Nghiên cứu - Trao đổi

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm - giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 13/4/2018 8:9 Lượt xem: 662

          Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định một trong 3 khâu đột phá là: “Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực ’’; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 cũng đã đặt ra  mục tiêu: “Phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển”.
          Những chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển nông nghiệp hàng hóa của cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tạo động lực để nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từng bước phát huy lợi thế của địa phương, tạo ra các vùng chuyên canh đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung mà đời sống của người nông dân Tuyên Quang thực sự thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
          Tuy nhiên, nông nghiệp hàng hoá ở Tuyên Quang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ ; năng suất, chất lượng, giá trị và thu nhập còn thấp, sức cạnh tranh hạn chế; sản xuất phát triển chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm ngành nông nghiệp chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa có hiệu quả bền vững. Liên doanh, liên kết và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá chưa hiệu quả. Vì vậy, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất của người nông dân. Trong đó, chú trọng việc liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu mới đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển hiệu quả và bền vững.
          Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh như cam, chè, lạc, mía, bưởi... với diện tích hàng trăm nghìn ha, có 188 HTX nông lâm nghiệp, 649 trang trại. Mặc dù giữa nông dân và doanh nghiệp đã có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm như miến dong, chè xanh, mật ong, tinh bột nghệ, rượu ngô, mía, ớt…song số lượng các doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã trong tiêu thụ sản phẩm như trên chưa phổ biến khiến cho chất lượng nông lâm sản còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
          Có thể dễ nhận thấy trong những năm gần đây, phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây cam, bưởi đã được một số địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Tại Hàm Yên toàn huyện hiện có trên 7.000 ha cam, trong đó diện tích cam sành gần 6.000 ha. Tại huyện Yên Sơn đã quy hoạch 7 xã nằm trong vùng phát triển vùng cây ăn quả, gồm: Xuân Vân, Trung Trực, Phúc Ninh, Tứ Quận, Quý Quân, Lực Hành và Thắng Quân với diện tích trên 1.000 ha. Cây ăn quả có múi đang được các địa phương khuyến khích nhân rộng nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Không thể phủ nhận được những hiệu quả kinh tế mà 2 loại cây trồng này mang lại, tuy nhiên việc phát triển ồ ạt diện tích cũng bộc lộ những rủi ro lớn cho người nông dân. Khi nông dân tự ý chuyển đổi diện tích đất sang trồng cam, bưởi mà không chú ý tới chất lượng sản phẩm, đầu ra tiêu thụ trong khi thị trường đang đặt ra những yêu cầu khắt khe về quy trình, kỹ thuật, đầu tư thâm canh và chất lượng sản phẩm. Như vậy, vùng cây ăn quả như cam, bưởi sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp, tình trạng nông sản được mùa - mất giá vẫn luôn xảy ra và hậu quả cuối cùng là người nông dân phải chịu thiệt hại về kinh tế. Với Tuyên Quang, dù chưa phải “giải cứu” nông sản như ở một số địa phương trong những năm gần đây song người trồng cam ở Hàm Yên cũng đã từng khó khăn khi mà cam được mùa thì giá lại rẻ và khó tiêu thụ, năm nào cam được giá thì lại bị mất mùa. Thực tế đã được kiểm chứng khi mà niên vụ 2015 – 2016, cam Hàm Yên được đặt mua tại vườn với mức giá từ 10 đến 13 nghìn đồng/kg nhưng niên vụ 2016 – 2017, thương lái đến đặt mua cam tại vườn chỉ với mức giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng từng vườn cam. Nguyên nhân giá cam bị sụt giảm mạnh trong niên vụ vừa qua được xác định là do cam được mùa, ngoài yếu tố về năng suất cam tăng thì một yếu tố khác là do diện tích trồng cam ở Hàm Yên hiện đã phát triển mạnh.
          Không thể trách người nông dân mở rộng diện tích trồng những loại cây đã mang lại giá trị kinh tế cao, bởi điều này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên phát triển như thế nào và phát triển ra sao thì người nông dân cũng cần phải có một sự tính toán kỹ để làm sao, tránh cho mình những rủi ro không đáng có. Trong điều kiện hiện nay, khi mà người tiêu dùng đang dành nhiều sự quan tâm tới chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường tiêu thụ cũng có những đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng và giá cả hàng hóa thì người nông dân cần chú trọng tới yếu tố chất lượng sản phẩm nông sản. Để đảm bảo sản phẩm sạch và an toàn thì ngay từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cần được thực hiện theo một chuỗi. Tại Tuyên Quang, các vùng chuyên canh canh đã và đang dần được hình thành, nhiều mô hình trồng trọt được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap. Tuy nhiên tiềm lực về kinh tế của người dân chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất theo chuỗi giá trị. Một số hộ còn sản xuất theo hướng tự phát nên đầu ra chưa thực sự đảm bảo. Vì vậy, để đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa theo chuỗi, đảm bảo từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản để sản phẩm nông sản có chỗ đứng trên thị trường thì cần có sự liên kết trong sản xuất. Trong đó, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, liên kết giữa nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và liên kết giữa các hộ nông dân với nhau sẽ đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp hàng hóa ổn định, bền vững.
          Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp hàng hoá vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đi liền với đó là sự tác động khó lường từ biến đổi khí hậu… Vì vậy, để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá thì người nông dân cần chú trọng khâu sản xuất bền vững, xanh, sạch từ canh tác đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Bên cạnh đó, quan tâm và tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đưa công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng và mô hình liên kết sản xuất. Việc xây dựng và tham gia các tổ hợp tác là rất cần thiết, mang lại hữu ích cho nông dân. Có sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ mới tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thực hiện thắng lợi khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI đã đề ra là đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm.
          Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang là xu hướng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều manh mún này từ đó phát triển một nền nông nghiệp bền vững.Và bài toán phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững ở Tuyên Quang cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư hướng dẫn số 15/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay tại nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện những mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều chính sách đang hướng tới để hỗ trợ cho các chuỗi liên kết. Đối với Tuyên Quang hiện nay, đã đến lúc cần xác định những mô hình liên kết thực sự có hiệu quả kinh tế cao, có tính lan tỏa lớn, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tiếp tục tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Tập trung hỗ trợ vào khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết (chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ) và có các biện pháp hỗ trợ vốn, ngân sách cho các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
          Sản xuất liên kết sâu theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao được xem là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững. Do vậy cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thì người nông dân cũng cần có sự thay đổi về tư duy trong sản xuất. Việc tăng cường liên kết và cùng tham gia các tổ hợp tác, đảm bảo quy trình từ sản xuất đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm là giải pháp an toàn nhất cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Có như vậy mới tạo sức bật mới cho nông nghiệp hàng hoá của địa phương và câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” mới không xảy ra trong sản xuất nông nghiệp.
 
Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
Phó Hiệu trưởng

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286420

Đang Online : 24