Nghiên cứu - Trao đổi

Một số trao đổi về sử dụng hiệu quả kiến thức thực tế trong giảng dạy lý luận chính trị

Ngày Đăng: 22/12/2017 16:29 Lượt xem: 399

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc lý luận phải gắn liền với thực tế, người thường căn dặn: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”[1]. “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” [2]. “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách” [3]. “Người biết lý luận mà không thực hành thì cũng vô ích” [4]v.v... Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng đã nhấn mạnh phải “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”. Do đó, nghiên cứu thực tế vừa là nhu cầu, vừa là nhiệm vụ quan trọng ở các trường chính trị. Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế góp phần bổ sung, cập nhật các thông tin, kiến thức sinh động làm phong phú thêm cho nội dung bài giảng. Kiến thức thu nhận từ thực tế góp phần chứng minh sự đúng đắn của kiến thức lý luận đồng thời là cơ sở để tổng kết và khái quát thành lý luận. Vì vậy, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thực tế và tăng cường sử dụng các kiến thức thực tế vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
          Sử dụng kết quả của hoạt động nghiên cứu thực tế trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là một khâu quan trọng, vì mục đích cuối cùng của hoạt động nghiên cứu thực tế là có được nguồn tư liệu, số liệu làm dẫn chứng minh họa, làm sáng tỏ cho kiến thức lý luận trong bài giảng. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, theo tôi giảng viên cần:
          Thứ nhất, kiến thức thực tế thu thập được cần phải được phân loại, sàng lọc, xử lý trước khi đưa vào bài giảng. Kiến thức thực tế qua quá trình thu thập thường đa dạng, phong phú dưới dạng văn bản (tài liệu, báo cáo, số liệu, bảng biểu…), dạng file (hình ảnh, video, ghi âm…), các thông tin ghi chép được qua phỏng vấn, trao đổi… Do đó trước khi đưa vào bài giảng giảng viên cần phân loại để đưa vào mục nào, phần nào, cách thức minh họa ra sao cho phù hợp. Các nội dung kiến thức thực tế đưa vào bài giảng phải đảm bảo tính chính xác, có chú thích nguồn rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy.
          Thứ hai, kiến thức thực tế đưa vào bài giảng phải góp phần làm rõ, minh chứng, bổ sung cho kiến thức lý luận. Việc lựa chọn kiến thức thực tế đưa vào bài giảng phải sát với kiến thức lý luận, tránh việc đưa nội dung kiến thức lý luận một đằng, dẫn chứng ví dụ một nẻo; hoặc kiến thức thực tế chung chung không có giá trị làm rõ, chứng minh cho sự đúng đắn của kiến thức lý luận. Nếu kiến thức lý luận đã lạc hậu so với thực tế thì giảng viên cần phải chỉ ra được nguyên nhân và chứng minh được thực tế đã phát triển phù hợp với quy luật và đề xuất giải pháp để bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với quá trình vận động của thực tế.
          Thứ ba, kiến thức thực tế đưa vào bài giảng cũng cần phải chọn lọc, đó là những dẫn chứng điển hình, tiêu biểu có sức thuyết phục cao. Kiến thức thực tế giảng viên thu thập được thường rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên không phải kiến thức nào cũng có thể đưa vào bài giảng. Để bài giảng có sức thuyết phục và gây ấn tượng cho người học thì những số liệu, bảng biểu, câu chuyện phải điển hình, có sức lan tỏa, là tấm gương để toàn xã hội noi theo. Bên cạnh đó kiến thức thực tế minh họa phải phong phú, đa dạng như: Hình ảnh, video, bảng biểu… được sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu trình bày trên phần mềm trình chiếu powerpoint tạo nên sự sinh động, cuốn hút đối với học viên, làm tăng hiệu quả sử dụng trong bài giảng.
          Thứ tư, kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế còn phải được sử dụng triệt để trong các công trình nghiên cứu của giảng viên như viết bài Thông tin Lý luận và Thực tiễn, báo trung ương, địa phương, đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa… Giảng viên vận dụng tốt những kiến thức, số liệu, nguồn tư liệu thu nhận được từ nghiên cứu thực tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức từ đó nâng cao chất lượng giảng viên.
          Trên đây là một số nội dung về sử dụng hiệu quả kiến thức thực thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị, xin được trao đổi cùng các đồng chí.
 Cử nhân Trần Thị Phượng
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2004, t, 5, tr. 249.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2004, t, 5, tr. 235.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2004, t, 5, tr. 234.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H2004,, T,6, tr. 46 - 47.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286801

Đang Online : 410