Nghiên cứu - Trao đổi

Quá trình chuẩn bị lực lượng tiên tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 16/8/2016 16:21 Lượt xem: 426

         Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Tuyên Quang là một trong số tỉnh tiến hành khởi nghĩa từng phần, thành lập chính quyền ở cấp cơ sở, cấp huyện sớm nhất cả nước. Quá trình xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra sớm, thắng lợi nhanh chóng, đó là những yếu tố quyết định để Lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn Tuyên Quang là Thủ đô của Khu giải phóng, nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

          Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tình hình thế giới có những chuyển biến nhanh chóng, thời cơ đấu tranh giành chính quyền đang đến gần. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[1]. Hội nghị đề ra chủ trương “…không phải ta ngồi mà ỷ lại…Trái lại, ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại kẻ thù” [2] và tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Chủ trương của Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) đã đẩy nhanh quá trình chuẩn bị mọi mặt tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
         Tại Tuyên Quang, sau khi thành lập (20/3/1940) Chi bộ Mỏ than và Ban cán sự Đảng Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh chống Pháp – Nhật, tiến hành gây dựng cơ sở, tập hợp và tổ chức lực lượng. Ban cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than đã đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng chính trị, thành lập các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... với số hội viên ngày càng đông đảo.
         Cùng với việc phát triển các tổ chức cứu quốc, Ban cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than chủ trương tiếp tục củng cố, rèn luyện quần chúng thông qua các phong trào đấu tranh. Ban cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi tự do dân sinh, dân chủ… Các cuộc đấu tranh trên đã củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, rèn luyện ý chí đấu tranh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời là những đợt tập dượt của lực lượng cách mạng ở địa phương nhằm rút kinh nghiệm và chuẩn bị mọi mặt cho những cuộc đấu tranh lớn, gay go, ác liệt hơn.
         Trước khí thế cách mạng ngày càng lên cao, những năm 1941 - 1943 thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp cách mạng, khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bị thực dân Pháp bắt giam, tù đày và giết hại. Trong lúc phong trào cách mạng ở thị xã Tuyên Quang bị địch khủng bố khốc liệt và tạm thời lắng xuống, thì một số vùng xa xôi, hẻo lánh, lực lượng Cứu quốc quân vẫn tích cực hoạt động xây dựng và phát triển lực lượng, cơ sở Việt Minh phát triển, phong trào quần chúng đã được xây dựng ở nhiều nơi như Na Mao, Khuôn Trạn, Kim Lộng, Thanh La, Ao Búc, Ngòi Nho (Sơn Dương), Trung Minh, Trung Sơn, Hùng Lợi (Yên Sơn), Phúc Thọ, Tri Phương (Chiêm Hóa).
         Bên cạnh lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cũng dần hình thành và phát triển. Từ đội vũ trang đầu tiên được thành lập đầu năm 1942 ở Khuôn Kẹn (Khuổi Kịch, Tân Trào, Sơn Dương), đến đầu năm 1943, các đội tự vệ vũ trang đã ra đời ở hầu hết các địa bàn trong khu căn cứ và được huấn luyện kinh nghiệm tổ chức quần chúng, huấn luyện quân sự, công tác binh vận...
         Cùng với xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang Trung ương Đảng chủ trương xây dựng căn cứ địa cách mạng, mở rộng vùng giải phóng. Tháng 11/1943, lãnh đạo Cứu quốc quân quyết định chọn vùng núi Hồng (Sơn Dương) làm địa bàn xây dựng căn cứ, lấy đây làm bàn đạp để phát triển cơ sở ra xung quanh. Thực hiện chủ trương này, hàng loạt các cơ sở cách mạng được xây dựng ở các xã: Hợp Thành, Trung Yên, Bình Yên, thôn Kháng Nhật, thôn Trúc Khê... (huyện Sơn Sương), xã Chiêu Yên, Quý Quân, Kiến Thiết, Trung Trực, Kim Quan (huyện Yên Sơn)...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ, lực lượng Cứu quốc quân ngày càng lớn mạnh, đòi hỏi sự tổ chức và chỉ huy chặt chẽ. Ngày 25/02/1944, Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập tại Khuổi Kịch, Tân Trào, Sơn Dương. Sự ra đời của đội Cứu quốc quân III đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang.
         Sự hoạt động tích cực của Cứu quốc quân đã đẩy phong trào Việt minh tiếp tục phát triển mở rộng sang các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang. Phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, mặt trận Việt Minh đã xây dựng tổ chức và phát huy ảnh hưởng ở hầu hết các vùng nông thôn Tuyên Quang; hình thành các căn cứ địa cách mạng và nối liền các vùng căn cứ với nhau; cuộc đấu tranh của quần chúng phát triển lên thành cao trào; trọng tâm các hoạt động của cách mạng là chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền với những nhiệm vụ cấp bách: đẩy mạnh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang có trang bị vũ khí, khẩn trương thực hiện huấn luyện chương trình Việt Minh, thành lập ban Việt Minh các cấp để khi khởi nghĩa nổ ra, các ban này có thể đảm nhiệm vai trò là đại diện của chính quyền cách mạng.
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai chuyển vào giai đoạn kết thúc, thời cơ giành chính quyền ngày càng đến gần. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước trong cả nước làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
         Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 10/3/1945, tại khu rừng Khuôn Kẹn (xã Tân Trào, Sơn Dương), Phân khu ủy phân khu Nguyễn Huệ đã họp và nhận định: biến động tình hình địch trong khu và các vùng phụ cận cho thấy, có thể Nhật đã đảo chính Pháp, thời cơ đã đến, cần nhanh chóng, mạnh dạn hành động “bắt mạch” xem phản ứng của địch, nếu thuận lợi sẽ mở rộng hoạt động tiến lên giành chính quyền. Đêm 10/3/1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu, lực lượng vũ trang cách mạng đã mau lẹ tước vũ khí của lĩnh dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La ngay trong đêm 10/3/1945. Sau thắng lợi ở Thanh La quân cách mạng tiến về giải phóng Đăng Châu - huyện lỵ Sơn Dương.
         Từ cuộc khởi nghĩa Thanh La, hàng loạt các địa phương khác trong tỉnh Tuyên Quang được giải phóng và thành lập chính quyền cấp châu: Châu Hồng Thái (huyện Yên Sơn), châu Khánh Thiện (huyện Chiêm Hóa); Phủ Toàn Thắng (huyện Hàm Yên) thành lập tháng 5/1945; châu Xuân Trường (huyện Na Hang), châu Quyết Thắng (huyện Yên Bình) thành lập vào tháng 6/1945. Sau gần 3 tháng khẩn trương, hành động kiên quyết, tới tháng 6/1945 ta đã giải phóng được hầu hết các địa phương trong tỉnh và thành lập chính quyền cách mạng.
         Cuối tháng 5/1945 đồng chí Hồ Chí Minh đã chuyển từ Cao Bằng về Tân Trào (huyện Sơn Dương). Sau khi nghe báo cáo tình hình, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn,Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái. Từ đây Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) trở thành trung tâm Khu giải phóng, đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước trong toàn quốc.
         Tháng 5/1945 phát xít Đức đầu hàng đồng minh. Trên mặt trận châu Á - Thái Bình Dương quân Nhật đã thất bại hoàn toàn, ngày 15/8/1945 Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời cơ cách mạng đã chín muồi. Trước tình hình đó, từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), quyết định lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Cũng tại Tân Trào, ngày 16/8/1945 Đại hội Quốc dân được triệu tập. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập dân tộc của đồng bào cả nước và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc - Chính phủ Lâm thời - do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

Lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc
         Thực hiện chủ trương trên của Đảng, các cấp bộ Đảng lãnh đạo nhân dân Tuyên Quang hoàn tất quá trình chuẩn bị lực lượng và tiến hành khởi nghĩa. Đêm ngày 16/8/1945 các đơn vị giải phóng quân và đội du kích từ huyện Sơn Dương, huyện Chiêm Hóa, Thành Coóc (xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn) đã tập kết đông đủ tại Đền Ỷ La (thị xã Tuyên Quang) để chuẩn bị tấn công giải phóng thị xã Tuyên Quang. Đúng 2 giờ sáng ngày 17/8/1945 đồng chí Song Hào, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc bản Quân lệnh số 1 ra lệnh nổ súng tiến về giải phóng thị xã Tuyên Quang. Sáng ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Công Bình làm Chủ tịch ra mắt trước hàng vạn đồng bào. Thị xã Tuyên Quang sôi động không khí tự do, cách mạng, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ được giương cao ở khắp nơi. Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã thành công rực rỡ.
         Dưới sự lãnh đạo của Đảng lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng được hình thành và mở rộng giúp cho lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta chọn Tuyên Quang làm trung tâm chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Với truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đứng lên đấu tranh để giải phóng toàn tỉnh và góp phần làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
 
Thạc sĩ, Bùi Hữu Thêm
                   Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học-Thông tin – Tư liệu
 
 
 
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tâp, tập 7 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.113
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tâp, tập 7 , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.131

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290081

Đang Online : 50