Nghiên cứu - Trao đổi

Một số điểm cần lưu ý để đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế

Ngày Đăng: 17/1/2017 15:24 Lượt xem: 371

        Trong dạy và học lý luận chính trị, một trong những nguyên tắc quan trọng là phải gắn lý luận với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: " Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành mù quáng. Lý luận không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"1. "Lý luận suông" đó là thứ lý luận xa rời cuộc sống, không giúp ích gì cho cuộc sống. Lý luận là tổng hợp những kinh nghiệm của loài người, những tri thức về tự nhiên, xã hội, lịch sử được tích lũy lại qua hàng vạn năm, nhưng lý luận không đứng im mà luôn được thực tiễn bổ sung, hoàn thiện thông qua chính hoạt động thực tiễn.
        Tại buổi khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh nói: "Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản… Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn…Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế"2. Người căn dặn: "Các chú dạy cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác- Lênin chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho họ hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là thế nào không?" 3. Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là để ứng dụng vào thực tế, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng phân công chứ không phải chỉ thuộc sách " cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia" nhưng nhiệm vụ được giao thì lại không hoàn thành.
         Một trong những điểm hạn chế trong học tập lý luận chính trị hiện nay là thiếu sự gắn kết giữa lý luận và thực tế. Điều đó dẫn đến thực trạng là nhiều cán bộ, đảng viên có trình độ lý luận nhưng lại không vận dụng vào thực tế, như Hồ Chí Minh nói: "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào công việc thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách"4, Để gắn lý luận với thực tế, vai trò của người giảng viên trong dạy học lý luận chính trị là rất quan trọng.
        Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến", "tự chuyển hóa' trong nội bộ  đã đưa ra nhóm giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên. Một trong những nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên nêu trong kế hoạch số 04-KH/TU ngày 16/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, BCHTW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến", "tự chuyển hóa' trong nội bộ là "đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ nội dung, chương trình, chất lượng dạy và học".
        Để đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, nhà trường cần lưu ý một số vấn đề sau:
        - Một là, cần nắm vững nội dung lý luận để lựa chọn kiến thức thực tế đưa vào bài giảng cho phù hợp. Cần lưu ý trong các phần học khác nhau, lượng kiến thức thực tế cần đưa vào bài giảng cũng khác nhau. Ví dụ như trong các phần học về chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tế là sự vận dụng các nguyên lý, quy luật, nguyên tắc…nhưng trong các phần học thuộc về kỹ năng, nghiệp vụ thì có thể lựa chọn từ các tình huống diễn ra tại địa phương, cơ sở để học viên lấy kinh nghiệm công tác của mình để tham gia giải quyết.
        - Hai là, tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cho giảng viên
        Trước hết, nói về hoạt động nghiên cứu khoa học: các đề tài nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tế, để mỗi đề tài khoa học là những bức tranh sinh động của cơ sở, để mỗi giảng viên có thể nghiên cứu, đưa vào bài giảng của mình. Các đề tài mà mỗi cá nhân, tập thể đăng ký nghiên cứu trong năm phải thuyết minh rõ ràng về sự ứng dụng trong thực tế, được sự nhất trí của Hội đồng khoa học nhà trường.
        Về hoạt động nghiên cứu thực tế, Ban Giám hiệu nên tổ chức cho các khoa chuyên môn tập trung đi theo đoàn, ở một hoặc vài cơ sở trong tỉnh. Thời gian thực hiện theo Quy chế giảng viên ban hành kèm theo Quyết định số 1855/ QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cuối đợt nghiên cứu thực tế, các giảng viên viết báo cáo thu hoạch theo nội dung đăng ký từ đầu năm. Nội dung thực tế phải gắn với bài giảng của mỗi người.
        - Ba là, thực hiện nghiêm túc quy trình thông qua bài giảng và kiểm tra giáo án, có chữ ký xác nhận của Ban Giám hiệu trước khi lên lớp. Theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giáo án trước khi sử dụng để giảng bài đều phải có chữ ký xác nhận của trưởng khoa phụ trách phần học và chữ ký của Ban Giám hiệu. Vì vậy, các trưởng khoa phải kiểm tra giáo án của giảng viên về lượng kiến thức thực tế trước khi trình Ban Giám hiệu phê duyệt.
        - Bốn là, trong quá trình thông qua bài giảng, dự giờ, rút kinh nghiệm các khoa chuyên môn cần lưu ý: hàm lượng kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong mỗi bài giảng phải phù hợp. Tùy từng bài giảng, từng phần học mà đưa kiến thức, kinh nghiệm thực tế vào bài giảng để làm sáng tỏ lý luận, đồng thời ứng dụng kiến thức lý luận vào thực tế.
        - Năm là, đối với mỗi giảng viên, khi đưa kiến thức thực tế vào bài giảng, phải đảm bảo tính khoa học, nghĩa là lựa chọn những yếu tố thực tế mang tính điển hình, sát thực, gắn kết chặt chẽ với bài giảng. Các sự kiện thực tế phải mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm, đồng thời phải tường minh, rõ ràng về nguồn gốc, địa chỉ...Phải phân tích kỹ lưỡng để người học nhận thấy thực tế đó phù hợp hay không phù hợp với lý luận nêu ra trong bài giảng để người học nhận thức đúng cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tế công tác. Đồng thời, mỗi giảng viên phải thường xuyên học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cập nhật thông tin đưa vào bài giảng, góp phần đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Các phương tiện thông tin đại chúng chính cũng chính là thực tiễn đa chiều, sinh động của cuộc sống mà người giảng viên cần khai thác. Đồng thời, thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để trao đổi với người học, bổ sung kiến thức thực tế một cách thiết thực nhất từ những cán bộ cơ sở.
          Thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị, nâng cao chất lượng dạy học trong Trường Chính trị hiện nay là giải pháp thiết thực nhất để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.  
                                                                       
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung
 Phó Hiệu trưởng
    Tài liệu tham khảo:
1. Về vấn đề trí thức và cách mạng, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 57
2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2002, T8, tr496
3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2011, T15, tr 668
4. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2002, T5, 234.
5. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII 

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289906

Đang Online : 40