Nghiên cứu - Trao đổi

Những đặc điểm cơ bản của pháp luật về kinh tế Việt Nam trong 30 năm đổi mới

Ngày Đăng: 29/9/2016 10:34 Lượt xem: 294

          TCCSĐT - Trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế nhằm đáp ứng những yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về kinh tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mạnh mẽ về sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế.
          Quá trình hình thành khung pháp lý về kinh tế ở Việt Nam
         Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quyết sách quan trọng được Đại hội VI của Đảng khởi xướng năm 1986 và ghi nhận trong nhiều văn kiện khác. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) khẳng định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Đại hội lần thứ VIII của Đảng năm 1996 tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, xác định rõ giai đoạn 1996 - 2000 là bước quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
          Từ những chủ trương, định hướng trên đây, Quốc hội Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật về kinh tế: “Để phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách và mục tiêu kinh tế, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, chậm phát triển thì một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật kinh tế”(1). Quá trình xây dựng, ban hành những văn bản pháp luật kinh tế được tiến hành qua các giai đoạn sau:
          Pháp luật về kinh tế giai đoạn 1986 - 1992
          Dấu ấn đầu tiên trong việc hình thành pháp luật thời kỳ đổi mới là Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Trong những năm 1988 - 1990, Đảng và Nhà nước đã tiến hành đổi mới có hệ thống, tương đối đồng bộ và triệt để toàn bộ nền kinh tế, cụ thể là khoán 10 trong nông nghiệp; thiết lập hệ thống ngân hàng hai cấp; thông qua Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989; ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990…
          Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 là bước đột phá nhằm thể chế hóa chính sách mới và ghi nhận nhiều điểm mới so với pháp luật hiện hành thời kỳ trước. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho phép chủ đầu tư huy động nguồn vốn từ nước ngoài vào kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư… Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty quy định quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền thừa kế vốn, tài sản, lợi ích hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp; thừa nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp tư nhân.
          Pháp luật về kinh tế giai đoạn 1992 - 2012
         Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội thông qua, thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo lập sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, theo hướng thành phần kinh tế tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng với kinh tế nhà nước và khẳng định sự bảo đảm đối với tài sản của cá nhân, tổ chức, cũng như định rõ những trường hợp đặc biệt khi tiến hành quốc hữu hóa (Điều 23).
         Nhiều văn bản pháp lý là nền tảng cho sự xuất hiện của các loại thị trường lần lượt được ban hành. Từ năm 1992, một số văn bản về thị trường hàng hóa, dịch vụ đã lần lượt xuất hiện, trong đó có Bộ luật Dân sự năm 1995 và Luật Thương mại năm 1997. Khung pháp lý cho thị trường lao động cũng bước đầu được hình thành bằng Bộ luật Lao động năm 1994. Với thị trường tài chính, chúng ta có Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997…
Từ năm 1996 - 2000, nhiều văn bản được ban hành như Luật Thương mại năm 1997, Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi năm 2000)…
         Từ năm 2000 - 2005, lần lượt Luật Doanh nghiệp Nhà nước (2003), Luật Cạnh tranh (2004), Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Đầu tư (2005), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chứng khoán (2006)… ra đời, đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tạo dựng cơ sở pháp lý cho các loại thị trường ở Việt Nam. Bộ luật Lao động năm 2012 ghi nhận nhiều quyền, nghĩa vụ của người sử dụng và người lao động.
          Một thay đổi có tính định hướng khác là chủ trương áp dụng án lệ. Ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định chủ trương về phát triển án lệ: “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật…”. Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định: “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.
          Pháp luật về kinh tế theo Hiến pháp năm 2013
Trước những thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, Hiến pháp năm 2013 được ban hành, trong đó, xác lập, ghi nhận quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về kinh tế, kinh doanh, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất đai, tài nguyên thiên nhiên... 
          Pháp luật về kinh tế của Việt Nam trong 30 năm đổi mới
         Pháp luật tạo lập môi trường kinh doanh
        Thứ nhất, pháp luật về đầu tư: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đầu tư..; pháp luật về kinh doanh: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp Nhà nước…; 
         Thứ hai, pháp luật về lao động: Bộ luật Lao động, Luật về người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng…
         Các văn bản nêu trên đề cập tới các phương diện khác nhau, như kinh doanh, đầu tư, quan hệ lao động, các lĩnh vực kinh doanh chuyên biệt… Điều này thể hiện sự điều chỉnh bao quát của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh, từ quan hệ bên trong doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước, đến quan hệ bên ngoài doanh nghiệp như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Đầu tư...
         Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được làm rõ đối với môi trường pháp lý về kinh doanh ở Việt Nam. Trong số đó có thể kể đến những bất cập về điều kiện và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức, hoạt động, giải thể và phá sản tổ chức kinh doanh; hệ thống chế tài trong kinh doanh…
         Pháp luật về nghĩa vụ, giao dịch và hợp đồng
         Văn bản quan trọng nhất về nghĩa vụ, giao dịch và hợp đồng là Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, còn có những văn bản như: Luật Thương mại, Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Lao động, Luật Kinh doanh… Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, Bộ luật Dân sự là luật gốc, quy định các vấn đề chung về nghĩa vụ, giao dịch và hợp đồng, là nền tảng cho những quy định pháp luật về hợp đồng và áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng. Từ đó, tùy theo tính chất của các mối quan hệ hoặc các giao dịch, các luật chuyên ngành có thể có những quy định riêng điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực đó.
         Pháp luật về lĩnh vực này được xem là khá tiến bộ, điều chỉnh nhiều vấn đề cơ bản của pháp luật kinh doanh hiện đại, như thuê mua tài chính, nhượng quyền, giao dịch tư lợi, giao dịch nội gián, rửa tiền,... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về giao dịch và hợp đồng, như sự trùng lặp, thiếu nhất quán và không đồng bộ, thiếu tính liên thông về dân sự và thương mại, nhiều quy định chưa tương thích với pháp luật quốc tế…
         Pháp luật về pháp nhân, doanh nghiệp
         Hệ thống văn bản pháp luật này trực tiếp điều chỉnh pháp nhân và doanh nghiệp như Luật Chứng khoán quy định về công ty đại chúng… Nhóm liên quan trực tiếp gồm có Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác xã...
         Nhóm liên quan gián tiếp có Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Cạnh tranh,... Hệ thống văn bản liên quan tới pháp nhân và doanh nghiệp như Bộ luật Lao động, quy định về quyền tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động…
         Pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đề cập tới nhiều vấn đề về quản trị doanh nghiệp hiện đại, như trách nhiệm tiền công ty, bảo vệ cổ đông thiểu số, doanh nghiệp xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như các điều kiện của pháp nhân, phân loại pháp nhân, chế độ đại diện...
         Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định 4 điều kiện để một tổ chức có thể có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, Bộ luật này không quy định trực tiếp về điều kiện bảo đảm tính hợp pháp của một tổ chức. Còn nhiều điểm khó giải thích như thế nào là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thế nào là có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác… Việc phân chia pháp nhân dường như không theo một tiêu chí rõ rệt nào. Trong khi đó, luật pháp của nhiều nước quy định rõ về các loại pháp nhân. Bộ luật Dân sự của Hà Lan và Liên bang Nga đều có quy định về pháp nhân công và pháp nhân tư; pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận và pháp nhân phi lợi nhuận.
         Đối với quy định về đại diện, việc đại diện cho từ hai pháp nhân trở lên chưa được quy định rõ ràng. Bộ luật Dân sự cũng chưa làm rõ vấn đề một tổ chức có thể làm đại diện được không. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự của An-ba-ni và Lít-va cho phép pháp nhân có thể làm đại diện.
         Pháp luật về tài sản, đất đai và sở hữu
         Pháp luật thuộc nhóm này gồm các văn bản như, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận và quy định phù hợp với tình hình chung.
         Quy định về tài sản và sở hữu được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Quy định về tài sản nhà nước được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đất đai… 
         Pháp luật về xác lập và thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực kinh tế
         Trong nhóm này có thể kể đến: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính… Các văn bản này tạo lập những cơ sở pháp lý cho việc xác lập và thực hiện các thủ tục về kinh tế. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề chưa hoàn toàn phù hợp với pháp luật về thủ tục ở Việt Nam, Bộ luật Tố tụng dân sự là một ví dụ. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại toà án cho thấy một số quy định được xây dựng theo mô hình của nước ngoài nên không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, như quy định về nghĩa vụ chứng minh, thủ tục cung cấp, thu thập chứng cứ… 
         Pháp luật về quan hệ quốc tế
         Để đáp ứng yêu cầu hợp tác và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ, Việt Nam xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp luật như Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Luật Quốc tịch… Những văn bản này đã thể hiện sự thay đổi trong pháp luật Việt Nam thể hiện ở hiệu lực pháp lý của văn bản và nhiều văn bản từ pháp lệnh được nâng lên thành luật 
         Những hạn chế của hệ thống pháp luật về kinh tế hiện nay
         Trong ba thập niên vừa qua Nhà nước đã nỗ lực, tích cực, khẩn trương xây dựng, sửa đổi, ban hành phát luật phục vụ cho hoạt động kinh tế; cải cách thể chế nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển; xóa bỏ những quy định hạn chế cạnh tranh, phân biệt đối xử; hoàn thiện các thủ tục hành chính về doanh nghiệp theo hướng tập trung, đơn giản hóa, thực hiện chế độ công khai, minh bạch; ... Những cải cách đó đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong thời gian tới, mục tiêu phát triển kinh tế được Đảng ta xác định: “Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường...”(2). Vì vậy, cần đánh giá khách quan những hạn chế cơ bản của pháp luật về kinh tế nhằm khắc phục những bất cập, xây dựng một hệ thống pháp luật phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
         Xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế đáp ứng yêu cầu đổi mới cần tuân thủ những nguyên tắc về xây dựng, ban hành pháp luật, vì lý do sau: “Khi pháp luật phản ảnh không đúng, pháp luật được xây dựng không phù hợp với các điều kiện, yêu cầu của nền kinh tế, những quy định pháp luật quá cao hoặc quá thấp so với sự phát triển của nền kinh tế, chúng sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế, thậm chí còn có thể mang lại những tác hại nhất định cho nền kinh tế”(3). Những yêu cầu cơ bản trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản pháp luật kinh tế là những nguyên tắc cần được các cơ quan chức năng tuân thủ và áp dụng. “Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống…”(4). Đánh giá về pháp luật kinh tế trong ba thập niên vừa qua, hiện có nhiều vấn đề cần được xem xét trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế:
         Thứ nhất, tính cụ thể, minh bạch, tính thống nhất của hệ thống pháp luật về kinh tế ở Việt Nam chưa cao. Môi trường pháp luật kinh tế ở Việt Nam hiện vẫn còn là một hệ thống chồng chéo, thiếu đồng bộ của nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó dẫn tới sự thiếu minh bạch trong hệ thống văn bản pháp luật. Những thay đổi khó dự đoán trước của hệ thống pháp luật cũng là một vấn đề có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. 
         Thứ hai, năng lực xây dựng pháp luật của các cơ quan chức năng chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đời sống xã hội; nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật ngày càng cao của xã hội; nhu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
         Thứ ba, tính khả thi và hiệu quả của pháp luật còn thấp. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều hơn nhưng thường xuyên bị thay đổi, gây tốn kém kinh phí, nguồn lực cho việc sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, các đạo luật, bộ luật có nhiều vướng mắc là: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự... Những bất cập đó có thể kể đến là: vấn đề về tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn; tiếp cận thị trường; thủ tục, điều kiện kinh doanh; quản trị tài chính doanh nghiệp...
         Thứ tư, vẫn còn tồn tại sự chưa tương thích giữa việc ban hành luật với thời gian soạn thảo luật. Nhu cầu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; áp lực từ chương trình lập pháp; yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu của hội nhập quốc tế… ngày càng cao, do đó, dẫn đến tình trạng thiếu thời gian, vội vàng, thiếu kỹ lưỡng trong việc thảo luận và giải quyết thấu đáo những vấn đề có liên quan trong quá trình soạn thảo nhiều dự án luật.
         Thứ năm, thiếu quy trình lập pháp khoa học, hợp lý. Đối với một quy trình xây dựng pháp luật khoa học thì “ban soạn thảo” và “tổ biên tập” là những chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, trong đó “ban soạn thảo” chịu trách nhiệm chính. Về tổ biên tập, đó là tập hợp của các chuyên gia về luật pháp và các chuyên gia liên ngành. Tuy nhiên, hiện nay, cách thức lựa chọn những thành viên này, sự phối kết hợp giữa họ trong xây dựng pháp luật là một vấn đề pháp lý chưa được phân định rõ ràng.
         Thứ sáu, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra áp lực đối với việc thay đổi hệ thống pháp luật trong nước. Áp lực này thể hiện qua những cam kết quốc tế của Việt Nam về doanh nghiệp, đầu tư, hải quan… Bên cạnh đó còn là những áp lực từ sự gia nhập của Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng như các khối thương mại khu vực; các hiệp định thương mại song phương; các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư ./.
----------------------------------------
(1) Nguyễn Minh Đoan: Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 83
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 269
(3) Nguyễn Minh Đoan: Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 81
(4) Xem: Nghị quyết số 48-TW/NQcủa Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020

PGS, TS. Nguyễn Vũ HoàngTrưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I

 
nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289988

Đang Online : 17