Nghiên cứu - Trao đổi

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng - Tiêu chí quan trọng trong xây dựng Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đạt chuẩn

Ngày Đăng: 5/9/2016 9:9 Lượt xem: 847


          Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và ủy ban nhân dân huyện, thành phố, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội …cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, chịu sự hướng dẫn trực tiếp về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
          Trong những năm gần đây, việc đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tỉnh Tuyên Quang có nhiều thay đổi tích cực, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lý tưởng, bản lĩnh, rèn luyện đạo đức cách mạng cho nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên. Hoạt động giảng dạy tại các trung tâm làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở hiểu rõ và luận chứng một cách khoa học những luận điểm nền tảng của chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nâng cao chất lượng dạy học lý luận chính trị tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị tạo nên những chuyển biến quan trọng, giúp người học chủ động tiếp thu kiến thức, tích cực trong tương tác với giảng viên, sáng tạo trong tiếp nhận và xử lý thông tin, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác ở cơ sở.
          Tuy nhiên, hoạt động dạy học tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị hiện nay vẫn còn một vài bất cập. Nội dung chương trình lý luận chính trị còn nặng về lý thuyết, chưa thường xuyên cập nhật kiến thức mới; tính thực tiễn chưa cao. Phương pháp giảng dạy cơ bản là thuyết trình, chưa thường xuyên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Một số bài giảng của giảng viên thiếu sự gắn kết giữa lý luận và thực tế. Điều đó dẫn đến hiệu quả của việc học lý luận chính trị chưa cao.
          Ngày 21/6/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có  Đề án số 04- ĐA/TU về xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đạt chuẩn. Mục đích là để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố thực sự trở thành môi trường học tập, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có Công văn số 2068 - CV/BTGTU ngày 07/10/2015 về việc thực hiện Đề án số 04- ĐA/TU ngày 21/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường Chính trị tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 01/HD-TCT ngày 19/11/2015 về việc Hướng dẫn tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyên môn, nghiệp vụ của các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo trên, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố cần lưu ý một số điểm sau:
          Trước hết, cần kịp thời đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học
          Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị hiện nay gồm: đào tạo sơ cấp lý luận chính trị cho đảng viên các đảng bộ, chi bộ trực thuộc cấp ủy cấp huyện; Bồi dưỡng nhận thưc về Đảng cho các đối tượng phát triển Đảng và Bồi dưỡng đảng viên mới cho đảng viên mới kết nạp đang trong thời gian đảng viên dự bị. Ngoài ra Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ theo chuyên đề cho đảng viên, đoàn viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, như các chuyên đề: Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam, Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới, Bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở…Các chương trình trên cần thiết phải được cập nhật những nội dung mới để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hiện nay. Trên cơ sở nội dung chương trình, các trung tâm cần chỉ đạo đội ngũ giảng viên bổ sung, cập nhật kiến thức, đảm bảo tính logic, cân đối, phù hợp với khả năng nhận thức của người học. Nội dung giảng dạy phải đảm bảo tính cơ bản, chuyên sâu, vừa khách quan và khoa học, giúp cán bộ, đảng viên có vốn kiến thức lý luận để vận dụng và thực tiễn công tác trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bài giảng phải có sự gắn kết, vận dụng giữa lý luận và thực tế, giúp người học có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở.
          Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình, cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị. Với đặc thù của việc giảng dạy lý luận chính trị, phương pháp thuyết trình vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, để thuyết trình có hiệu quả, người giảng viên phải làm mới phương pháp thuyết trình của mình, thiết kế bài giảng theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người học, gắn với thực tiễn sinh động của cuộc sống. Giảng viên có thể nêu vấn đề, gợi mở và xây dựng các tình huống, giúp người học tự tìm tòi, tháo gỡ tình huống. Người giảng viên phải biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các phương pháp truyền thống với phương pháp dạy học tích cực. Điều quan trọng là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, phát huy tính sáng tạo, tích cực, chủ động của người học trong quá trình học tập. Điều đó nói lên vai trò quan trọng của người giảng viên trong quá trình hướng dẫn học tập.
          Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng học tập ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị. Tăng cường các hình thức thi vấn đáp, trắc nghiệm, đảm bảo độ sâu, rộng trong kiến thức lý luận chính trị, rèn khả năng nói, viết. Đề thi tự luận nên ra các câu hỏi mở với các mục tiêu: hiểu, so sánh, vận dụng, phân tích, đánh giá
          Hai là, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu dạy học lý luận chính trị
          Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong việc trang bị cho cán bộ cơ sở thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng để họ có phẩm chất chính trị vững vàng,  tư duy khoa học, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên để có đội ngũ đủ về số lượng, chuẩn về trình độ, hàng năm đội ngũ phải được bổ sung, kể cả giảng viên kiêm chức. Tạo điều kiện cho giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giảng viên về cập nhật kiến thức, về phương pháp và năng lực giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng viên.
          Thường xuyên bố trí cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở để có kiến thức thực tế làm cho bài giảng sinh động, không tách rời giữa lý luận và thực tiễn.
          Ba là, tổ chức tốt hoạt động chuyên môn: Tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các trung tâm, gồm có dự giờ, rút kinh nghiệm bài giảng, thi giảng viên giỏi… Có thể tổ chức sinh hoạt chuyên môn có sự phối hợp giữa các trung tâm bồi dưỡng chính trị và các trung tâm với Trường Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
          Tổ chức các hoạt động khoa học như: hội thảo về nội dung, phương pháp dạy học, phối hợp tham gia nghiên cứu khoa học với Trường Chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy…
          Tạo điều kiện cho giảng viên sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học, giao lưu học hỏi giữa các trung tâm bồi dưỡng chính trị trong tỉnh và qua các đợt thi giảng viên lý luận chính trị giỏi. Tổ chức tốt hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm bài giảng cho giảng viên, kể cả giảng viên kiêm chức. Thực hiện nghiêm túc quy trình sinh hoạt chuyên môn theo Hướng dẫn số 01/HD-TCT của Trường Chính trị tỉnh.
          Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy lý luận chính trị
          Để nâng cao chất lượng dạy học tại trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trung tâm. Mỗi trung tâm cần có đầy đủ hội trường, phòng học, thiết bị âm thanh, ánh sáng, máy vi tính, máy chiếu phục vụ việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy. Mỗi trung tâm nên xây dựng thư viện để học viên có thể đọc sách lý luận chính trị, nghiệp vụ, quản lý nhà nước…nghiên cứu, tham khảo tài liệu. Hàng năm thư viện phải được bổ sung các đầu sách, báo, tạp chí
          Những hoạt động trên sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tỉnh Tuyên Quang trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đạt chuẩn.
                         Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
                         Phó Hiệu trưởng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8290087

Đang Online : 56