Nghiên cứu - Trao đổi

Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện“ tự diễn biến,“tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên

Ngày Đăng: 8/2/2017 9:30 Lượt xem: 1365

                                                            
        Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam kể từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xác định lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định nhiệm vụ thứ nhất trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2016 – 2020 là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Điều đó càng khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò của công tác xây dựng Đảng trong mối quan hệ với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng, hội nhập quốc tế. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Hội nghị  Trung ương 4 (khóa XII) đề ra là “Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.
        Vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ không phải đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII mới đề cập mà tại các Nghị quyết về xây dựng Đảng trước đó đều đã chỉ rõ, tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt đảng: “Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình”. Điều đó cho chúng ta thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Từ việc xác định vị trí, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ đối với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên và căn cứ vào các hướng dẫn của Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ nên các cấp ủy đảng, chi bộ đều có các giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần vào những thành tựu lớn trong công tác xây dựng Đảng những năm qua, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
        Trong giai đoạn hiện nay, để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn tớitự diễn biến”, “tự chuyển hóa” “ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ thì việc tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong các giải pháp hữu hiệu, trong đó cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Cấp ủy, chi bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10 - CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóaX); Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung sinh hoạt chi bộ; Hướng dẫn số 04-HD/BTCTU ngày 02/5/2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang hướng dẫn một số nội dung sinh hoạt chi bộ trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng; Công văn số 535 - CV/BTCTU ngày 20/10/2016 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang “Về việc thực hiện nội dung sinh hoạt chi bộ”.
        - Tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  và đưa nội dung học tập, làm theo vào nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Tổ chức cho đảng viên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của bản thân xây dựng kế hoạch làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong các kỳ sinh hoạt chi bộ hằng tháng cần đánh giá kết quả thực hiện của chi bộ và từng đảng viên, chỉ rõ những việc đã làm được, việc chưa làm được, kịp thời biểu dương cá nhân thực hiện tốt đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế. Lấy kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, tổ chức đảng.
        - Chi ủy, bí thư chi bộ cần chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung sinh hoạt, trong đó cần tập trung đánh giá: Việc chấp hành nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; về ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ; tác phong sinh hoạt, phong cách làm việc; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao… của cán bộ, đảng viên. Trong tình hình hiện nay, cần chú trọng phổ biến, quán triệt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; cập nhật, phổ biến, tuyên truyền các thông tin của địa phương, trong nước và quốc tế phù hợp, thiết thực tới cán bộ, đảng viên.
        - Ngoài việc tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ theo quy định với những nội dung trên, căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của chi bộ thì chi ủy, bí thư chi bộ cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, ít nhất mỗi quý một lần. Để có nội dung sinh hoạt chuyên đề phong phú, hiệu quả cao, phù hợp, sát với tình hình của cơ quan, đơn vị thì chi ủy, bí thư chi bộ có thể trao đổi với bộ phận chuyên môn, đoàn thể để lựa chọn nội dung, đặc biệt chú trọng đến các nội dung về công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay. Chi uỷ, bí thư chi bộ cần thông báo trước nội dung sinh hoạt từ một đến hai ngày cho đảng viên trong chi bộ biết để đảng viên chuẩn bị ý kiến thảo luận nghiêm túc, nhằm đạt chất lượng cao.
        - Đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho mọi đảng viên nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nghị quyết của chi bộ và của cấp ủy cấp trên; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu để chi bộ thực sự là nơi lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
        - Tiếp tục phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Để phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ phải cần có tác phong cởi mở, chân thành nhưng phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Đề cao tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, che dấu khuyết điểm,  bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh.
        - Chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, lợi dụng phê bình để nịnh bợ hoặc vu khống, bôi nhọ; chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân; bảo thủ trong trao đổi, thảo luận. Chi ủy, bí thư chi bộ lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến của đảng viên, trả lời những chất vấn của đảng viên; tuyệt đối không độc đoán, gia trưởng trong quá trình chỉ đạo, điều hành sinh hoạt chi bộ. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo cấp ủy cấp trên, đề nghị cấp trên giải đáp và trả lời đảng viên trong buổi sinh hoạt sau.
        - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp ủy cấp trên, nhất là cấp uỷ cấp trên trực tiếp đối với chi bộ. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện sinh hoạt chi bộ thông qua sổ ghi biên bản họp chi bộ, sổ ghi chép của đảng viên để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong sinh hoạt của chi bộ để có biện pháp chỉ đạo, định hướng khắc phục. Cấp ủy cấp trên cần phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt với các chi bộ để động viên, khuyến khích, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên trong thẩm quyền, đồng thời qua đó cũng nắm bắt về tư tưởng chính trị của đảng viên,  hoạt động của chi bộ để báo cáo cấp ủy cấp trên chỉ đạo kịp thời.
        Quán triệt, thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng chính là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và trong xã hội, góp phần định hướng, đổi mới tư duy, đề cao trách nhiệm, nâng tầm bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như năng lực cầm quyền của Đảng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Đảng về sinh hoạt chi bộ và đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt là những biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, là một trong những giải pháp để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đề ra, xây dựng Đảng ta vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.
 
                                                
  Thạc sĩ Đỗ Thu Hương
   Phó Hiệu trưởng

Tin mới nhất:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8289908

Đang Online : 42