Nghiên cứu - Trao đổi

Đánh giá đúng cán bộ khâu mở đầu quyết định trong công tác cán bộ

Ngày Đăng: 12/2/2018 14:40 Lượt xem: 1513

          Chủ tich Hồ Chí Minh đã dạy: “ Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “ Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu cực kỳ quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả các khâu khác của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng  để phát huy được tiềm năng đội ngũ cán bộ; là cơ sở để thực hiện đúng chính sách cán bộ, biểu dương, tôn vinh những cán bộ hoàn thành xuất sắc trách nhiệm được giao; đồng thời phê bình những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, không nêu gương, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với tổ chức Đảng.
          Đánh giá đúng cán bộ còn là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng tình đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, địa phương, đơn vị. Ngược lại nếu đánh giá sai cán bộ, nhất là người đứng đầu dễ gây ra những phân tâm trong cán bộ, ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm giảm lòng tin trong cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Phải biết rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ, cứ mỗi lần xem xét lại nhân tài, “một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”[2].
          Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, quy chế về công tác cán bộ, về đánh giá cán bộ như Nghị quyết Trung ương ba (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức”. Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức… Nghị định có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trước đây.Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các văn bản trên lại phụ thuộc vào những người đứng đầu có chức trách, nhiệm vụ quản lý cán bộ, đánh giá cán bộ; phụ thuộc vào cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu chuyên trách về công tác cán bộ….
          Để việc đánh giá cán bộ được chính xác cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc, quy trình, quy chế chặt chẽ.
          - Nắm vững quan điểm của Đảng về tiêu chuẩn cán bộ, đây là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ về mặt đức, tài của người cán bộ. Đồng thời phải lấy hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo để đánh giá.
          Tiêu chuẩn cán bộ là yếu tố khách quan, là thước đo tin cậy để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực ( đức, tài) của cán bộ. Tiêu chuẩn cán bộ được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành trung ương khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó đã nêu rõ về đức, tài của người cán bộ.
          Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng, thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng XHCN, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó.
 Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.
           Tài của người cán bộ là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất.Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình.
          Người cán bộ phấn đấu đạt tiêu chuẩn mới là khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khả năng đó cần phải được thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó đánh giá cán bộ cần kết hợp chặt chẽ giữa tiêu chuẩn và hiệu quả công việc thực tiễn làm thước đo để đánh giá
          - Để việc đánh giá đúng cán bộ cần có phương pháp, tư tưởng đúng, công tâm, khách quan, toàn diện, cụ thể.
          Xem xét con người không chỉ căn cứ vào lời nói, mà phải nhìn vào việc làm, vào hoạt động thực tiễn và hiệu quả công việc. Xem xét cán bộ cần phân biệt hiện tượng với bản chất. Phải nhìn từ nhiều phía, từ nhiều sự việc cụ thể để phân tích tìm ra được bản chất của người cán bộ. Không thể dừng lại ở hiện tượng cụ thể nhất thời, bởi vì mỗi cán bộ ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Cho nên phải xem xét một cách toàn diện, phân tích cụ thể, tìm ra cái cơ bản, chủ yếu, cái gì là thứ yếu, cái không cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ để đánh giá, sử dụng đúng cán bộ, cần tránh tình trạng: khi cán bộ làm được việc thì khen hết lời, khi không làm được việc thì chê hết mức chỉ nhìn thấy cái sai sót của cán bộ.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nhận xét cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài của họ, mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm của họ, mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm, mà phải thấy rõ lịch sử của cán bộ.
          Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[3].  
          Trong đánh giá cán bộ điều đặc biệt quan trọng là phải có thái độ tư tưởng đúng, công tâm, vô tư, khách quan.
        Trước hết người lãnh đạo và người làm công tác cán bộ phải là người trong sáng, phải có tâm, có tầm, ngoài việc nắm vững nguyên tắc, tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá cán bộ. Đồng thời phải là người có tri thức, năng lực tinh tế, nhạy cảm trong nhìn nhận, đánh giá, phát hiện người tài, đức, dự đoán được xu hướng phát triển của người cán bộ, có khả năng nắm bắt tâm lý con người, là người linh hoạt nhưng phải có nguyên tắc, vì lợi ích chung của tập thể.
          Đánh giá cán bộ đòi hỏi phải có thái độ tôn trọng khách quan, phải xuất phát từ bản thân của người cán bộ, không được xuất phát từ ý chí chủ quan của người xem xét. Phải xem xét cán bộ trong cả quá trình làm việc, thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của cán bộ để phát huy mặt mạnh, đẩy lùi mặt yếu.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chưa chỗ dở ..”[4]. Xem xét, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm sẽ khiến cho họ đem hết tài năng và nhiệt huyết của mình phục vụ cho công việc.
          - Cấp ủy và người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm cao về sự đánh giá cán bộ.
          Thực hiện theo sự phân công, phân cấp quản lý cán bộ, cấp ủy, người lãnh đạo bằng trình độ, năng lực của mình định kỳ đánh giá, nhận xét cán bộ một cách công khai, công tâm chỉ rõ mặt đúng, sai, mạnh, yếu của cán bộ. Tránh đánh giá cán bộ chỉ dựa vào thông tin của bộ phận tổ chức, tham mưu và dư luận.
          Trong đánh giá cán bộ, mặc dù chủ thể có thể nắm chắc mục đích, nội dung thủ tục, phương pháp và nguyên tắc đánh giá; song nếu chủ quan hoặc bị những áp lực tâm lý khác ảnh hưởng và làm hạn chế hiệu quả công tác đánh giá cán bộ.
          Vì vậy trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ cần tránh tình trạng: chủ nghĩa cá nhân, dự đoán theo ý mình, chỉ tin vào dự đoán theo ý mình là đúng, ít quan tâm đến ý kiến của người khác, nhất là khi không trùng hợp với ý kiến của mình. Sự thành kiến cá nhân: nó xuất phát từ lòng tin chủ quan của chủ thể đánh gíá, nếu thành kiến tốt có sẵn thì khi nhận xét, đánh giá thường tốt lên; ngược lại nếu thành kiến xấu có sẵn thì khi nhận xét, đánh giá sẽ xấu hơn “yêu nên tốt, ghét thì nên xấu”, “không ưa thì dưa ra giòi”; đánh giá một cách phiến diện, cảm tính, nể nang, né tránh, sợ mất lòng, không nắm chắc cán bộ.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phải tránh căn bệnh chủ quan khi đánh giá cán bộ:
                                               “ Tự cao, tự đại
                                                 Ưa người ta nịnh mình
                                                 Do lòng yêu ghét của mình mà đối với người
                                       Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”[5].
           Công tác cán bộ nói chung và công tác đánh giá cán bộ nói riêng là công việc đối với con người nên rất khó khăn và phức tạp nó đòi hỏi vừa phải có tính khoa học, vừa phải có tính nghệ thuật. Các quan điểm, phương pháp đánh giá và sử dụng cán bộ được vận dụng đến mức độ nào, phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và bộ máy tổ chức cán bộ. Bởi vậy các cơ sở đảng cần lựa chọn một đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt vững vàng về quan điểm, vì con người, vì sự phát triển của con người và tổ chức. Bên cạnh đó phải xây dựng hoàn thiện bộ máy tổ chức cán bộ, mà điều cốt lõi là những người chịu trách nhiệm về công việc đó trước tiên phải thật sự là người có đức, có tài, công tâm, khách quan, vì sự nghiệp của cơ quan đơn vị, địa phương và của đất nước.
 
Cử nhân: Vũ Thị Sen
Khoa Xây dựng Đảng

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- ST, Hà Nội, 2000, tập 4, tr 309, 313
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tập 5, tr 314
[3] Sđd, T5, tr. 278 – 279
[4] Sđd, T5, tr. 72
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Hà Nội, 1995, tập 5, tr 277
 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286783

Đang Online : 392