Nghiên cứu - Trao đổi

Những đổi thay trên thành phố trẻ

Ngày Đăng: 14/8/2016 15:20 Lượt xem: 345

         Thành phố Tuyên Quang được thành lập theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 02/7/2010 của Chính phủ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh; tổng diện tích đất tự nhiên 11.917,45 ha, dân số 95.260 người. Thành phố có 13 đơn vị hành chính, gồm 7 phường, 6 xã với 297 thôn, xóm, tổ dân phố. Từ thị xã được trở thành thành phố trực thuộc tỉnh là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh. Đó là cơ hội lớn mở ra triển vọng phát triển tương lai cho thành phố trẻ. Sau một chặng đường phát triển qua 6 năm, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền tỉnh, Đảng bộ, chính quyền  và nhân dân các dân tộc thành phố đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, khai thác mọi tiềm năng và nguồn lực đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo về đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội .
          Trong những thay đổi đó, nổi bật là công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đã được đặc biệt chú trọng. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã và đang được thành phố triển khai thực hiện để sớm hoàn thành mục tiêu: Trở thành đô thị loại II vào năm 2020, hướng đến đô thị loại I trong những năm tiếp theo. Một số công trình hạ tầng tại các khu quy hoạch mới như: Đường giao thông khu dân cư Lý Thái Tổ, phường Phan Thiết; khu dân cư tổ 21, phường Tân Hà; Cải tạo nâng cấp đường từ Trung tâm sát hạch đi Viên Châu, đường Lê Duẩn; xây dựng hạ tầng khu tái định cư khu dân cư Tân Hà; Nâng cấp cải tạo đường, thoát nước, điện chiếu sáng trong khu dân cư (Khu Lia’s) Vườn thánh tổ 39, tổ 20, 21, 22 và 26 phường Minh Xuân theo Dự án đầu tư xây dựng "Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Tuyên Quang"; cải tạo nâng cấp hồ Trung Việt; xây dựng trường mầm non An Tường, trường mầm non Nông Tiến. Thành phố cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương xây dựng các công trình trọng điểm như công trình cụm tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Đại lộ Tân Trào, đường dẫn cầu Tân Hà, Quốc lộ 2C, kè bờ sông Lô đoạn qua thành phố, đường Trung tâm chính trị hành chính thành phố, cầu Tình Húc, cầu Bình Ca... Với những chính sách cởi mở, thông thoáng trong thu hút đầu tư và nhiều chủ trương, giải pháp theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà cấp ủy, chính quyền tỉnh chỉ đạo thực hiện, hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai thi công một số Dự án lớn như Dự án Trung tâm thương mại, nhà phố (Vincom Shophouse của tập đoàn Vingroup), Khách sạn Mường Thanh của tập đoàn Mường Thanh; Dự án Kinh doanh, thương mại dịch vụ tại tổ 19, phường Tân Quang... sau khi hoàn thành sẽ góp phần thay đổi kiến trúc đô thị của thành phố. Ngoài ra, với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, với việc huy động sức mạnh của nhân dân trong việc đóng góp kinh phí, công lao động, hiến đất làm nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, kiên cố hóa kênh mương, đường bê tông, đường giao thông nội đồng ... mà diện mạo đô thị của thành phố đã có những thay đổi tích cực và rõ nét.
         Về phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền thành phố đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển mở rộng sản xuất, liên doanh, liên kết mở rộng ngành nghề, thị trường; một số ngành duy trì, phát triển khá như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, xây dựng, chế biến lâm sản...; một số mặt hàng mới như tranh đá, đồ gỗ mỹ nghệ bước đầu đã được thị trường chấp nhận, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tại các xã, thực hiện việc quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thành phố đã hỗ trợ 25 dự án và mô hình sản xuất nông nghiệp với số tiền 1.444,3 triệu đồng theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 31/12/2011 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 10/1/2013 của HĐND thành phố. Bước đầu khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung. Đối với khu vực dịch vụ, thành phố đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải, tài chính, tín dụng, thông tin... Hoàn thành quy hoạch, kêu gọi đầu tư các cơ sở dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, ẩm thực với quy mô hiện đại (Siêu thị Tuyên Quang, Siêu thị điện máy Vũ Công; Công ty Du lịch Việt Hương; khách sạn Kim Bình, Minh Thanh, khách sạn Joyal..; khu ẩm thực Xuân Hòa và nhiều nhà hàng ẩm thực trên địa bàn thành phố) tạo cơ sở hạ tầng cho dịch vụ, du lịch phát triển. Hoàn thành quy hoạch khu sinh thái núi Dùm - Cổng Trời, xã Tràng Đà để kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái.
         Từ việc triển khai những giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố mà tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt trên 17%; Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đạt 51,59%; Tỷ trọng các ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 44,56%; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 0,3%. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, tăng bình quân trên 11,97%/năm.  Cùng với chú trọng phát triển giáo dục, y tế, các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của thành phố được đổi mới, nâng cao chất lượng. Giờ đây thành phố Tuyên Quang đã được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến bởi những nét văn hóa độc đáo, riêng có như Hội đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội đền Hạ, Lễ hội Chùa Hương Nghiêm, Đêm hội thành Tuyên, Lễ hội Xuân và nhiều các lễ hội khác. Các Lễ hội và  hoạt động văn hoá của thành phố đã tạo thành chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc, góp phần thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
         Có thể khẳng định rằng, với việc nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương của Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vào thực tiễn, chỉ đạo kiên quyết và tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc đồng thời thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Bằng những giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng, lợi thế, thành phố Tuyên Quang đã huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân và tranh thủ sự tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ ngành, trung ương, tỉnh của cấp ủy, chính quyền thành phố nên 6 năm qua, dù chưa phải là dài song thành phố trẻ Tuyên Quang đã có nhiều đổi thay trên mọi mặt, vị thế của thành phố được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững đã đáp ứng được sự mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
         Chặng đường phát triển tiếp theo của thành phố với việc phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II và từng bước đạt tiêu chí đô thị loại I theo mục tiêu Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 29/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về đẩy mạnh quy hoạch và phát triển thành phố Tuyên Quang”; Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy “ Về xây dựng Trung tâm hành chính công thành phố” đang đặt ra nhiều thách thức nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thành phố Tuyên Quang sẽ phát huy truyền thống anh hùng và những kết quả đã đạt được, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm cao sẽ đưa thành phố bên dòng sông Lô tiếp tục phát triển, xứng đáng với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội - là trái tim của tỉnh. 
                                                                                 Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
                                                                                       Phó Hiệu trưởng
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290083

Đang Online : 52