Nghiên cứu - Trao đổi

Đôi điều cảm nhận khi tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2016

Ngày Đăng: 24/11/2016 16:9 Lượt xem: 465


     Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-TCT ngày 14/9/2016 của Trường Chính trị về Tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2016 và trong không khí phấn khởi thi đua lập thành tích chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, từ ngày 15 đến ngày 17/11/2016 nhà trường đã tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi. Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao Hội thi đã thành công tốt đẹp, 14/14 giảng viên tham gia Hội thi được Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cấp chứng nhận đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp trường năm 2016. 
     Là một giảng viên trẻ lần đầu được tham gia hội thi tôi nhận thấy Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2016 là hoạt động thiết thực, được tổ chức quy mô với nhiều điểm mới về nội dung và hình thức.
     Thứ nhất, bên cạnh việc tổ chức thi giảng và thi giáo án như hoạt động thao giảng hàng năm thì Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2016 có thêm nội dung thi viết. Thí sinh tham gia Hội thi thực hiện thi viết 01 bài tự luận trong thời gian 120 phút, với kiến thức đã được Ban tổ chức Hội thi giới hạn: Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Nội dung 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 10 giải pháp chủ yếu trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; tiêu chuẩn và nhiệm vụ của ngạch giảng viên đang giữ theo Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kèm theo Quyết định số 1855/Q Đ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Liên hệ bản thân và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt tiêu chuẩn, nhiệm vụ của ngạch giảng viên đang giữ. Điểm mới trên cho thấy tính toàn diện trong việc đánh giá giảng viên, theo đó giảng viên không chỉ làm tốt công tác soạn bài, giảng bài mà còn phải có trình độ nhận thức nhất định về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều đó càng cần thiết đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
     Thứ hai, Thành lập Ban Giám khảo gồm 03 thành viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý và giảng viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy lý luận chính trị, không phải là những thí sinh tham gia Hội thi. Khác với mọi năm dự giờ và chấm điểm là Hội đồng khoa học, trong đó có cả những thành viên vừa tham gia chấm, vừa tham gia thi. Do đó đảm bảo tính khách quan, khoa học và công tâm góp phần đánh giá đúng chất lượng giảng viên tham gia dự thi.
         Thứ ba, việc đánh giá, xếp loại giảng viên dạy giỏi cấp trường không chỉ căn cứ vào điểm thi viết, thi giảng, thi giáo án mà còn căn cứ vào điểm nghiên cứu khoa học. Điều đó cho thấy việc tổ chức Hội thi quy mô hơn, đòi hỏi ở giảng viên tham gia Hội thi phải toàn diện hơn. Đây là nội dung rất phù hợp vì theo Quy chế giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/Q Đ-HVCTQG ngày 21 tháng 4 năm 2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), giảng viên là viên chức chuyên môn đảm nhận việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy ngoài việc giảng dạy thì nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ rất quan trọng của giảng viên. Việc đánh giá giảng viên dạy giỏi căn cứ vào điểm khoa học cho thấy cách đánh giá của Ban tổ chức toàn diện hơn. Theo đó, giảng viên tham gia Hội thi đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi phải có điểm nghiên cứu khoa học là 1.5 điểm; danh hiệu giảng viên dạy giỏi xuất sắc phải có điểm khoa học từ 3.0 điểm trở lên;
     Thứ tư, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời.Ban tổ chức đã biểu dương, khen thưởng đối với giảng viên tham gia ngay khi Hội thi kết thúc. Ngoài được nhận giấy chứng nhận giảng viên giỏi, những giảng viên dạy giỏi xuất sắc được Hiệu trưởng tặng giấy khen. Việc tổ chức tổng kết và khen thưởng kịp thời là sự động viên, khích lệ, tạo hứng khởi để giảng viên có thêm nhiệt huyết, lòng yêu nghề và thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy.
     Thứ năm, Hội thi là diễn đàn để giảng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm.
     Đối với giảng viên tham gia Hội thi: đã giành thời gian, công sức nghiên cứu để chuẩn bị giáo án, đầu tư phương tiện hỗ trợ phương pháp giảng dạy, thực hành tập giảng... Quá trình chuẩn bị bài giảng đã giúp giảng viên rèn luyện kiến thức, kỹ năng, phương pháp nhuần nhuyễn hơn, góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh và chất lượng bài giảng.
     Đối với giảng viên không tham gia Hội thi: được tham gia dự các phần thi giảng, có điều kiện để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế về kiến thức, phương pháp. Đồng thời giảng viên tham gia trao đổi, thảo luận để tìm ra phương pháp tốt nhất khi thực hiện nội dung bài giảng.
Thứ sáu, cùng với Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị, Hội thi giảng viên dạy giỏi đã tạo ra một phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” giữa các giảng viên, học viên và khoa, phòng trong nhà trường. Thông qua việc tham gia Hội thi, giảng viên các khoa phòng có dịp thi đua để khẳng định tài năng, năng lực giảng dạy, nỗ lực giành thành tích cao cho bản thân và đơn vị khoa, phòng. Đó là một hoạt động thi đua thiết thực nhất nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
     Được trải nghiệm và ghi nhận tại Hội thi giảng viên dạy giỏi năm 2016, tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là một cơ hội để bản thân và giảng viên của nhà trường được học tập, trao đổi kỹ năng giảng dạy một cách tốt nhất. Tôi tin tưởng rằng, không ai thỏa mãn với kết quả của mình, mà luôn xem đó là sự động viên, khích lệ, sự ghi nhận của đồng nghiệp đối với mình. Mỗi giảng viên cần tăng cường học hỏi ở bạn bè đồng nghiệp nhiều hơn nữa; dành nhiều thời gian để nghiên cứu, rèn luyện để có những bài giảng hay hơn, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học chất lượng. Mong rằng Ban Giám hiệu nhà trường duy trì tổ chức Hội thi để giảng viên dạy giỏi để giảng viên thường xuyên được học tập những phương pháp giảng hay, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết để giảng dạy tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang. 
  Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289899

Đang Online : 33