Nghiên cứu - Trao đổi

Sơn Nam - điểm sáng của công tác giảm nghèo

Ngày Đăng: 25/12/2017 9:42 Lượt xem: 846

          Sơn Nam là một xã nằm ở phía Nam của huyện Sơn Dương, phía Bắc giáp xã Tuân Lộ, phía Đông giáp xã Thiện Kế, phía Tây giáp xã Đại Phú huyện Sơn Dương; phía Nam giáp xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Sơn Nam thuộc vùng II, tổng có 24 thôn, trong đó có 03 thôn đặc biệt khó khăn. Tổng diện tích đất tự nhiên là 2.025,6 ha; tổng số hộ là 2.344 hộ và số khẩu là 9.381 khẩu; có 06 dân tộc sinh sống từ lâu đời. Là một trong những xã điều kiện kinh tế còn khó khăn của tỉnh Tuyên Quang.
          Nhìn lại chặng đường sau khi thực hiện Chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 291/KH-UBND ngày 14/9/2017 của Ủy ban nhân dân huyện về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017; sau khi rà soát đã thu được những kết quả đáng đáng mừng về công tác giảm nghèo; đây được coi là điểm sáng cho các xã thuộc huyện Sơn Dương học tập triển khai. Trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân xã Sơn Nam, sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ xã đến thôn, vận động nhân dân các dân tộc trong xã phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tinh thần đoàn kết để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Nhờ đó bộ mặt xã miền núi như Sơn Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
          Với phương châm làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là :“Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”[1], chính quyền xã Sơn Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng con, cây giống có chất lượng năng suất cao vào nuôi trồng. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên mở lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi và trồng trọt, hướng dẫn cách thức gieo trồng, nuôi dưỡng chăm sóc đối với một số cây trồng vật nuôi đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đặc biệt hơn như: Ếch, thỏ, baba,... cây nhãn, cây ổi... nhằm từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững.
          Một trong cách làm hay của chính quyền xã đó là thường xuyên ra soát số hộ nghèo, cử cán bộ xã đến từng hộ nghèo tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo, từ đó tìm ra phương án giúp các gia đình thoát nghèo. Ngoài ra còn quan tâm hỗ trợ về nhà ở, giống cây sản xuất; cùng với đó chính quyền xã còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Điển hình như hộ ông: Hoàng Văn Tùng thôn Khoan Lư vay vốn mở trang trại chăn nuôi lợn số lượng lớn đến nay gia đình ông đã thoát nghèo.
          Với lợi thế về địa hình xã nằm bên sông Phó Đáy hàng năm có lượng phù sa bồi đắp rất thích hợp cho việc sản xuất rau, với điều kiện đó vườn rau “sạch, an toàn” được triển khai và ngày càng nhân rộng; chính quyền xã đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng tới việc đưa các loại cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng tại địa phương. Cùng với lĩnh vực trồng trọt thì việc phát triển chăn nuôi cũng được người dân chú trọng. Nhiều hộ gia đình ở Sơn Nam đã phát triển kinh tế trang trại kết hợp việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Song song với phát triển kinh tế cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm đến vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, chỉ riêng năm 2017 số thôn có nhà văn hóa khang trang chiếm 85% nhờ vốn hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình xây dựng Nông thôn mới và nhân dân đóng góp.
          Bên cạnh đó, nhờ có sự quy hoạch cụm công nghiệp Sơn Nam với Nhà máy chế biến cao lanh, Fenspat của Công ty TNHH Feldspar An Bình; Nhà máy chế biến barite do Công ty cổ phần Vân Sơn; Nhà máy chế biến barite của Công ty TNHH 27-7...chính quyền xã chủ động liên hệ các nhà mày tiếp nhận lao động trong xã nhằm giải quyết việc làm cho đông đảo con em trong xã, trong đó có rất nhiều lao động thuộc hộ nghèo, giúp họ tăng thêm thu nhập.
          Từ những chủ trương, chính sách của xã đã phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước với tuyên truyền người dân tự giác nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo. Vì thế mà năm 2017 xã có tổng số hộ nghèo là 283 hộ đến cuối năm số hộ nghèo đã giảm là 71 hộ, tăng 17 hộ và hiện nay toàn xã tính đến tháng 10 năm 2017 tổng số hộ nghèo chỉ còn 229 hộ. Thu nhập bình quân đầu người được tăng lên.
          Mặc dù đã có những kết quả đáng kể song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết như: Một bộ phận người nghèo vẫn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo; chưa có nhiều lớp tập huấn cho người dân về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Vì vậy, để phát huy những mặt đạt được cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như:
           Một là, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng.
         Hai là, kịp thời tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật chuyên đề cho các hộ nghèo thiếu kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi tại xã và các thôn có hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao trong toàn xã.
          Ba là, đối với các hộ nghèo thiếu đất, dư thừa lao động, tổ chức vận động đi lao động trong nước và ngoài nước.
          Bốn là, xây dựng mô hình vượt nghèo điển hình để nhân ra diện rộng.
          Năm là, tiếp tục phối hợp với uỷ ban  MTTQ xã tổ chức triển khai tốt phong trào xây dựng quỹ “vì người nghèo” và tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân hưởng ứng, ủng hộ xây dựng quỹ và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” hằng năm đạt kết quả cao.
          Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo đã thu được kết quả quan trọng, kinh tế của xã đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Kết quả thực hiện giảm nghèo ở xã Sơn Nam đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo của toàn tỉnh đạt hiệu quả cao nhất trong những năm tới.
Trần Thị Phượng
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
 
 

[1] HCM toàn tập tập5 tr62, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8022291

Đang Online : 4441