Nghiên cứu - Trao đổi

Phấn đấu xây dựng môi trường không thuốc lá tại Trường Chính trị Tuyên Quang

Ngày Đăng: 23/4/2018 7:16 Lượt xem: 458

          Thuốc lá là chất độc chết người bởi chứa 4000 chất hóa học, 200 chất độc có hại cho sức khỏe, 43 chất gây ung thư, 1-3 mg chất Nicotin trong một điếu thuốc, chứa chất nhựa hắc ín (Tar), chất phụ gia (Amoniắc), Các-bon mô nô-xít. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) 6,5 giây thêm một người chết do thuốc lá, đến năm 2020, hằng năm, 10 triệu người sẽ chết do tác hại của thuốc lá, 70% đến từ các nước đang phát triển, 50% số người hút thuốc thường xuyên sẽ chết do thuốc lá, những người hút thuốc lá có tuổi thọ giảm từ 8-23 năm so với người không hút thuốc. Các bệnh có liên quan đến thuốc lá: ung thư phổi (tỷ lệ cao gấp 10 lần), Ung thư thanh quản, miệng (gấp 13 lần), Ung thư vòm miệng, bàng quang, vú, dương vật, cổ tử cung và các loại khác (đều tăng), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cao gấp 10 lần, bệnh mạch vành nguy cơ mắc cao gấp 10-15 lần, xơ vữa động mạch cao hơn 1,5 – 2 lần, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, tai biến mạch máu não cao gấp 2-4 lần, tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới.
          Các hình thức hút thuốc hiện nay gồm: Hút thuốc chủ động là những người trực tiếp hút thuốc, hút thuốc thụ động là những người không hút thuốc lá (thuốc lào) nhưng hít phải khói thuốc của người khác, người hít phải khói thuốc cũng bị mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Thực trạng hút thuốc thụ động tại Việt Nam có nguyên nhân do 95% những người hút thuốc có thói quen hút thuốc lá trong nhà, 2/3 phụ nữ thường xuyên hít phải khói thuốc và 1/2 số trẻ em thường hít phải khói thuốc tại nhà. Thời gian hút thuốc thụ động trung bình là 26 phút/ngày.
          Toàn cầu hiện có khoảng 1,1 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2025 con số này lên tới 1,6 tỷ người. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm đi trong các thập kỷ qua, mặc dù tỷ lệ hút thuốc vẫn tăng ở một số nhóm người nhất định. Các nước có thu nhập thấp và trung bình, việc sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng. Tại hầu hết các nước, người nghèo hút thuốc lá nhiều hơn người giàu.
          Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam năm 2016 có 15,6 triệu người trưởng thành hút thuốc, ngoài loại thuốc lá, thuốc lào thông thường, nhiều người trong số này sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nhai. Trung bình mỗi người hút thuốc chi 2,7 triệu đồng/năm cho thuốc lá, tổng chi cho thuốc lá mỗi năm của những người hút thuốc lên tới 31.000 tỷ đồng.
          Tại Tuyên Quang, theo ước tính tỷ lệ hút thuốc khoảng từ 45-50%, trong đó hút thuốc lào chiếm 2/3. Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc qua điều tra ở phường Hưng Thành và xã Tràng Đà khoảng 1%. Ở nông thôn tỷ lệ người hút thuốc khá cao, chủ yếu là thuốc lào. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới trên 16 tuổi là 34,3%, thuốc lào 28,3% (có người hút cả 2 loại thuốc).
          Tại Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang, trong những năm qua Đảng ủy, lãnh đạo nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền về tác hại của hút thuốc, phổ biến nhiều văn bản như: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quyết định 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020", Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 11/6/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang… vận động cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng không hút thuốc. Qua khảo sát thực tế tại trường, hiện nay 96,15% cán bộ, giảng viên, nhân viên không hút thuốc; không có hiện tượng mua, bán, sản xuất thuốc lá trong khuôn viên nhà trường; tích cực thực hiện và vận động người thân, cộng đồng phòng, chống tác hại của thuốc lá; cán bộ, giảng viên, học viên có sự chuyển biến tích cực về kiến thức, thái độ, kỹ năng phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cũng qua khảo sát thực tế cho thấy một bộ phận nhỏ học viên nam ở các lớp hút thuốc lá trước giờ vào lớp, giờ giải lao, và sau giờ học; cá biệt còn có học viên hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm như: Hành lang lối đi chung, nhà làm việc, hội trường, sân thể thao, nhà để xe…. Tuy số lượng học viên hút thuốc không nhiều nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút thuốc trực tiếp và nhiều người hút thuốc thụ động cũng như nỗ lực xây dựng môi trường không thuốc lá của nhà trường.
          Để hạn chế việc hút thuốc lá trong nhà trường và hướng đến xây dựng trường học không thuốc lá, trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mọi người không hút thuốc, thường xuyên giám sát, nhắc nhở người hút thuốc không đúng nơi quy định, có hoạt động tích cực, cụ thể hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5 hằng năm. Đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường phải thực hiện tốt quy chế làm việc trong đó có nội dung xây dựng nhà trường văn hóa, lịch sự; gương mẫu không hút thuốc, đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào bài giảng, tuyên truyền với người học và nhân dân về tác hại của việc hút thuốc và lợi ích của việc bỏ thuốc; bổ sung thêm nhiều biển "không hút thuốc" để học viên và khách đến làm việc thực hiện; không bán thuốc lá trong khuôn viên nhà trường. Đối với học viên các lớp, tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; yêu cầu thực hiện nghiêm nội quy, đặc biệt là không hút thuốc trong quá trình học tập tại trường, những trường hợp vi phạm sẽ bị đánh giá về ý thức tổ chức kỷ luật.
          Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá cho rằng: "Quyết tâm dành ưu tiên cho quyền bảo vệ sức khỏe công cộng, nhận thức rằng sự lan rộng của nạn dịch thuốc lá là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe công cộng, đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế hữu hiệu, phù hợp…""Mục tiêu của Công ước này và các nghị định thư có liên quan là nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc là và phơi nhiễm với khói thuốc…", Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá khẳng định công dân có quyền "được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá". Để thực hiện được mục tiêu của Công ước và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ những nguy hại mà khói thuốc mang lại cho người trực tiếp hút và người hút thuốc thụ động đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả chúng ta, bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: Không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm, không vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá, không bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, không quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá… vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Cùng với quyết tâm chung của toàn xã hội, Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang phấn đấu xây dựng môi trường không thuốc lá.
 
Thạc sĩ Mai Quang Thắng  
Trưởng khoa Nhà nước – Pháp luật

 
Tài liệu tham khảo viết bài:
- Tài liệu tập huấn Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Truyền thông – Sức khỏe, Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang (năm 2018)
- Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
- Công ước khung của tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá
- Quyết định 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020"
- https://tuoitre.vn/156-trieu-nguoi-viet-chi-31000-ti-dong-hut-thuoc-la-1167034.htm

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286412

Đang Online : 16