Nghiên cứu - Trao đổi

Xây dựng đời sống văn hóa ở Yên Sơn

Ngày Đăng: 13/12/2017 21:48 Lượt xem: 608

          Đã từ rất lâu rồi tôi mới có dịp trở lại Yên Sơn, mảnh đất anh hùng gắn liền với những địa danh lịch sử nổi tiếng như trận Địa Lôi km 7, chiến thắng Khe Lau... Thời kỳ đổi mới cùng với sự đi lên của đất nước, dường như đất trời và con người nơi đây cũng từng bước thay da đổi thịt. Chiếc xe của đội thông tin lưu động huyện chở chúng tôi chạy bon bon trên đoạn đường mà cách đây gần chục năm lầy lội, nhà cửa vắng vẻ, đìu hiu nơi làng quê miền núi nay đã như chìm sâu vào quá khứ. Giờ đây, đến Yên Sơn tôi đang đi giữa một thị tứ sầm uất của huyện Yên Sơn, dọc hai bên đường san sát những ngôi nhà mái bằng, mái lệch, xa xa là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Tiết trời vào thu se se lạnh, ngồi nhấp chén trà nóng trên môi, cảm nhận được vị đăng đắng, chan chát, ngòn ngọt - hương vị đặc trưng của trà Mỹ Lâm. Trò chuyện thân mật với đồng chí Hoàng Quang Thế, Giám đốc Trung tâm văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện chúng tôi được biết thêm nhiều điều về đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Yên Sơn.
          Yên Sơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Tuyên Quang, có tổng diện tích tự nhiên là 113.425,86 ha. Toàn huyện có 40.333 hộ với 157.565 nhân khẩu gồm 22 dân tộc anh em (trong đó dân tộc Kinh chiếm trên 60% dân số) sống  tại 30 xã, 1 thị trấn với 471 thôn bản, tổ dân phố (có 3 xã vùng cao, 7 xã vùng sâu, vùng xa).  Trong những năm qua huyện đặc biệt chú trọng tới việc đưa văn hoá thông tin về cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất cho các xã. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì, phát triển rộng khắp.  Ở các xã vùng sâu, vùng xa, chất lượng biểu diễn được nâng lên. Toàn huyện hiện có 465 đội văn nghệ quần chúng với 13.500 diễn viên, bình quân mỗi năm tổ chức biểu diễn 2.000 buổi văn nghệ quần chúng, trình diễn trên 38.000 tiết mục phục vụ hơn 2.000.000 lượt người xem. Từ phong trào văn nghệ cơ sở đã tuyển chọn đuợc nhiều diễn viên tham gia các hội diễn của tỉnh đạt kết quả cao như: Xuân Sóng xã Thắng Quân; Xuân Thủy xã Đội Bình, Thanh Tuyền xã Tân Long ... Ngược trở lại với dòng thời gian những năm 70 của thế kỷ trước nhắc đến Yên Sơn người ta thường ví đây chính là cái nôi đào tạo ca sỹ, nghệ sỹ chuyên nghiệp mà  chính nơi đây đã ươm giống, phát hiện và nuôi dưỡng những mầm non nghệ thuật của đất nước. Như nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến (xã Trung Môn) hay diễn viên điện ảnh Thu Hà...cũng trưởng thành từ phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, từng là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa _Thông tin _Thể thao và đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả truyền hình trong nước.
          Xác định rõ mục tiêu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc anh em chính là một trong những thế mạnh của mảnh đất anh hùng nên trong những năm qua dưới sự chỉ đạo trực tiếp của huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện , hàng năm đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy vốn văn hoá cổ truyền . Trong các cuộc hội diễn toàn huyện những bài hát, điệu múa dân tộc truyền thống được đánh giá rất cao, ban tổ chức khuyến khích các nghệ nhân  những bài hát, điệu múa của dân tộc mình. Thông qua các cuộc hội diễn đã sưu tầm được các làn điệu hát múa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc như: hát “Páo Dung ’’của dân tộc Dao, hát sình ca Cao Lan, múa Quy phục gà thần của dân tộc Dao Thanh Y... Ai đã một lần được xem diệu múa “ Cầu mùa’’ của đồng bào dân tộc Dao quần trắng xã Lang Quán biểu diễn không khỏi ngỡ ngàng và mong muốn được xem lại trước sự lôi cuốn như hút hồn của điệu múa, hay bị cuốn theo tiếng sáo ngọt ngào của đồng bào dân tộc Mông trong màn múa hát gọi bạn tình, được đắm mình trong câu hát làm say đắm lòng người của điệu sình ca Cao Lan.... Tất cả những tiết mục có giá trị văn hóa tinh thần vô giá ấy đều được  quay camera lưu giữ cẩn thận để làm tài liệu nghiên cứu tham khảo. Những nghệ nhân tiêu biểu của các xã cũng được cán bộ nghiệp vụ lập thành hồ sơ theo dõi sự phát triển cũng như trưởng thành của mỗi nghệ nhân, từ đó có kế hoạch gửi các nghệ nhân  đào tạo nâng cao  mở các lớp học và mời các nghệ nhân tiêu biểu tham gia dạy học cho con em nhằm khai thác và lưu giữ vốn văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. 
 
          Hiện nay, toàn huyện có 15 câu lạc bộ (CLB)  gia đình văn hóa với gần 400 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Trong 6 tháng đầu năm 2017 các CLB trên đã tổ chức sinh hoạt 100 buổi. Phần lớn các CLB đều hoạt động theo phương thức tự nguyện và tuân theo quy chế đề ra, sinh hoạt theo chủ đề hàng tháng như: nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, ngày gia đình Việt Nam 28/6... kết hợp biểu diễn văn nghệ do đó thu hút đông đảo hội viên đến tham gia sinh hoạt. Một số CLB Gia đình văn hóa tiêu biểu như câu lạc bộ xã Mỹ Bằng; CLB xóm 17 xã Trung Môn, các hội viên đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng mua sắm trang thiết bị như tăng âm, loa, máy, đàn, sáo, nhị... biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân ngay tại cơ sở. Thông qua các buổi sinh hoạt các thành viên được trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất, giúp nhau cùng tiến bộ xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
          Trao đổi với chúng tôi đồng chí Hoàng Quang Thế cho biết  đạt được những kết quả nhất định trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá của huyện là do, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện,  đã chỉ đạo Trung tâm chủ động tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đến mọi tầng lớp nhân dân trong huyện. Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa phải vì mục tiêu phát triển toàn diện con người, hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, người dân thấm nhuần và thấy được vai trò tích cực của việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần nên tự giác thực hiện.
          Trong những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương trên cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Ngoài ra  Trung tâm văn hóa _ Thông tin_ Thể thao còn tập trung triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ nhằm duy trì tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ như: đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để tổ chức những hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân; đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật; khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương; không ngừng đổi mới việc tổ chức các  hoạt động tại chỗ để thu hút đông đảo quần chúng tham gia; tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật chú trọng việc xây dưng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và thị hiếu của xã hội ...
          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với những thành tích đã đạt được tin rằng Yên Sơn sẽ mãi là một trong những huyện đi đầu trong phong trào văn hoá văn nghệ của tỉnh Tuyên Quang và xứng đáng với danh hiệu miền quê Văn hóa.
                                                               Nguyễn Thị Khánh Anh
                                                              Giảng viên khoa Dân Vận

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8288227

Đang Online : 1841