Nghiên cứu - Trao đổi

Những thành tựu nổi bật trong thời đại Hùng Vương

Ngày Đăng: 2/5/2018 10:10 Lượt xem: 445

          Các truyền thuyết dân gian và sử cũ cho rằng tổ tiên của người Việt ta là các vua Hùng, thuộc họ Hồng Bàng, gốc Bách Việt. Triều đại Hùng Vương bắt đầu từ Kinh Dương Vương, tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. Kinh Dương Vương là thủy tổ của giống Bách Việt. Kinh Dương Vương lấy Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra Hùng Vương, vua Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu. Những thành tựu khảo cổ học thu được qua nhiều thập kỷ cùng với các khoa học khác đã chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn hóa đồ đồng phát triển rực rỡ và cực thịnh – văn hóa Đông Sơn cùng những thành tựu rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.  
          Về mặt tổ chức bộ máy nhà nước: Nhà nước Văn Lang có Hùng Vương là vua, đứng đầu bộ máy chính quyền cả nước, dưới có các quan Lạc hầu, Lạc tướng, Bồ chính, tổ chức chính quyền theo mạng lưới dọc (từ trên xuống dưới) và ngang (giữa các Lạc hầu, Lạc tướng, giữa các bộ). Nhà nước thời đại Hùng Vương bắt đầu hình thành với chế độ pháp luật sơ khai, chưa hình thành được những định chế chính trị và pháp luật quy mô, chặt chẽ, nhưng về căn bản là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng những yêu cầu của điều chỉnh các quan hệ xã hội thời kỳ lịch sử đó. Những thành tựu bước đầu ấy là cơ sở để hình thành và phát triển các nhà nước, định chế chính trị và pháp lý của người Việt trong các thời đại lịch sử sau này.
          Nước Văn Lang trong thời đại Hùng Vương là một nước nông nghiệp có nền kinh tế tương đối phát triển. Những thành tựu nghiên cứu về khảo cổ học đã chứng minh rằng nông nghiệp trồng lúa nước đóng một vai trò quan trọng trong thời đại Hùng Vương, đây là ngành nghề chính của cư dân lưu vực sông Hồng và sông Mã. Ở thời kỳ này dân Lạc Việt dùng phương pháp “thủy nậu”, dùng chân giẫm xuống ruộng nước cho cỏ sụt bùn rồi mới cấy lúa. Dân cư miền trung du Bắc Bộ dùng phương pháp “đạo canh hỏa chủng”, dùng lửa đốt cỏ rồi mới xới đất để tra hạt giống. Trong sách Vân đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn viết rằng người Việt đã trồng được gần một trăm giống lúa tẻ và lúa nếp. Bên cạnh nền nông nghiệp trồng lúa nước thì ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá sông và cá biển trong thời đại Hùng Vương cũng khá phát triển.
          Một thành tựu quan trọng trong thời đại Hùng Vương là sự ra đời và phát triển của nghề luyện kim và các nghề thủ công. Ở thời kỳ này, bên cạnh kỹ thuật chế tác đồ đồng thì đã có thêm kỹ thuật luyện quặng sắt và chế tác đồ sắt. Các nghề thủ công khác như nghề gốm, nghề mộc và sơn, nghề dệt, nghề đan lát mây tre, chế tạo đồ trang sức bằng đá, gốm, kim loại… đã rất phát triển.      
          Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá tiêu biểu của thời kỳ này. Qua các di chỉ khai quật được cho thấy văn hoá Đông Sơn phát triển dựa trên văn hoá Phùng Nguyên (Phùng Nguyên là tên một làng ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ của nền văn hóa này), Đồng Đậu (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một nền văn hóa đồ đồng phong phú năm 1962), Gò Mun (Gò Mun, xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Đời sống văn hoá thời Hùng Vương rất phong phú, nhiều loại hình dân ca cổ xưa vẫn được lưu truyền đến ngày nay như hát Xoan, hát Ghẹo, hát Ví... Hát Xoan gắn liền với việc thờ cúng Hùng Vương, một tín ngưỡng bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Hát xoan,hát Ghẹo nằm trong một tổng thể văn hoá dân gian góp phần tạo nên một kho sử truyền khẩu biểu hiện sự thành kính với các vua Hùng và lòng tự hào về nhà nước Văn Lang. Năm 2017 hát xoan của Phú Thọ được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
          Công cuộc dựng nước và giữ nước trong thời đại Hùng Vương đã hình thành nên những phẩm chất, cốt cách của dân tộc Việt Nam đó là chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, tự lực tự cường; tinh thần cộng đồng, đoàn kết, ý thức dân chủ; tinh thần dũng cảm, cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động… Đây chính là những giá trị cốt lõi, được xây dựng, bảo tồn, phát triển qua hàng ngàn năm của dân tộc.
           Thời đại Hùng Vương có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử. Đây là thời đại hình thành nên những giá trị về vật chất và tinh thần của dân tộc và cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Người dân Việt Nam ở khắp mọi miền tổ quốc luôn nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, nguyện cố gắng đóng góp công sức, trí tuệ của mình để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.
 
 Thạc sĩ Phùng Thị Khánh Lệ
         Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu

Tài liệu tham khảo:
PGS.TS Vũ Như Khôi, Nước Văn Lang thời đại vua Hùng đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, H.2005 
                                   
 
 

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286416

Đang Online : 20