Nghiên cứu - Trao đổi

Hát Then – Nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày huyện Chiêm Hóa

Ngày Đăng: 2/3/2018 13:36 Lượt xem: 1215

          Hát Then là một làn điệu dân ca truyền thống, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc Tày. Với những âm điệu trầm bổng, dặt dìu, du dương đã làm cho hát Then không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật mà hát then còn là một hình thức thể hiện tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Tày. Theo quan niệm xưa, then có nghĩa là thiên (tức là trời) cho nên Then  là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc của con người tới các vị thánh thần. Mặt khác, những ca từ trong hát Then còn luôn nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình có ý thức và trách nhiệm về cội nguồn, trách nhiệm với tổ tiên, gia đình, dòng họ và với chính bản thân mình. Vì thế, trong đời sống tinh thần của người dân tộc Tày, hát Then luôn luôn tồn tại và giữ một vị trí quan trọng, một phần không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt và lao động sản xuất.
Tiết mục đặc sắc trong buổi tổng kết CLB hát then đàn tính huyện Chiêm Hóa và CLB khiêu vũ thể thao năm 2017
Nguồn: http://chiemhoa.gov.vn
          Huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là một trong những địa phương có nhiều người dân tộc Tày biết hát Then, cả gia đình hát Then, đặc biệt hát Then được duy trì và phát triển mạnh ở các xã Yên Nguyên, Tân An, Thị trấn Vĩnh Lộc … Với mục đích nâng cao ý thức và niềm tự hào của nhân dân các dân tộc về di sản văn hóa, góp phần vun đắp, nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người, khơi dậy tinh thần và niềm tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhằm khích lệ sáng tạo các giá trị văn hoá mới; gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống của từng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong những năm qua Ủy ban nhân dân huyện đã tiến hành bảo tồn trang phục, tiếng nói, một số nét văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong đó có bảo tồn làn điệu hát Then của dân tộc Tày. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; trong phần tiếng dân tộc Tày có minh họa bởi các làn điệu hát Then truyền thống nhằm nâng cao ý thức nhân dân trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát Then của người dân tộc Tày; chú trọng công tác sưu tầm, khai thác các làn điệu hát Then thông qua các nghệ nhân, các lớp truyền dạy, lớp tập huấn, hệ thống các câu lạc bộ, các cuộc giao lưu, cuộc thi do các cấp tổ chức. Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa còn tập trung đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch và chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa các xã có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống…
          Với những hoạt động cụ thể của chính quyền huyện Chiêm Hóa đã giúp cho làn điệu hát Then của dân tộc Tày ở địa phương được lưu truyền, bảo tồn và phát triển, huyện Chiêm Hóa trở thành một trong những địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó có làn điệu hát Then của dân tộc Tày). Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, toàn huyện có khoảng trên 1.200 người biết hát then, hơn 600 người biết chơi đàn tính, thành lập được hơn 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính, dân ca, dân vũ ở các xã, thị trấn, trường học và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện.
          Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, năm 2018 chính quyền huyện Chiêm Hóa sẽ tập trung vào một số hoạt động cụ thể để bảo tồn và phát huy làn điệu hát Then của người dân tộc Tày như: Duy trì hoạt động thường xuyên các Câu lạc bộ hát Then (nhất là Then cổ), đàn Tính,; tổ chức các buổi giao lưu hát Then vào dịp lễ hội truyền thống của dân tộc Tày và các ngày lễ lớn của cả nước tại các xã có người dân tộc Tày sinh sống; quan tâm nhiều đến hoạt động truyền dạy của các nghệ nhân đối với thế hệ trẻ …
          Hát Then đã thực sự là sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Tày vào dịp tết đến xuân về, những lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện và cũng là nét riêng tạo nên sức thu hút trong phát triển du lịch ở Chiêm Hóa hiện nay.
 
Thạc sĩ Vi Thị Thu Hiền
Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286604

Đang Online : 212