Nghiên cứu - Trao đổi

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Ngày tôn vinh sách và văn hóa đọc

Ngày Đăng: 20/4/2018 10:33 Lượt xem: 528

          Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, thư viện đã sớm tồn tại và phát triển từ thời kỳ cổ đại, khoảng thiên niên kỷ thứ ba (trước CN). Ngay từ khi ra đời thư viện đã được những người đứng đầu các triều đại quan tâm, đầu tư xây dựng. Sách cũng được coi là những di sản văn hoá của nhân loại, đáng được trân trọng. Hoạt động chính của các thư viện là việc tổ chức và phục vụ đọc sách báo cho các tầng lớp nhân dân. Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4 ở Tây Ban Nha. Ngày đó người ta thường yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo đóa hoa hồng và những ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước trên thế giới dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Để tôn vinh sách và “Ngày hội đọc sách”, năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
          Hiện nay trên thế giới những hoạt động như: Lễ hội sách, Ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của rất nhiều người từ nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Bất kể già, trẻ, gái, trai; mọi tầng lớp trong xã hội như trí thức, nông dân, công nhân hay nhân dân lao động không phân biệt giàu – nghèo... đều có thể được đọc những tác phẩm yêu thích. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà bối cảnh chung của toàn thế giới là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ số, cùng với hàng ngàn các trang mạng xã hội xuất hiện và phát triển với tốc độ chóng mặt, thì việc ra đời và tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.
          Ở nước ta, để tìm một chỗ đứng vững chắc trong thế giới bùng nổ và lan truyền công nghệ thông tin như hiện nay các nhà quản lý, những người làm công tác xuất bản, in ấn và phát hành, các cơ quan ban ngành thống nhất cần thiết lấy một ngày trong năm là ngày sách và văn hóa đọc. Hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc có quy mô quốc tế. Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.   
          Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày Sách Việt Nam hàng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
          Với mục đích cao cả không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hoá đọc, khẳng định vị thế xã hội và tầm quan trọng của sách và việc đọc sách - một nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam. Ngày hội sách và văn hóa đọc ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động: Triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa nhà văn với bạn đọc, toạ đàm, nói chuyện chuyên văn học, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Ngày hội sách và văn hóa đọc đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hoá đọc. Công tác xã hội hóa thư viện có ý nghĩa này đã, đang thu được nhiều kết quả to lớn.
          Ngày Sách Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đối với những người viết, những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách. Mà nó còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các tầng lớp nhân dân, với độc giả ở khắp nơi. Qua đó, góp phần thúc đẩy, khích lệ, cổ vũ cho việc phát triển văn hóa đọc và xây dựng một xã hội học tập. Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là “người thầy vĩ đại” thắp sáng trong chúng ta nguồn tri thức vô tận, dạy chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả. Do đó, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi người trong xã hội. Từ đó đến nay, Ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã dần trở thành nền nếp, đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi trong nhân dân.
          Ngày nay, dù xã hội đang trên con đường thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa và trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhưng có phát triển đến đâu và sẽ cho ra đời nhiều loại hình phương tiện thông tin hiện đại hơn nữa, nhưng sách vẫn giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống nhân loại. Đọc sách vẫn là một hoạt động văn hoá. Tuy nhiên đọc sách gì và đọc như thế nào cũng thể hiện "văn hoá đọc". Hiện nay, có quá nhiều hình thức tiếp cận thông tin tiện lợi và hiện đại, dẫn đến việc coi thường văn hoá đọc. Nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay, không coi trọng việc đọc sách, từ thực tế đó sẽ dẫn đến lối sống hưởng thụ, thụ động khi quá lạm dụng các phương tiện thông tin tiện lợi như  internet, máy tính, điện thoại thông minh... Trong mỗi chúng ta, ai cũng có thể dễ dàng nhận rõ vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế được của sách đối với đời sống hiện đại. Vì vậy mỗi chúng ta cần phải trân trọng sách, bởi ở đó là kết tụ những tinh hoa "kho tàng trí thức" của nhân loại để lại. Và ở đó là sự kết tụ tâm hồn, trí tuệ, sự văn minh sáng tạo của bao thế hệ. Hãy trân trọng sách và yêu thích sách vì đó là những món quà vô giá mà chúng ta sẽ nhận được trong cuộc sống ./.
Cử nhân Phí Thị Ngọc Anh
Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286406

Đang Online : 10