Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao tính thực tiễn trong dạy học lý luận chính trị

Ngày Đăng: 3/8/2016 9:26 Lượt xem: 335

          Theo quan điểm của Triết học Mác-Lênin, thực tiễn là toàn bộ hoạt động vật chất mang tính lịch sử - xã hội nhằm cải tạo hiện thực khách quan phù hợp với mục đích của con người. Hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú, song được khái quát thành 3 lĩnh vực cơ bản: Hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học.
          Trong giảng dạy lý luận chính trị, một trong những nguyên tắc quan trọng mà giảng viên cần thực hiện là phải gắn lý luận với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: " Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành mù quáng. Lý luận không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông".( Trích Hồ Chí Minh-Về vấn đề trí thức và cách mạng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 57)
          Để bài giảng có tính thực tiễn, giúp người học biết vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn, giảng viên lý luận chính trị cần phải lưu ý một số điểm sau:
          Trước hết, cần phải xác định rõ tầm quan trọng của viêc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Bất kỳ một bài giảng lý luận chính trị nào cũng cần phải gắn với thực tiễn. Thực tiễn làm cho các nguyên lý lý luận vốn trừu tượng, khó hiểu trở nên gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Việc đưa thực tiễn vào bài giảng lý luận chính trị làm cho bài giảng mang tính khoa học hơn, giúp người học tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó có hướng suy nghĩ, vận dụng giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, cơ sở. Bài giảng không có thực tiễn sẽ trở nên khô khan, khó hiểu, học viên khó khăn trong nhận thức và vận dụng vào thực tiễn.
          Giảng viên cần khai thác thực tiễn ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là thực tiễn trực tiếp, sinh động diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên mọi phương diện của cuộc sống. Cụ thể là những hình ảnh, sự kiện, con số...thu nhận được qua những chuyến đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở xã, phường, thị trấn, cơ sở kinh doanh…; những thông tin người giảng viên thu nhận từ những phương tiện thông tin đại chúng mang tính thời sự nhất định. Thực tiễn cũng được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các văn bản luật... đây là thực tiễn đã được khái quát và có cơ sở khoa học, chính xác.
          Những kiến thức thực tiễn đưa vào bài giảng cần mang tính điển hình, sát thực, gắn kết chặt chẽ với kiến thức lý luận. Phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với bài giảng, đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, bám sát mục đích yêu cầu bài giảng. Các sự kiện thực tiễn phải mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm, đồng thời phải tường minh, rõ ràng về nguồn gốc, địa chỉ, không đưa tràn lan...
          Phải phân tích kỹ lưỡng để người học nhận thấy thực tiễn đó phù hợp hay không phù hợp với lý luận nêu ra trong bài giảng để người học nhận thức đúng cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó rút kinh nghiệm, vận dụng vào hoạt động công tác.
          Để nâng cao tính thực tiễn trong các bài giảng lý luận chính trị, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm... Đối với hoạt động đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, nhà trường thực hiện theo đúng quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc của giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ngày 03/2/2010 của Giám đốc Học viện Chính tri quốc gia Hồ Chí Minh). Quy chế nêu rõ: đi thực tế là một trong những nhiệm vụ của giảng viên, kể từ giảng viên tập sự cho đến giảng viên cao cấp. Tuy vậy, số ngày đi nghiên cứu thực tế đối với từng đối tượng khác nhau. Ngay từ đầu năm, Hiệu trưởng đã phê duyệt kế hoạch hoạt động khoa học của nhà trường, trong đó có nội dung, thời gian, địa điểm đi nghiên cứu thực tế của giảng viên các khoa, phòng. Kế hoạch đó dựa trên cơ sở đăng ký của giảng viên các khoa, phòng. Xác định rõ mục đích, yêu cầu của chuyến đi thực tế sẽ giúp giảng viên định hướng được những gì mình muốn qua chuyến đi và thu được kết quả tốt hơn.
          Từ 01/8/2016, thực hiện Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính tri quốc gia Hồ Chí Minh), trong các nhiệm vụ cụ thể của giảng viên có nhiệm vụ nghiên cứu thực tế 10 ngày/ năm đối với giảng viên; nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế 15 ngày/năm đối với giảng viên chính và 07 ngày/năm đối với giảng viên cao cấp. Nhà trường cần thực hiện nghiêm túc quy định về nghiên cứu thực tế để đảm bảo yêu cầu gắn lý luận với thực tế trong các bài giảng của giảng viên. Giảng viên cũng cần lưu ý: đi nghiên cứu thực tế không chỉ dừng ở việc xuống cơ sở, nghe báo cáo của các cơ quan, đoàn thể, lấy số liệu đưa vào bài giảng mà phải phát huy tính độc lập, tự chủ trong nghiên cứu. Có thể gặp gỡ, phỏng vấn…đối với cán bộ trực tiếp làm công việc mà cá nhân đang tìm hiểu. Ví dụ: nắm tình hình công tác tư pháp, hộ tịch qua cán bộ tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn và trực tiếp xem cách thức làm việc; đến các mô hình làm kinh tế giỏi để tham quan, phỏng vấn…
Tích cực học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa các thông tin vào bài giảng một cách phù hợp, góp phần đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống là hoạt động thực tiễn quan trọng. Trong thời điểm hiện tại, việc đưa Nghị quyết XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh vào các bài giảng lý luận chính trị là một việc thiết thực đưa lý luận vào thực tiễn. Giảng viên cần đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ các nội dung của văn kiện Đại hội Đảng các cấp để đưa vào bài giảng cho phù hợp. Các phương tiện thông tin đại chúng  cũng chính là thực tiễn đa chiều, sinh động của cuộc sống mà người giảng viên cần khai thác. Ngoài ra, thông qua các phương pháp dạy học tích cực, giảng viên cũng có thể bổ sung kiến thức thực tiễn qua trao đổi với  học viên - những cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
          Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, để thực tiễn không bị lạc hậu, lỗi thời, mỗi giảng viên cần cập nhật thông tin một cách hữu hiệu nhất. Nắm chắc nội dung lý luận của vấn đề cần trình bày để làm cơ sở lựa chọn những kiến thức thực tiễn cho phù hợp là điểm quan trọng. Đồng thời, phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học và sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại để người học biết vận dụng lý luận vào thực tiễn. Những hình ảnh, thước phim, con số, sơ đồ, biểu bảng, mẩu chuyện...mà người giảng viên sử dụng trên lớp sẽ làm cho người học dễ nhớ, dễ hiểu. Đó chính là thực tiễn sinh động nhất, phong phú nhất, làm cho bài giảng lý luận gắn với thực tiễn. Đây là nguyên tắc quan trọng mà người giảng viên cần quan tâm để nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị.
                                                                                                    Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                                                                                                                 Phó Hiệu trưởng

 

 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290255

Đang Online : 224