Nghiên cứu - Trao đổi

Một số nội dung cần lưu ý khi giảng dạy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày Đăng: 12/12/2017 22:34 Lượt xem: 377

         Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Song, sở hữu nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước là đặc trưng, giữ vai trò chủ đạo và là một trong các yếu tố quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó được khẳng định tại Khoản 1, Điều 51, Hiến pháp năm 2013 là hoàn toàn phù hợp với lý luận và thực tiễn nước ta. Văn kiện Đại hội XII tiếp tục khẳng định “ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây chính là quan điểm nhất quán xuyên suốt tất cả các kỳ đại hội của Đảng. Tuy nhiên, việc nhìn nhận thực trạng của khu vực doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả để phê phán, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước của một số ý kiến cá nhân là sai lầm. Rõ ràng việc phân biệt “ kinh tế nhà nước ” với “ doanh nghiệp nhà nước ” là rất cần thiết, không phân biệt rõ các khái niệm này hoặc đồng nhất vai trò của chúng sẽ làm ảnh hưởng tới niềm tin vào định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta xác định trong quá trình xây dựng đất nước. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy Bài 4 “Những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, với nội dung này giảng viên cần lưu ý làm rõ một số nội dung cơ bản sau:
          Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước luôn được Đảng ta  khẳng định, làm rõ và cụ thể hóa
          Từ Đại hội Đảng VI, trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần của nước ta, kinh tế nhà nước luôn được xác định giữ vai trò chủ đạo. Qua mỗi kỳ đại hội, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ngày được làm rõ và cụ thể hóa hơn.
          Đại hội VI khẳng định thành phần kinh tế - xã hội chủ nghĩa ( gồm cả khu vực quốc doanh và khu vực tập thể) giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế quốc dân và đề ra nhiệm vụ củng cố toàn diện thành phàn kinh tế này trên cả ba mặt: chế độ sở hữu, chế độ quản lý và chế độ phân phối. Tuy nhiên chưa làm rõ vai trò chi phối được hiểu như thế nào.
          Văn kiện Đại hội VII, ngoài việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh còn đưa ra những điều kiện cụ thể để thực hiện được vai trò chủ đạo: “ kinh tế quốc doanh được cũng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động  mà các thành phần kinh tế khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh. Khu vực kinh tế quốc doanh được sắp xếp lại, đổi mới công nghệ và tổ chức quản lý, kinh doanh có hiệu quả, liên kết và hỗ trợ các thành phần kinh tế khác, thực hiện vai trò chủ đạo và chức năng của một công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước2
          Đại hội VIII, lần đầu tiên cụm từ “kinh tế nhà nước” được Đảng ta sử dụng trong văn kiện Đại hội của Đảng, thay cho thuật ngữ “kinh tế quốc doanh” với nội hàm rộng hơn. Văn kiện đại hội khẳng định “tiếp tục đổi mới và phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo, làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội; mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ những thành phần kinh tế khác cũng phát triển; làm lực lượng vật chất khác để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô, tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới3
          Văn kiện Đại hội IX nêu: kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Doanh nghiệp Nhà nước giữ những vị trí then chốt, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật”. Văn kiện Đại hội X  một lần nữa khẳng định: “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”.
          Đại hội XI, XII tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, và đặt trong mối quan hệ biện chứng với cách thành phần kinh tế khác. Qua các kỳ Đại hội, nhận thức về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đã có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện về chất. Đến nay, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước về cơ bản đã được làm rõ thể hiện ở những điểm: nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội và chấp hành pháp luật; nắm vững những vị trí trọng yếu trong các ngành và lĩnh vực then chốt; dẫn dắt, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác; công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
          Việc khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo không chỉ hàm ý phân biệt hay hạn chế với các thành phần kinh tế khác mà trái lại các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cùng hợp tác phát triển lâu dài. Các thành phần kinh tế khác càng phát triển, càng đóng góp lớn vào ngân sách thì kinh tế nhà nước càng mạnh, càng thúc đẩy thành phần kinh tế nhà nước cải cách để hoàn thiện hơn, tăng cường hiệu quả để cạnh tranh.
          Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xem xét ở ba nội dung chính trị, kinh tế, xã hội bởi lý do:
          Thứ nhất, về chính trị, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Do vậy, đây sẽ là thước đo chủ yếu để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế của nước ta. Nhà nước Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước công nông của nhân dân lao động. Không củng cố và tăng cường kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân thì không thể nói tới chủ nghĩa xã hội, không thể nói tới định hướng xã hội chủ nghĩa.
          Thứ hai, về kinh tế, với tiềm lực của mình thì kinh tế nhà nước có khả năng: tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế-xã hội như hệ thống kết cấu hạ tầng để phát triển các thành phần kinh tế khác; giữ những vị trí then chốt, xương sống của nền kinh tế, từ đó chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, đảm bảo đúng định hướng đã xác định; đảm nhận các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân hoặc khu vực dịch vụ công có vốn đầu tư lớn, luân chuyển chậm, lợi nhuận không cao.... tham gia vào những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn, đi tiên phong...
          Thứ ba, về xã hội, do bản chất về mặt sở hữu và mục đích hoạt động nên thành phần kinh tế nhà nước gánh vác chức năng và vai trò xã hội to lớn, đảm nhận những ngành, những lĩnh vực tư nhân không tham gia, thực hiện sự bảo đảm công bằng giữa các vùng miền, chống đói nghèo và tụt hậu.
          Nhận thức rõ khái niệm “Kinh tế nhà nước” và “Doanh nghiệp nhà nước”
          Trước Đại hội VIII ở nước ta cụm từ  “kinh tế quốc doanh” được dùng để chỉ bộ phận kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước trực tiếp quản lý và kinh doanh. Từ Đại hội VIII đến nay, khái niệm “kinh tế nhà nước” mới chính thức được sử dụng thay thế cho khái niệm “kinh tế quốc doanh” trong các văn kiện trước đây. Nội hàm khái niệm “kinh tế nhà nước” được diễn đạt rõ hơn, bao gồm hai bộ phạn là bộ phận doanh nghiệp nhà nước và bộ phận phi doanh nghiệp hay còn gọi là nguồn lực nhà nước. Nguồn lực nhà nước bao gồm tài nguyên, đất đai, ngân sách nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia...cùng với các công cụ, cơ chế, chính sách được nhà nước sử dụng để định hướng, điều tiết nền kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy “doanh nghiệp nhà nước” không đồng nhất với “kinh tế nhà nước”, “doanh nghiệp nhà nước” chỉ là bộ phận của “kinh tế nhà nước”. Từ nhận thức đó sẽ giải quyết được vấn đề nhận thức thực tiễn và lý luận về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước góp phần tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước với sứ mệnh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường. Việc tăng giảm quy mô, số lượng, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chỉ đơn thuần phán ánh một bộ phận của kinh tế nhà nước chứ không phản ánh bản chất của kinh tế nhà nước. Do đó, “kinh tế nhà nước” giữ vai trò chủ đạo vẫn là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng, là nội dung quan trọng của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
          Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc, cần được quán triệt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị cần làm sáng tỏ quá trình phát triển của quan điểm vai trò chủ đọa của kinh tế nhà nước tính chủ đạo của kinh tế nhà nước để người học nhận thức đầy đủ về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, từ đó thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử đối với kinh tế nhà nước, không vì một bộ phận doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả mà đánh giá sai vai trò của kinh tế nhà nước đối với quá trình phát triển đất nước.
                           Thạc sĩ Đỗ Việt Hà
                             Giảng viên Khoa lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
         
          TÀI LIỆU THAM KHẢO
          1 Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tr.102
          2 Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, H.1991.
          3 Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Sự thật, H.1996.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8288312

Đang Online : 1926