Nghiên cứu - Trao đổi

Năm Đinh Dậu 2017- Nhìn lại Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789

Ngày Đăng: 24/1/2017 11:8 Lượt xem: 390

          Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh ấy đã ghi dấu những chiến công vang dội, trong đó có những mốc son lịch sử gắn liền với mùa xuân đất nước. Trong không khí tưng bừng đón xuân, mừng một năm mới đến với nhiều niềm vui và hy vọng, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử với những chiến thắng hào hùng của dân tộc. Chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789 là một chiến công vĩ đại vào loại bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng ấy trong mùa xuân của đất trời hòa quyện với  bản lĩnh và tư thế bất khuất của dân tộc Việt Nam, chiến thắng để khẳng định văn hóa truyền thống, chủ quyền của dân tộc.
          Ngược dòng lịch sử, cuối thế kỉ XVIII, sau khởi nghĩa Tây Sơn, chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam bị đánh bại, quyền lực của chúa Trịnh ở miền Bắc cũng bị đe dọa khiến cho triều đình nhà Lê có nguy cơ sụp đổ. Trước tình thế đó, vua Lê Chiêu Thống hèn hạ cầu cứu triều đình Mãn Thanh. Không để lỡ dịp may hiếm có, Hoàng đế nhà Thanh lập tức cử tổng đốc Tôn Sĩ Nghị đưa 20 vạn quân ồ ạt kéo vào nước ta. Quân Tây Sơn lúc đó lực mỏng không cản nổi địch đã rút về dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng đồng thời cấp báo về Phú Xuân (Huế) cho Nguyễn Huệ nắm tình hình. Ngày 21/1 năm Mậu Thân (tức 22/12/1788 dương lịch), quân Thanh vượt sông Hồng chiếm kinh thành Thăng Long đã bỏ trống. Tin rằng nước Nam sắp trở thành quận huyện của Trung Quốc nên Tôn Sĩ Nghị cho quân đóng đồn và nghỉ ngơi chuẩn bị ăn tết Kỷ Dậu, chờ sau tết sẽ đánh quân Tây Sơn đồng thời bắt người Nam phải để tóc tết bím và để răng trắng như người Tàu.
         Nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788 (tức ngày 25/11 âm lịch), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã xưng vương, lấy tên hiệu là Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc chống quân Thanh xâm lược.
          Trong 41 ngày dừng chân tập kết ở Tam Điệp và Biện Sơn của vùng đất chiến lược Ninh Bình; Quang Trung - Nguyễn Huệ đã chỉ huy gấp rút huấn luyện quân sĩ, tích thảo lương thực, đồng thời cùng các tướng lĩnh tài ba thao lược như Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Ninh Tốn, Đô đốc Long, Đô đốc Tuyết …họp bàn và quyết định phương thức, chiến lược tiến đánh Thăng Long - Đông Đô. Mờ sáng ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, từ Tam Điệp- Ninh Bình, đại quân Tây Sơn chia làm 5 đạo quân thần tốc tiến công. Quân Tây Sơn chính thức tấn công và lần lượt hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó một cánh quân khác của Tây Sơn bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng (Đống Đa) khiến quân Thanh không kịp trở tay. Tướng chỉ huy đồn là Sầm Nghi Đống phải tự vẫn. Sáng mồng 5, vua Quang Trung mới tấn công và hạ đồn Ngọc Hồi.
          Chỉ trong năm ngày đêm đầu tiên của mùa xuân năm Kỷ Dậu, quân dân nước Việt đã đánh tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh gọn gẽ, nhanh chóng. Trưa 30/1/1789 (tức ngày mùng 5 Tết), đại quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long ăn mừng thắng lợi sớm hơn dự định hai ngày. Nhân dân kinh thành đã dâng lên nhà vua những cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh trong tiếng pháo nổ khắp nơi mừng đại thắng.
          Trong lịch sử giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đã từng đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược, nhưng chưa từng có một trận chiến oai hùng trong một thời gian ngắn như thế. Chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu - 1789 vì thế đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt như một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu một sức sống phi thường, ý chí kiên cường trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại; đánh tan giấc mộng xâm lăng và bành trướng của thế lực phương Bắc.
                  “Đánh cho để dài tóc
                   Đánh cho để đen răng
                   Đánh cho nó chích luân bất phản
                   Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
                   Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”
          Những lời hịch bất hủ này khiến người ta nhớ đến một chiến công hiển hách, lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta – Đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Đại thắng quân Thanh năm 1789 một lần nữa khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân đồng thời là một minh chứng hùng hồn: Khi đất nước bị xâm lược thì cả nước đồng lòng lên đường giết giặc với tất cả sức mạnh của tinh thần yêu nước.
Một mùa xuân nữa lại về, nhìn lại chiến thắng lịch sử tết Kỉ Dậu năm 1789 để mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay càng thấy tự hào hơn về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, bồi đắp thêm lòng yêu nước, ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, qua đó củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phát huy vai trò sức mạnh nhân dân, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

                                                                                                                                    Thạc sĩ Trần Thị Mai Thu
                                                                                                                                             Khoa Dân Vận
 
*TLTK:        
  Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1 Nxb Giáo dục,Hà nội, 2005.
  Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà nội, 2001.
            Giáo trình lịch sử quân sự, Nxb QĐND, Hà nội, 1999.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289909

Đang Online : 43