Nghiên cứu - Trao đổi

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH

Ngày Đăng: 13/6/2016 15:55 Lượt xem: 409

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở của các Trường Chính trị tỉnh, thành phố thuộc hệ thống Học viên đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Ngày 21/4/2016 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã Ban hành Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG v/v ban hành bộ quy chế Quản lý đào tạo của Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016). Trong đó có Quy chế Tuyển sinh đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Quy chế Tuyển sinh theo Quyết định số 1855 có những điểm mới và khác cả về đối tượng và quy trình xét tuyển so với Quy chế Chiêu sinh theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, về tên quy chế
Theo Quyết định số 268 thì là Quy chế “Chiêu sinh” còn Quyết định số 1855 là Quy chế “Tuyển sinh”. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “chiêu sinh” được hiểu là tuyển học sinh vào trường hay chiêu tập học sinh vào trường học, “tuyển sinh” được hiểu là lựa chọn học sinh vào các trường. Như vậy, có thể thấy nội hàm của hai tên quy chế là khác nhau: Chiêu sinh ở đây có thể được hiểu là công tác chiêu mộ, thông báo để cho người có nhu cầu biết và đăng kí học với nhà trường, tức là đối tượng được chiêu sinh sẽ không phải qua xét tuyển, sàng lọc. Còn tuyển sinh được hiểu là việc tổ chức lựa chọn người học vào để đào tạo của cơ sở đào tạo, dựa trên các quy định đã được cơ quan có thẩm quyền quy định và công nhận. Như vậy đối tượng được tuyển sinh phải trải qua quá trình xét tuyển, lựa chọn theo đúng quy định. Với quy chế mới công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường sẽ thuận lợi hơn, ý thức trách nhiệm của người học sẽ được nâng cao.
Thứ hai, về đối tượng tuyển sinh
Trong Quy chế Chiêu sinh ban hành kèm theo Quyết định số 268 thì đối tượng tuyển sinh là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở tương đương và dự nguồn; trưởng phó phòng, ban của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trưởng, phó trưởng phòng, ban thuộc sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đương chức và dự nguồn. Ngoài đối tượng trong 268 quy định thì Quyết định số 1855 mở rộng thêm đối tượng tuyển sinh “là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn địa phương”. Như vậy so với đối tượng được quy định trong 268 thì đối tượng theo quy chế mới được mở rộng hơn. Đó chính là cơ hội để cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở được đi đào tạo để nâng cao trình độ lý luận chính trị, kỹ năng xử lý trong quản lý hành chính nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong điều kiện dự tuyển theo quy chế mới chỉ rõ những người không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự và kỷ luật. Với điểm này đã quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về đối tượng được tham gia dự tuyển.
Thứ ba, về quy trình tuyển sinh
Quy trình tuyển sinh được quy định trong Quyết định 1855 được tiến hành một cách khoa học hơn, chặt chẽ hơn và đảm bảo đủ các quy trình, tạo nên sự đồng bộ, liên tục và thống nhất trong quá trình tuyển sinh, cụ thể:
Bước 1 Thành lập Hội đồng tuyển sinh
Hội đồng tuyển sinh được thành lập để điều hành các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh. Với việc thành lập Hội đồng tuyển sinh, công tác tuyển sinh không còn chỉ là nhiệm vụ riêng của các trường mà còn có sự tham gia trực tiếp của các Ban Đảng của tỉnh, các huyện, thành phố, cụ thể là Ban Tổ chức tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy. Như vậy, công tác tuyển sinh được diễn ra chặt chẽ, khép kín, đối tượng tuyển sinh được xét tuyển đảm bảo tính khách quan, đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Bước 2. Thực hiện tuyển sinh
Thứ nhất, thông báo tuyển sinh được gửi về các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện trước khi khai giảng 60 ngày. Như vậy, so với quy chế trước thì quy chế mới quy định thời gian để các đơn vị đăng kí là dài hơn (quy chế trong 268 là 30 ngày). Chính việc thời gian đăng kí được kéo dài sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị chủ động tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch một cách kĩ lưỡng, đảm bảo cử người đi học đúng đối tượng và yêu cầu công việc đặt ra.
Thứ hai, tiếp nhận hồ sơ chính là khâu tổng hợp nhu cầu đăng kí xét tuyển của các đơn vị, từ đó xây dựng kế hoạch xét tuyển một cách chủ động.
Thứ ba, xét hồ sơ dự tuyển: đây chính là quá trình lựa chọn người đi đào tạo đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định.
Thứ tư, thông báo kết quả xét tuyển để cấp có thẩm quyền ra quyết định cử người đi học.
Thứ năm, tiếp nhận quyết định cử người đi học.
Thứ sáu, gửi giấy báo nhập học cho người trúng tuyển trước khi nhập học 30 ngày, như vậy người trúng tuyển sẽ có thời gian sắp xếp, bàn giao công việc của cơ quan, gia đình một cách hợp lý, đảm bảo tham gia học tập đúng kế hoạch, quy định của khóa học.
Thứ bảy, nhập học là công việc cuối cùng trong quá trình thực hiện tuyển sinh, qua đó đánh giá, tổng hợp số người đến nhập học có đảm bảo đủ theo thông báo không, để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Như vậy với 7 khâu, quy trình tuyển sinh theo quy chế mới đảm bảo về mặt pháp lý, hợp lý về mặt thời gian để các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Lê Minh Phương
Phòng Đào tạo
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290414

Đang Online : 383