Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm lưu ý khi sử dụng phương pháp hỏi - đáp trong giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày Đăng: 16/6/2016 15:40 Lượt xem: 346

          Trong giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy và học đang được coi là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài phương pháp thuyết trình là một phương pháp truyền thống đã có nhiều phương pháp dạy học tích cực được sử dụng  rất có hiệu quả. Với đặc thù phương pháp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay là "Áp dụng phương pháp dạy, học tích cực để phát huy vai trò chủ đạo của giảng viên, tính chủ động, sáng tạo của  học viên trong học tập, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của học viên vào việc phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề. Chú trọng sự tương tác trong quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện của giảng viên và học viên" [1] thì phương pháp hỏi - đáp là một phương pháp dạy học tương đối có hiệu quả và cũng được sử dụng khá phổ biến trong giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. 
Trao đổi giữa giảng viên và học viên trong một giờ học tại lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính K90
Trong hoạt động giảng dạy, phương pháp hỏi - đáp được sử dụng nhằm kích thích và huy động năng lực tư duy, tính sáng tạo của học viên. Qua hỏi đáp, học viên có cơ hội bộc lộ quan điểm của mình để cùng trao đổi, thảo luận với các học viên khác hay với chính giảng viên về một vấn đề và giảng viên có thể đánh giá được kiến thức và năng lực của học viên để tìm ra được phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả. Phương pháp hỏi - đáp làm thay đổi trạng thái tiếp nhận thông tin, tăng khả năng tập trung và tham gia của học viên, học viên phát triển được kỹ năng nói, trình bày, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định. Đây là một phương pháp khá quen thuộc đối với phần lớn giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và được thực hiện dưới 2 hình thức: Giảng viên hỏi, học viên trả lời; giảng viên và học viên cùng trao đổi. Phương pháp hỏi - đáp được thực hiện theo các bước :
- Giảng viên thuyết trình ngắn một vấn đề trong nội dung bài giảng.
- Giảng viên nêu câu hỏi, nêu vấn đề và để thời gian cho học viên suy nghĩ và trả lời.
-  Bình luận hoặc trao đổi về các câu trả lời của học viên.
- Giảng viên đánh giá và đưa ra kết luận.
Cũng như  các phương pháp dạy học khác đều có những ưu điểm và hạn chế , khi thực hiện phương pháp hỏi - đáp, giảng viên sẽ gặp một số khó khăn nhất định  cần lưu ý để khắc phục như sau :
Thứ nhất: Sự tích cực tham gia giữa các học viên trong lớp sẽ không đều nhau.
Có thể nói đây là một khó khăn lớn vì hiện nay, các lớp học có số lượng học viên tương đối đông, trong khoảng từ 70 đến 100 học viên, các bài giảng trong chương trình có khối lượng kiến thức nhiều trong khi thời gian giảng trên lớp giới hạn (396 tiết cho 80 bài giảng) do đó thời gian dành cho việc hỏi - đáp trong một tiết học không nhiều vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học viên trong lớp không tham gia trao đổi bài mà dựa dẫm, ỷ lại vào số ít học viên tích cực.
          Thứ hai: Trong nhiều năm gần đây, đối tượng học viên ở một số lớp có trình độ chuyên môn khá cao, tương đối đồng đều song tuổi đời công tác của đa số học viên còn trẻ do vậy kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, một số học viên vì nhiều lý do nên kiến thức cơ bản không chắc nên sẽ gặp khó khăn khi thực hiện phương pháp hỏi - đáp, rất khó để khai thác kiến thức ở những học viên này.
          Thứ ba: Phương pháp dạy học thuyết trình từ lâu đã sử dụng trong giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính và trở thành một phương pháp dạy học truyền thống. Bên cạnh những ưu điểm dễ nhận thấy như có thể truyền đạt một khối lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn, phù hợp với lớp học đông nhưng hạn chế của phương pháp này là học viên sẽ rất mệt mỏi khi phải ngồi lắng nghe mà không được chủ động tham gia vào bài giảng, không có cơ hội đóng góp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình. Đối với giảng viên dù đã chủ động về nội dung, thời gian những cũng không tránh khỏi mệt mỏi khi chỉ sử dụng phương pháp này. Kết quả là học viên sẽ dần trở nên thụ động nên khi thực hiện phương pháp hỏi - đáp để kích thích sự sáng tạo, tích cực của học viên tham gia vào bài giảng sẽ là điều không dễ dàng.
          Thứ tư: Trong quá trình hỏi - đáp, một tình huống rất dễ xảy ra là do học viên quá sôi nổi khi thảo luận về một vấn đề nào đó mang tính đối nghịch, những vấn đề có tính chất nhạy cảm đang được dư luận quan tâm. Nếu giảng viên không kiểm soát và quản lý tốt lớp học sẽ dẫn đến tình trạng lớp học ồn ào, hỗn loạn, dễ dẫn đến tranh luận thành tranh cãi.
          Thứ năm: Ở một số lớp học, học viên phần lớn là cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số học viên là viên chức ở các đơn vị sự nghiệp có trình độ chuyên môn khá cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú trong khi một số giảng viên kiến thức thực tiễn chưa nhiều nên có tình huống học viên đưa ra câu hỏi thắc mắc hay chưa rõ liên quan đến nội dung bài giảng hoặc đưa ra vấn đề thực tiễn mà học viên quan tâm, giảng viên lúng túng và giải đáp không thỏa đáng với mong muốn của học viên.
          Ngoài những ưu điểm của phương pháp hỏi - đáp như bài viết đã nêu, trong thực tế giảng dạy khi thực hiện phương pháp này còn có một số khó khăn trên. Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi giảng viên khi lựa chọn phương pháp dạy học hỏi - đáp đều phải tìm ra cách thức phát huy tối đa ưu điểm của phương pháp và hạn chế những nhược điểm, khắc phục những khó khăn, cản trở và kết hợp với sử dụng các phương pháp dạy học khác một cách thành thạo, hợp lý thì việc giảng dạy mới đạt hiệu quả cao. Do vậy để giải quyết những khó khăn khi thực hiện phương pháp dạy học hỏi - đáp, giảng viên nên chú ý một số vấn đề sau:
          - Giảng viên phải xác định được mục tiêu muốn đạt được khi nêu vấn đề hoặc câu hỏi để học viên trả lời và chọn lựa vấn đề, câu hỏi phù hợp với nội dung bài giảng, đối tượng học viên và dành thời gian thích hợp để học viên suy nghĩ và trả lời. Khi chuẩn bị giáo án bài giảng, giảng viên nên chuẩn bị nội dung các câu hỏi hoặc các vấn đề đưa ra thảo luận trên lớp đồng thời dự kiến các phương án trả lời của học viên cũng như nội dung giải đáp của mình trong trường hợp học viên không trả lời được.
          - Khi học viên trả lời câu hỏi hoặc thảo luận vấn đề giảng viên phải khéo léo ứng xử khi có học viên trả lời sai, hoặc viên không trả lời được mà không làm cho học cảm thấy e ngại, tự ti đồng thời động viên khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của các học viên khác.
- Khi thực hiện phương pháp hỏi - đáp giảng viên phải có tầm bao quát hơn so với khi áp dụng các phương pháp khác. Không chỉ kiểm soát lớp về không khí lớp học (sôi nổi hay trầm lặng) , mà giảng viên còn phải kiểm soát cả về nội dung cuộc trao đổi, thảo luận, tránh không để dẫn tới tình trạng sa đà, lệch hướng với nội dung bài giảng và định hướng vấn đề cần trao đổi.
          - Để khắc phục tình trạng học viên thu động, ỷ lại, không tích cực làm việc thì giảng viên khuyến khích, động viên sự tham gia của những học viên này bằng cách đặt ra những câu hỏi cụ thể hoặc đưa ra gợi ý và chỉ định đích danh những học viên đó trả lời.
          - Với những vấn đề thực tiễn có tính chất nhạy cảm đang được dư luận quan tâm, khi trao đổi sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau và cuộc tranh luận rất dễ trở thành tranh cãi do đó giảng viên phải định hướng trả lời cho học viên đồng thời làm chủ lớp học.
  - Hiện nay phòng học được bố trí chỗ ngồi theo hàng, sẽ mất nhiều thời gian để xếp lại chỗ ngồi thuận lợi cho trao đổi do vậy để tạo ra sự gần gũi, rút ngắn khoảng cách giữa giảng viên và học viên và ngay cả giữa các học viên với nhau thì giảng viên nên đi xuống từng dãy bàn nơi có học viên phát biểu ý kiến, không nên chỉ đứng trên bục giảng.
          Phương pháp hỏi - đáp là một phương pháp dạy học không khó để áp dụng dù cần phải lưu ý một số vấn đề như bài viết đã nêu. Đây là một trong những phương pháp dạy học tích cực có thể áp dụng đối với các loại hình lớp học và trên thực tế đã phát huy hiệu quả khá rõ. Để hoạt động giảng dạy và học tập Trung cấp lý luận chính trị - hành chính đạt hiệu quả cao thì việc sử dụng các phương pháp dạy học nói chung và phương pháp hỏi - đáp nói riêng không chỉ đơn thuần là khoa học mà còn là nghệ thuật trong hoạt động giảng dạy của mỗi giảng viên.
Đỗ Thu Hương 
 Phó Hiệu trưởng
 
 

[1] Hướng dẫn thực hiện Chương trình đào tạo Trung cấp LLCT- HC ( chỉnh sửa, bổ sung)
Vụ các TCT, HVCTQG Hồ Chí Minh

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290239

Đang Online : 208