Nghiên cứu - Trao đổi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tuyên Quang

Ngày Đăng: 4/1/2017 14:58 Lượt xem: 383

          Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định một trong 3 khâu đột phá là: “Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực ’’; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 cũng đã đặt ra  mục tiêu: “Phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển”. Những chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển nông nghiệp hàng hóa của cấp ủy tỉnh đã tạo động lực để nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đến nay, toàn tỉnh có trên 140.000 ha rừng trồng, trên 8.000 ha chè, gần 5.500 ha trồng cam, 3.100 ha trồng lạc, trên 110.000 con trâu… Một số nhà máy chế biến nông, lâm sản có quy mô lớn được xây dựng mới, một số nhà máy được mở rộng quy mô và nâng cấp công nghệ như Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, 3 nhà máy chế biến chè, 2 nhà máy đường và nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp đang được triển khai. Từ việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung mà  người nông dân Tuyên Quang thực sự đổi đời, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, thu nhập của người dân được nâng cao, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, quy mô nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, nguồn nhân lực còn hạn chế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này rất ít…
         Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Tuyên Quang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 8 doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là các Dự án tập trung vào vùng sản xuất lạc hàng hóa của Công ty TNHH Sao Việt; Dự án chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty thức ăn DAPHACO Việt Nam tại xã Phúc Ứng huyện Sơn Dương; Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy của Công ty cổ phần Đông Dương Việt Nam và một số doanh nghiệp đang đầu tư vào việc nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
          Để tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 41/2015/NQ- HĐND quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm đặc thù, sẽ được tạo điều kiện về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng... các chính sách này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất  được hỗ trợ  đặc thù bao gồm trồng mới, trồng lại cây chè; chăn nuôi tập trung ( trâu, bò thịt, lợn thịt); chế biến các sản phẩm như cam; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Tùy theo lĩnh vực, quy mô, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về vốn đầu tư giống, công cải tạo đất, cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện nước, chuồng trại. Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn Tuyên Quang cũng đã triển khai Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp thuộc Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh. Với nguồn quỹ này, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được hỗ trợ không hoàn lại tối đa là 2 tỷ đồng cho một dự án đầu tư.
        Một trong những cây trồng có thế mạnh ở Tuyên Quang đang được tỉnh quan tâm và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển đó là cây chè. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 8.800 ha diện tích chè với sản lượng chè búp tươi đạt trên 61.500 tấn/năm. Trong đó, diện tích chè trồng bằng các giống cũ đã già cỗi, cho năng suất thấp chiếm tỷ lệ lên đến 46% tổng diện tích. Với chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối cây chè được ban hành sẽ mở ra một hướng mới trong sản xuất và chế biến chè ở Tuyên Quang. Bên cạnh đó, với việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo thuận lợi để tỉnh phát triển vùng mía nguyên liệu theo quy hoạch 18.500 ha,  sản lượng hơn 1.238 nghìn tấn mía cây và  thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành, giai đoạn 2014-2020 với quy mô hơn 6.800 ha.
       Cùng với cây trồng, Tuyên Quang cũng đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với chính sách đặc thù, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phấn đấu đạt mục tiêu tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 45% vào năm 2020 đang mở ra triển vọng giúp người chăn nuôi tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cải thiện thu nhập và góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
        Những chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh của cấp ủy, chính quyền đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp Tuyên Quang có những bước đột phá với nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng cam sành, lạc, mía, chè, rừng trồng...; nhiều sản phẩm trong nông nghiệp của Tuyên Quang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng như: cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, chè xanh Làng Bát, chè Bát Tiên Mỹ Bằng, miến dong Hợp Thành... và nhiều sản phẩm khác đang khẳng định vị thế trên thị trường như bưởi Soi Hà, hồng không hạt Xuân Vân, mật ong, phấn hoa, rượu ngô Na Hang, chè Vĩnh Tân...
          Với những tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu và khát vọng vươn lên của người dân, với sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp và những giải pháp cụ thể mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra như: Thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng hợp lý đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa;  đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hoá sẽ tạo thành động lực để Tuyên Quang thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc./.
 
                                                                             Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
                                                                                  Phó Hiệu trưởng

 
                                                                               

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289910

Đang Online : 44