Nghiên cứu - Trao đổi

Vai trò của báo chí cách mạng trong giai đoạn hiện nay

Ngày Đăng: 17/6/2016 11:44 Lượt xem: 425

Luật Báo chí năm 2016 quy định chức năng Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

              Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - một tổ chức yêu nước Việt Nam đầu tiên đi theo con đường cách mạng vô sản, đồng thời xuất bản báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Ngày 21/6/1925, báo "Thanh niên"  ra số 1- đánh dấu sự hình thành dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ đọc báo Nhân Dân, kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga (1952) (nguồn:http://www.bqllang.gov.vn)
            Hơn 90 năm qua, Báo chí cách mạng nước ta đã làm tốt vai trò của mình trong tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia định hướng dư luận xã hội; đấu tranh phê phán những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhà nước ta. Bám sát đặc trưng là một bộ phận xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, báo chí cách mạng Việt Nam những năm đổi mới và hội nhập đã thực hiện tốt: Chức năng thông tin; Chức năng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng; Chức năng văn hóa, giáo dục; Chức năng giám sát, phản biện xã hội; Chức năng giải trí... Cố gắng nổi bật của đông đảo người làm báo trong những năm qua là thể hiện rõ trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thông tin trung thực, khách quan, bảo đảm tính định hướng và tính giáo dục, có tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người dân; góp phần nâng cao dân trí và sự hiểu biết của nhân dân về những chủ trương chính sách đối nội, đối ngoại , góp phần xây dựng, điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn của con người trong xây dựng cộng đồng, xã hội. Cũng thông qua những thông tin cập nhật, trung thực, báo chí đã thể hiện trách nhiệm củng cố và giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội; tham gia đấu tranh chống lại những âm mưu của các thế lực cơ hội chính trị, phản động lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để xuyên tạc sự thật, gây hận thù, chia rẽ, làm suy giảm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhằm kích động bạo lực kết hợp thực hiện lật đổ chính quyền, phá hoại đời sống bình yên của nhân dân, cản trở sự nghiệp đổi mới của đất nước.
          Tình hình trong nước, khu vực và quốc tế hiện nay bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều biến động phức tạp, khó lường, báo chí cách mạng cần phát huy tốt  hơn những vai trò sau:
Thứ nhất, báo chí  là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Báo chí cách mạng cần bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, coi đó là kim chỉ nam trong quá trình tác nghiệp, góp phần tăng cường  giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ; động viên, phát huy tiềm năng, sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Đồng thời, báo chí cách mạng cần phản ánh chân thực tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó giúp Đảng, nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
          Thứ hai, báo chí cách mạng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc định hướng dư luận xã hội. Báo chí là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Muốn làm tốt vai trò này, báo chí cách mạng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của người làm báo, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc và lấy mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm hành động, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội.
          Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của báo chí cách mạng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đấu tranh chống lại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Báo chí cách mạng cần tăng cường tuyên truyền, thể hiện đường lối quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tích cực phê phán các hiện tượng tham nhũng. Đồng thời, thông qua những bài báo sắc bén góp phần đấu tranh, vạch trần âm mưu chống phá của các lực lượng thù địch nhằm chống phá Đảng và nhà nước ta, qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển./.
 
Phùng Thị Khánh Lệ
Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290264

Đang Online : 233