Nghiên cứu - Trao đổi

Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (10/10/1954) - Mốc son trong lịch sử dân tộc

Ngày Đăng: 7/10/2016 14:24 Lượt xem: 413

     Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 21/7/1954 thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia; Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương; lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Trong thời điểm lịch sử quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã họp quyết định ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội. Theo quyết định của Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Hội đồng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Uỷ ban Hành chính Hà Nội, để triển khai mọi công việc hành chính ngay sau ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Việc chuẩn bị tiếp quản thủ đô Hà Nội được triển khai nhanh chóng.
Đoàn quân tiến vào Thủ đô
Nguồn ảnh: bqllang.gov.vn/
   
     Sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội, bao bọc nội thành từ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, theo đường đê La Thành và ven sông Hồng, Hồ Tây.
     6 giờ sáng 9/10/1954, quân đội ta tiến vào 5 cửa ô rồi toả đi tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thuỷ, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, để rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm, hay theo đường bộ ra cảng Hải Phòng, di chuyển theo đường biển vào phía Nam vĩ tuyến 17.
     8 giờ sáng ngày 10/10/1954 bắt đầu một cuộc diễu binh lực lượng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đi trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào cửa Đông Thành Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
     8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ và nhà Đấu Xảo.
     15 giờ, ngày 10/10/1954 đông đảo nhân dân Thủ đô Hà Nội dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau Lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào nhân ngày Thủ đô giải phóng. Mở đầu Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ đã phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ ta lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể…Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.[1]
     Ngày 10-10-1954 giải phóng Thủ đô là một mốc son trong lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Thủ đô hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và bắt tay vào thời kỳ xây dựng xã hội mới. Đây cũng là sự kiện chấm dứt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ của nhân dân ta. Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh được trở lại Thủ đô tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên giành những thắng lợi mới. Thủ đô Hà Nội được giải phóng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, là hậu phương vững chắc giúp cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với chiến thắng Điện Biên phủ, ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng cũng là sự kiện đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ phong trào cách mạng của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
     Ngày nay, Thủ đô Hà Nội đang tiếp tục phát huy những giá trị to lớn của lịch sử để phát triển toàn diện và thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, xứng đáng danh hiệu "Thành phố vì hoà bình" mà UNESCO đã trao tặng.
     Ôn lại truyền thống 62 năm ngày giải phóng Thủ đô để mỗi chúng ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, biết ơn các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có thêm sức mạnh để học tập, lao động và chiến đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H2004, tập 7, tr.360 - 361.
 
Thạc sĩ Bùi Hữu Thêm
Trưởng phòng NCKH – TT – TL
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289984

Đang Online : 13