Nghiên cứu - Trao đổi

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TUYÊN QUANG - 59 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày Đăng: 6/6/2016 9:35 Lượt xem: 307

Cách đây 59 năm, ngày 6/6/1957, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ra Nghị quyết số 84-NQ/TU về thành lập Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang, quyết định đồng chí Dương Văn Phúc, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm Hiệu trưởng. Nghị quyết nêu rõ: " Trường Đảng xem là một ban chuyên môn của Tỉnh ủy để làm công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên, cán bộ". Nhiệm vụ của Trường Đảng là cơ quan giúp việc cho Tỉnh ủy trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, quan điểm, những vấn đề về xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cho đội ngũ cán bộ, cấp ủy viên cơ sở trong toàn tỉnh. Trường được Tỉnh ủy bàn giao lại khu Giao tế của tỉnh ở khu vực Cổng Lấp, gần chân núi Thổ Sơn với cơ sở vật chất gồm một hội trường có sức chứa 250 người và 04 nhà 8 gian dành cho các lớp học; 01 nhà làm việc của Ban Hiệu ủy và cán bộ nhà trường và khu nhà bếp, nhà ăn cho học viên. Tổ chức bộ máy của nhà trường được bố trí thành hai bộ phận: Bộ phận giáo vụ và bộ phận hành chính với khoảng 20 cán bộ. Cuối năm 1957, chi bộ Đảng và công đoàn cơ sở Trường Đảng được thành lập. Nhà trường bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Lớp học đầu tiên chiêu sinh gồm 80 học viên, gồm các đồng chí là bí thư chi, đảng bộ cơ sở, chủ tịch ủy ban hành chính xã, cán bộ chủ chốt cấp xã, trưởng, phó phòng các cơ quan cấp tỉnh, huyện…Nội dung đào tạo theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương và Tỉnh ủy Tuyên Quang.
Năm 1963, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các trường Hành chính, trường Nông thôn đã sáp nhập với Trường Đảng tỉnh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường. Các hình thức đào tạo được mở rộng, số lớp và số học viên được tăng thêm. Thời kỳ chiến tranh, trường đã phải sơ tán về thôn Hoàng Pháp, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn và một số địa điểm khác. Mặc dù còn nhiều khó khăn, cán bộ, giáo viên đã hết sức cố gắng, số lượng và chất lượng học viên đào tạo, bồi dưỡng đều được nâng cao.
Thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội,  thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V về việc hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang và Trường Đảng tỉnh Hà Giang hợp nhất thành Trường Đảng tỉnh  Hà Tuyên. Trường được chia làm hai phân hiệu, phân hiệu I ở thị xã Tuyên Quang và phân hiệu II ở thị xã Hà Giang. Đội ngũ cán bộ, giáo viên và học viên của nhà trường không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng không chỉ mở tại trường mà còn tại các huyện xa xôi nhất của tỉnh như Xín Mần, Hoàng Xu Phì, Vị xuyên, Bắc Mê, Na Hang…
Năm 1991, sau khi tách tỉnh Hà Tuyên thành Tuyên Quang và Hà Giang, Trường Đảng tỉnh Hà Tuyên đổi tên thành Trường Đảng tỉnh Tuyên Quang. Năm 1992, Tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 28 - QĐ/TU ngày 28/4/1992 thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh trên cơ sở hợp nhất 4 trường: Trường Đảng tỉnh, Trường Hành chính tỉnh, Trường Phổ thông lao động tỉnh và Trường Dân vận tỉnh. Cơ sở đặt tại Trường Đảng tỉnh, thời điểm đó là xóm 36, xã Ỷ La, thị xã Tuyên Quang. Về tổ chức bộ máy gồm có Ban Giám hiệu và 6 khoa, 2 phòng. Đội ngũ giảng viên được tăng cường. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng.
Năm 1994, thực hiện Quyết định số 265/QĐ-TU ngày 19/10/1994 của Tỉnh ủy, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh.
 Trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tuyên Quang không ngừng đổi mới, góp phần quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Từ khởi điểm mới có khoảng 20 cán bộ, giáo viên, đến nay nhà trường đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo gồm 54 đồng chí, công tác tại 4 khoa, 3 phòng. Ban Giám hiệu gồm 04 đồng chí. Đội ngũ giảng viên gồm 42 đồng chí, trong đó có 69% có trình độ thạc sĩ, 01 đồng chí đang nghiên cứu sinh. Cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị đầy đủ với 01 Hội trường 400 chỗ, 10 phòng học rộng rãi, có đủ các điều kiện phục vụ học tập. Có khu nhà làm việc của Ban Giám hiệu và giảng viên. Thư viện có phòng đọc với 1.984 đầu sách, 10 đầu báo, 9 đầu tạp chí…; Khu  nhà ăn 600 chỗ phục vụ học viên…Hàng năm, nhà trường đều hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được giao. Nhiều thế hệ học viên của Nhà trường đã và đang giữ những vị trí cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tính từ năm 1991 đến hết năm 2015, nhà trường đã đào tạo 10.420 học viên trung cấp lý luận chính trị và trung cấp lý luận chính trị - hành chính; tổ chức bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính cho 835 học viên, bồi dưỡng chuyên viên cho 5.063 học viên, bồi dưỡng cán sự cho 1.091 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 2.677 trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; 871 bí thư, phó bí thư Đảng ủy và người đứng đầu các tổ chức chính trị, xã hội…và nhiều chương trình bồi dưỡng khác. Nhà trường còn thực hiện nhiệm vụ  phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I quản lý khoảng hơn 800 học viên cao cấp lý luận chính trị và Cao cấp lý luận chính trị - hành chính. Trong năm 2016, nhà trường tiếp tục tổ chức 16 lớp với 1.535 học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Trong giảng dạy và học tập, Ban Giám hiệu nhà trường đã quan tâm chỉ đạo đội ngũ giảng viên đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc học lý luận. Đội ngũ giảng viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức thường xuyên. Đến hết năm 2015, nhà trường có 18 giảng viên dạy giỏi các cấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường được chú trọng. Từ năm 2010 đến nay, đã thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, trong đó 02 đề tài đã nghiệm thu; 27 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; 08 đề tài khoa học cấp khoa. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và ngày sinh các lãnh tụ. Hàng năm các khoa, phòng, giảng viên đều nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế theo hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường những năm qua, Trường Chính trị Tuyên Quang đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Nội vụ, Cờ thi đua, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giảng viên dạy giỏi các cấp.
Tự hào về truyền thống 59 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường, trong thời gian tới, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hàng năm. Thực hiện " nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn…" theo tinh thần Nghị quyết XVI Đảng bộ tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
                                                                                         Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                                                                                                 Phó Hiệu trưởng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290433

Đang Online : 402