1912