Nghiên cứu - Trao đổi

Điện Biên Phủ - Chiến thắng quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương

Ngày Đăng: 7/5/2018 9:6 Lượt xem: 486

         Cùng với sự kết hợp sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và sự giúp đỡ của nhân loại tiến bộ trên thế giới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ đã chọn Điện Biên Phủ làm trận quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…” đã làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải chấp nhận thất bại, đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chọn Điện Biên phủ là trận quyết chiến chiến lược để kết thúc chiến tranh
          Sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng Việt Nam chuyển từ thế phòng ngự sang thế tiến công và phản công. Trước tình thế khó khăn, quân Pháp tập trung xây dựng kế hoạch Nava với mục đích giành thắng lợi trên mặt trận quân sự, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
          Đối phó với âm mưu mới của địch, cuối tháng 9/1953 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chủ trương tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954 như sau: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Kết thúc hội nghị, chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi.
          Được tin các lực lượng chủ lực của Việt Minh di chuyển lên hướng Tây Bắc, Pháp mở cuộc hành quân Caxtơ đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương. Với lực lượng hùng hậu, hỏa lực mạnh, Pháp khẳng định đây "một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương" là "pháo đài bất khả xâm phạm" sẵn sàng “nghiền nát” quân chủ lực của ta.
          Trước tình hình đó, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam họp và phân tích tình hình, đưa ra quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ dựa trên những căn cứ sau:
          Một là, cuộc kháng chiến của ta đang trên thế mạnh, chủ động tiến công địch. Điều kiện thuận lợi cho phép ta mở trận quyết chiến chiến lược với kẻ thù, giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.
          Hai là, mặc dù so sánh tương quan giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh nhưng trình độ, kinh nghiệm tác chiến của quân ta đã được nâng lên rất nhiều. Đồng thời thực hiện triệt để phương châm tác chiến “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu”, biến những thuận lợi của đối phương thành những khó khăn phải đối phó, rơi vào thế bị động.
          Ba là, toàn Đảng, toàn quân và dân quyết tâm giáng một đòn quyết định nhằm đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh, buộc Pháp phải chấp nhận thất bại ở chiến trường Việt Nam nói riêng, chiến trường Đông Dương nói chung.

 

Ngày 6/12/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh tư liệu
 

 
          Trong Chỉ thị ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kì được”.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng đã động viên sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.
          Có thể khẳng định đây là một quyết định đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh. Qua đó, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc ta ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.
          Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoach Na-va, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với quốc tế
          Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Na-va, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đối phương, buộc Pháp phải chấp nhận thất bại trên mặt trận quân sự, đi đến đàm phán trên mặt trận ngoại giao bàn về kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Kết quả ngày 21/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền Pháp buộc phải tiến hành trao trả độc lập cho ba nước trên bán đảo Đông Dương, đánh dấu chấm hết cho âm mưu, bản chất ngoan cố, hiếu chiến của Pháp đã đô hộ dân tộc ta hơn 80 năm qua.
          Chiến công oanh liệt đó trở thành nguồn cổ vũ động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Gần 20 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la tinh đã lần lượt giành độc lập với hình thức và mức độ khác nhau; phong trào đấu tranh vì yêu chuộng hòa bình phát triển rộng khắp; Việt Nam trở thành nước tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân kiển cũ, mở ra trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Điện Biên Phủ xứng đáng là mốc son chói lọi bằng vàng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Điện Biên Phủ cùng với chiến dịch Hồ Chí Minh, với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa…đã trở thành những cây mốc bằng vàng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam[1]
          Đánh giá về ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp Mỹ. Đây là chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay; chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhât định thành công[2]. Thực tế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, trở thành động lực tiếp sức cho dân tộc Việt Nam tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước giai đoạn hiện nay.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Trang
Khoa Xây dựng Đảng
 

[1] Võ Nguyên Giáp, 35 năm sau suy nghĩ về Điện Biên Phủ, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, 4-1999, tr.8.
[2] Lời đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1964.

Các tin liên quan:

Thông tin lý luận và thực tiễn

TUYÊN TRUYỀN

Liên kết web

Đếm số lượng truy cập

Tổng số lượt truy cập: 8286304

Đang Online : 15