Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm mới về công tác cán bộ tại Đại hội XII của Đảng

Ngày Đăng: 14/9/2016 10:24 Lượt xem: 805

          Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Bởi lẽ đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[3,tr.269],“Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[3,tr.273]. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của cán bộ trong giải quyết mọi công việc, mọi  nhiệm vụ của cách mạng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã giành nhiều thời gian để đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế và xác định phương hướng đối với công tác cán bộ. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần lưu ý một số điểm mới như sau:
          Thứ nhất, về thực trạng công tác cán bộ hiện nay
          Đại hội XII của Đảng khẳng định trong 5 năm qua công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng. “Nhiều  chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng các quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh hơn”[2,tr.183]. Tuy nhiên, ở kỳ Đại hội này Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật về công tác cán bộ, Đảng khẳng định“Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn”[2,tr.194]. Thực tế cho thấy Đảng đã rất quan tâm công tác cán bộ và đạt được một số kết quả nhất định song chưa tạo ra được bước đột phá, sự thay đổi lớn trong công tác cán bộ của Đảng.
          Nếu như Đại hội XI của Đảng khẳng định“Khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất”[1,tr.174] trong công tác cán bộ thì ở Đại hội XII Đảng còn nhấn mạnh hạn chế này đã kéo dài “nhiều nhiệm kỳ”[2,tr.194] mà chưa được giải quyết. Đồng thời, Đảng cũng chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm giải quyết hạn chế trong đánh giá cán bộ là do chưa có “những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”[2,tr.194] yếu kém này. Đây là những điểm mới mà trong các kỳ Đại hội gần đây chưa lần nào Đảng đề cập tới, điểm mới này đã phản ánh đúng một thực tế hiện nay là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ của Đảng còn chung chung, định tính nên rất khó để đánh giá đúng năng lực thực tế của cán bộ.
            Trong những năm gần đây tình trạng “chạy” trong đội ngũ cán bộ có biểu hiện diễn biến phức tạp và gia tăng. Vì vậy, ở Đại hội XI Đảng nhận định“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”[1,tr.174] đến Đại hội XII Đảng chỉ rõ Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”[2,tr.194].
           Đại hội XII của Đảng đã đánh giá về hạn chế công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cụ thể: “Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có mặt còn hạn chế. Chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[2,tr.195]. Đánh giá này cho thấy Đảng ta rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và vấn đề bảo vệ chính tri nội bộ của Đảng. Từ đánh giá này đặt ra một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ nếu không sẽ có nguy cơ chệch hướng Xã hội chủ nghĩa.
           Thứ hai, về phương hướng, nhiệm vụ công tác cán bộ
           Điểm mới về phương hướng, nhiệm vụ công tác cán bộ ở Đại hội XII của Đảng là tư tưởng chỉ đạo về nguyên tắc trong công tác cán bộ, mối quan hệ giữa các chủ thể, các tiêu chuẩn cán bộ... trong thực hiện công tác cán bộ lần đầu tiên được xác định một cách cụ thể: “Thể chế hoá, cụ thể hoá các nguyên tắc về: quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; giữa phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát, kiểm soát để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong Đảng và hệ thống chính trị. Quán triệt và nghiêm túc thực hiện quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy quyền và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”[2,tr.205,206].
          Đây là những nội dung rất mới về nguyên tắc đánh giá và sử dụng cán bộ; tiêu chuẩn cán bộ; về quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện công tác cán bộ... Đặc biệt là Nghị quyết đại hội lần này đề cập đến việc “kiểm soát” trong công tác cán bộ. Những tư tưởng chỉ đạo này ngay cả Quyết định số 286 QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế, đánh giá cán bộ công chức; Quyết định 68 QĐ/TW ngày 4/7/2007 của Bộ Chính trị về ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử chưa đề cập đến.
           Đồng thời để khắc phục những hạn chế về công tác đánh giá cán bộ và ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “chạy” trong đội ngũ cán bộ, Đại hội XII đề ra phương hướng, nhiệm vụ đối với công tác cán bộ là: “...Có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp,...”[2,tr.206].
            Nếu ở Đại hội XI Đảng đề ra tư tưởng chỉ đạo trong công tác cán bộ là “Chú ý cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số”[1,tr.261] thì tại Đại hội XII, Đảng đã xác định nhiệm vụ rõ ràng hơn là phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, Nghị quyết khẳng định:“Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp uỷ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ”[2,tr.206].
           Trên đây là những nội dung mới về công tác cán bộ của Đảng tại đại hội XII mà giảng viên giảng dạy bài 7: Kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ ở cơ sở thuộc phần V.1- Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phải nắm vững và đưa vào tiết 1, mục 1.1.Vai trò, ý nghĩa của công tác đánh giá cán bộ và mục 1.2.1. Nguyên tắc đánh giá cán bộ ở cơ sở; tiết 2, mục 2.2.1.Bổ nhiệm cán bộ. Trong đó, lưu ý bổ sung vào các nội dung về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm bổ nhiệm cán bộ.
           Có thể nói, việc học tập, quán triệt và đưa các nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng vào giảng dạy là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc đối với mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nhằm đảm bảo tính thời sự, tính Đảng, tính chiến đấu trong mỗi bài giảng.
 
                                                                                      Thạc sĩ Phạm Thị Huệ
                                                                                      Trưởng khoa Dân Vận  
 
   
1.Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb, CTQG.H.2011.
2.Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTWĐ.H.2016.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia. H.2000, t.5.

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289990

Đang Online : 19