Nghiên cứu - Trao đổi

Những khởi sắc mới trong phát triển công nghiệp ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 1/9/2016 15:55 Lượt xem: 992

 
          Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển các loại cây nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp như mía, chè, gỗ. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như vàng, thiếc, kẽm, barit, măng gan, cao lanh... và các loại cát, sỏi, đá vôi, đất chịu lửa... Đây chính là tiềm năng, lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp. Trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp của Tuyên Quang đã có sự chuyển biến đáng kể. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 6.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2010 -2015 đạt trên 25%/năm, toàn tỉnh hiện có 23 dự án công nghiệp được triển khai với tổng vốn đầu tư trên 13.200 tỷ đồng. Nhờ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp đã tạo đà đưa kinh tế của tỉnh phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Tuyên Quang hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra.
          Nhiệm kỳ 2015 – 2020, 1 trong 3 khâu đột phá mà Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện là đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ. Với chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 17.600 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế và phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
           Vì vậy, ngay từ những tháng đầu của năm 2016, các cấp các ngành đã khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trong đó ưu tiên tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp. Với một hệ thống giao thông đến khu công nghiệp thuận tiện, công trình điện đảm bảo cung cấp ổn định nguồn điện phục vụ sản xuất đã tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư vào tỉnh. Với tiềm năng, lợi thế trong phát triển công nghiệp và chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, do đó Tuyên Quang đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang triển khai các dự án và khẩn trương hoàn thiện công trình đầu tư như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam; một số đang tiến hành khảo sát và làm các thủ tục cần thiết cho việc đầu tư như: Tập đoàn DABACO thông qua đối tác là Công ty TNHH Sao Việt (doanh nghiệp của tỉnh) để đầu tư Trung tâm sản xuất con giống tại Tuyên Quang. Tại khu công nghiệp Long Bình An, Công ty cổ phần Năng lượng xanh An Hòa đã đầu tư dây chuyền sản xuất viên gỗ nén xuất khẩu. Việc đưa vào sản xuất sản phẩm viên gỗ nén tại Tuyên Quang không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng mà còn mở ra triển vọng mới cho kinh tế xã hội ở tỉnh. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Woodsland đã đầu tư Nhà máy sản xuất phôi gỗ tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam đã có dự án đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương và gần đây, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu, khảo sát để đầu tư, sản xuất – kinh doanh tại Tuyên Quang.
          Có thể nói, việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh thu hút thêm nhiều dự án công nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, tại khu công nghiệp Long Bình An đã thu hút 18 dự án đầu tư, trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động tạo việc làm cho gần 6.000 lao động. Trong 7 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 23,76 % so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 9,55%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,42%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,42%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trong 7 tháng qua so với cùng kỳ năm trước là điện thương phẩm, điện sản xuất, may mặc xuất khẩu, giấy xuất khẩu, bột giấy và đường kính trắng với mức tăng từ 9% đến 34%.
          Tỉnh cũng khuyến khích và ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp phụ trợ. Với lợi thế là địa phương có nhiều điều kiện phát triển các mặt hàng từ nông, lâm nghiệp, vì vậy công nghiệp chế biến của tỉnh tập trung vào các  sản phẩm công nghiệp giấy, chè, các sản phẩm từ gỗ… Tuyên Quang đã tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép để giúp các nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án thuận lợi theo hướng tập trung, có sự phối hợp khá chặt chẽ giữa các sở ngành liên quan, các huyện thành phố và các doanh nghiệp, tích cực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, xây dựng các chính sách ưu đãi,  tạo điều kiện về đất đai; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy đã tạo niềm tin và sự hài lòng của nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư yên tâm mở rộng đầu tư, sản xuất và tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực trong thu hút đầu tư.
          Để thực hiện thắng lợi khâu đột phá về đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở Quyết định 2426/QĐ- TTg, ngày 28/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 tỉnh đang tiếp tục rà soát bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng và triển khai Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Sơn Nam; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tuyên Quang và Quy hoạch điện lực các huyện, thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn từ bên ngoài, tập trung huy động và ưu tiên các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các khu, cụm công nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại Tuyên Quang để  phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp gồm Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Vĩnh Thái và Khu công nghiệp Sơn Nam. 
          Với những tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng, với điều kiện giao thông cả về đường bộ và đường sông thuận lợi, các cơ sở hạ tầng như điện, nước, giao thông và các dịch vụ khác tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã và đang được tỉnh tích cực hoàn thiện. Cùng với những chính sách cởi mở, thông thoáng trong thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh và nhiều chủ trương, giải pháp theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã và đang hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều bứt phá mới cho lĩnh vực công nghiệp của Tuyên Quang, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ có một sự chuyển mình với nhiều khởi sắc cho kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
                                                                Đỗ Thu Hương
                                                                Phó Hiệu trưởng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290084

Đang Online : 53