Nghiên cứu - Trao đổi

Một số kết quả hoạt động của Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang năm 2015 - 2016

Ngày Đăng: 10/11/2016 9:4 Lượt xem: 325

                               
     Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên được thành lập theo Quyết định số 2591/QĐ-BTP ngày 06/11/2009 của Bộ Tư Pháp với 08 biên biên chế trong đó có 03 chấp hành viên, 02 thư ký thi hành án và 03 cán bộ; thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành các Bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế, hành chính và phần dân sự trong các bản án hình sự của Tòa án đã có hiệu lực theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật được tổ chức thực hiện nghiêm minh, thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tăng cường.
 
Tập thể khoa Nhà nước và Pháp luật thực tế tại Chi cục thi hành án
dân sự Hàm Yên
 
     Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, luật sửa đổi, bổ sung luật Thi hành án dân sự 2014, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên không ngừng đổi mới hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện, điều đó được thể hiện rõ nét thông qua một số kết quả đạt được về phần việc và phần tiền như sau:
     * Về phần việc
      Từ năm 2015 đến 2016 kết quả công tác thi hành án dân sự tính bằng việc của Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Yên tăng lên cả về số lượng và chất lượng, cụ thể: nếu như  năm 2015 tổng số vụ việc thụ lý là 537 việc trong đó có 461 việc có điều kiện giải quyết  và 76 việc chưa có điều kiện giải quyết thì đến năm 2016 tổng số vụ việc thụ lý là 696 việc, tăng 159 việc (30%) so với cùng kỳ trong đó có  614 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 88%), tăng 153 việc (33%) so với cùng kỳ và 81 việc chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 12%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 602 việc, đạt tỷ lệ 98% (so với chỉ tiêu được Quốc hội giao, vượt 21%). So với cùng kỳ năm 2015, tăng 151 việc (33%) về tỷ lệ bằng năm 2015.
     Qua đó ta thấy, mặc dù công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Hàm Yên ngày càng khó khăn, phức tạp, số lượng vụ việc phát sinh ngày càng nhiều những chất lượng công tác thi hành án dân sự tính bằng việc của chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm yên ngày càng cao thể hiện: tổng số vụ việc thụ lý và tỷ lệ vụ việc giải quyết xong ngày càng tăng, tỷ lệ  việc tồn đọng chuyển kỳ sau giải quyết ngày càng giảm về số lượng.
Có được kết quả trên là do Chi cục Thi hành án dân sự huyện nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, của Ban Chỉ đạo thi hành án huyện Hàm Yên và của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng có liên quan;  ngay từ đầu mỗi  năm, Chi cục đã ban hành Quyết định phân công nhiệm vụ cho cán bộ công chức, người lao động; giao chỉ tiêu cho Chấp hành viên; xây dựng kế hoạch công tác từng năm, kế hoạch tổ chức thực hiện đợt thi hành án dân sự cao điểm và các kế hoạch công tác khác; hàng tuần thông qua công tác giao ban tại đơn vị, Chi cục thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tiến độ giải quyết các vụ án của từng chấp hành viên, làm rõ lý do chưa thực hiện để có biện pháp chỉ đạo giải quyết cụ thể
     * Về phần tiền
     Từ năm 2015 - 2016 kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền của chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên tăng: nếu như năm 2015 tổng số tiền thụ lý là 2.445.685.000 đồng, trong đó có 1.932.496.000 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 79%) và  513.189.000 chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 21%), trong số có điều kiện đã giải quyết xong 1.309.541.000 (đạt tỷ lệ 68%) thì đến năm 2016  tổng số tiền thụ lý là 12.482.219.000 đồng, tăng 10.036.534.000 đồng  (bằng 410%) so với cùng kỳ (đã ủy thác 3.156.000 đồng  còn phải thi hành 12.479.063.0000 đồng; trong đó có 11.540.146.000 đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 92%), tăng 9.607.650.000 đồng (497%) so với cùng kỳ và 938.917.000 đồng, số chưa có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 8%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong 2.166.626.000 đồng, đạt tỷ lệ 19% (so với chỉ tiêu Quốc hội giao, còn thiếu 13%). So với cùng kỳ năm 2015, tăng 857.085.000 đồng (65%) và giảm 49% về tỷ lệ.
     Qua số liệu tên cho thấy, trong 02 năm (2015 - 2016), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên đã tiến hành xác minh phân loại án kịp thời, chính xác, kết quả thi hành án dân về số tiền đã tổ chức thi hành xong tăng, nhưng tỷ lệ giải quyết còn thiếu so với chỉ tiêu Quốc hộ giao và giảm so với năm 2015.  Nguyên nhân là do năm 2016 số tiền thụ lý tăng so với năm 2015; thụ lý 02 việc có số tiền lớn trên 9 tỷ đồng, đã kê biên và tổ chức bán đấu giá, đã giảm giá nhiều lần hiện nay vẫn chưa có người đăng ký mua tài sản; một số việc đương sự không có tài sản, không có thu nhập ổn định, có nhiều đối tượng bỏ địa phương đi không rõ địa chỉ, có một số đối tượng không có điều kiện, chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định
     Bên cạnh kết quả đạt được, trong 02 năm qua công tác thi hành án dân sự của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: tỷ lệ thi hành án dân sự phần tiền đạt  thấp  (thiếu 13% so với chỉ tiêu Quốc Hội giao); số việc thi hành án có điều kiện thi hành án còn tồn đọng. Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên là do năng lực chuyên môn một số ít công chức có mặt còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, công chức của Chi cục còn ít, chưa tương ứng với nhiệm vụ được giao, cụ thể: có  biên chế, trong đó có 3 chấp hành viên, trung bình mỗi năm 01 chấp hành viên phải thi hành khoảng trên 200 việc, ngoài ra còn phải kiêm nhiệm thêm các công việc khác của đơn vị;  bên cạnh đó còn do địa bàn huyện rộng ( toàn huyện có 17 xã, 01 thị trấn và 321 thôn, bản), việc thi hành án dân sự phải trải dài trên địa bàn, đường xá đi lại rất khó khăn như xã: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Dân..., đương sự thường chây ì, tìm cách chống đối gây khó khăn, cản trở trong quá trình tổ chức thi hành án, một số đương sự không có thu nhập, tài sản để thi hành án, gia đình thuộc diện hộ nghèo; Số thụ lý mới tăng 167 việc (38%) và tiền tăng 9.365.093.000 đồng (472%) so với cùng kỳ năm 2015;  một số việc có số tiền lớn, đã kê biên và tổ chức bán đấu giá, đã giảm giá nhiều lần hiện nay vẫn chưa có người đăng ký mua tài sản.
     Do vậy để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện trong những năm tới, thiết nghĩ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
     Thứ nhất,  lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự huyện Hàm Yên cần phân công nhiệm vụ hợp lý, đúng chức năng cho từng cán bộ, chấp hành viên trong chi cục; đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ban hành quyết định thi hành án để phân công cán bộ tiếp nhận bản án, cán bộ ra quyết định có trình độ về pháp luật, có kinh nghiệm và biết cập nhận những quy định mới của pháp luật có liên quan đến việc ban hành quyết định thi hành án; phân công cán bộ phụ trách tiếp nhận các kết luận, kháng nghị, kiến nghị và theo dõi việc khắc phục để thường xuyên báo cáo lãnh đạo.
     Bên cạnh đó, lãnh đạo Chi cục cần quan tâm phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án các quy định pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; đồng thời cũng phổ biến công khai những sai phạm, sai sót đã được chỉ ra tại các kiến nghị, kháng nghị đối với công tác thi hành án ở địa phương, địa bàn mình, cũng như về những sai phạm thường gặp ở địa bàn khác đã được tổng hợp để các Chấp hành viên, công chức nắm được, tránh vi phạm tương tự lặp lại trên địa bàn. Nơi nào đã được chỉ ra sai phạm mà không khắc phục, còn lặp lại vi phạm hoặc vi phạm nặng hơn thì sẽ bị xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc.
     Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án (xóa bỏ tư tưởng làm nhiều thì sai phạm nhiều là điều không thể tránh khỏi); giáo dục ý thức trách nhiệm với dân. Đồng thời, phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, vi phạm về đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục quan tâm cử cán bộ, chấp hành viên tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của ngành, đảm bảo công chức mới, công chức mới nhận nhiệm vụ mới phải được tập huấn nghiệp vụ được giao.
     Thứ hai, các Chấp hành viên phải dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành (không chỉ văn bản pháp luật về thi hành án dân sự mà còn phải chú ý nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên áp dụng như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành).Thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; và đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
     Đồng thời, Chấp hành viên cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các công chức giúp việc cho mình (như chuyên viên, thư ký thi hành án…) thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình giúp việc cho Chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ pháp luật; hồ sơ thi hành án phản ánh đúng, chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án.Chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình tác nghiệp để cấp trên tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác thi hành án dân sự.
     Thứ ba, Chi cục cần tăng cường hơn nữa công tác rà soát, phân loại án. Khi tiến hành công tác rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án cần lưu ý: phải rà soát,  sàng lọc án bằng hình thức phân loại theo mức độ và tính chất phức tạp để tính toán các biện pháp, tập trung sự chỉ đạo, tổ chức thi hành án cho từng loại. Từ kết quả sàng lọc để có phương án tối ưu và kịp thời thi hành dứt điểm vụ việc khi đối tượng phát sinh điều kiện thi hành; sắp xếp theo thứ tự cũ - mới, khó - dễ… để chỉ đạo đôn đốc hay thiết lập hồ sơ cưỡng chế. Việc sắp xếp, phân loại án khoa học sẽ không để lọt, không quên, không sót việc; sắp xếp không được chồng chéo để luôn đáp ứng khi có yêu cầu phát sinh, kể cả phục vụ công tác phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong quá trình thi hành công vụ; chủ động ra quân tổ chức các đợt thi hành án. Tổ chức các biện pháp phối hợp, huy động mọi lực lượng cùng tham gia thi hành án; lấy phương châm " Giáo dục thuyết phục là chính" nhưng cũng sẵn sang tổ chức đi cưỡng chế ngay tức khắc khi thấy cần thiết.
     Thứ tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác tiếp dân, theo đó cần lưu ý một số nội dung: nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự huyện trong công tác tiếp công dân; đồng thời tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chấp hành viên làm công tác tiếp công dân; có chế độ chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với cán bộ, chấp hành viên làm công tác tiếp công dân. Nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các trụ sở tiếp công dân; Cần có qui định cụ thể về chế độ, trách nhiệm, khen thưởng và có chế tài kỷ luật đối với cán bộ, chấp hành viên làm công tác tiếp dân, để động viên và nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được giao làm nhiệm vụ tiếp dân; Về phương thức hoạt động, tiếp công dân cần theo hướng linh hoạt, hiệu quả, gần dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Tiếp dân cũng phải gắn chặt với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
Thạc sĩ Hán Thị Hạnh Thúy
Phó trưởng khoa Nhà nước và pháp luật
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289902

Đang Online : 36